Dự báo chính sách biến đổi khí hậu cần gắn với thực tiễn
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu như vậy tại phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ngày 13/9 vừa qua.
Các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đều đạt
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu đều đạt, thậm chí vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra. Chỉ tiêu giảm mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP đã đạt vượt mức đề ra giảm từ 8-10% so với năm 201 , thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đạt mục tiêu kép phát triển kinh tế đi đôi với giảm phát thải khí nhà kính.
Nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội và cộng đồng quốc tế. Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trung ương và địa phương đều đã tăng cường đầu tư triển khai thực hiện các công trình, dự án phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Việc lồng ghép nội dung ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường vào các chiến lược quy hoạch phát triển của Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh (Nguồn ảnh Bộ Tài nguyên và Môi trường). |
Chính sách, pháp luật về phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường ngày càng hoàn thiện, chuyển sang chủ động kiểm soát các nguồn có nguy cơ gây ô nhiễm.
Bảo vệ và phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Số lượng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đã tăng lên.
Năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai được nâng lên hàng đầu khu vực và dần tiệm cận với các nước tiên tiến ở châu Á. Việt Nam đã tham gia tích cực cùng với cộng đồng quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng quản lý và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên đạt được nhiều kết quả quan trọng, bền vững và hiệu quả hơn.
Trong bối cảnh mới cùng với những diễn biến nhanh chóng của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã dự báo và xác định: Đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng và phát triển phát thải thấp. Việt Nam đã triển khai mạnh mẽ những cam kết tại Hội nghị COP26, cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định 2 lần và ban hành Chiến lược quốc gia về biến dổi khí hậu giai đoạn đến 2050 cùng với nhiều chiến lược, kế hoạch hành động khác. Việt Nam cũng cùng các đối tác quốc tế đã thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Các nguồn năng lượng tái tạo được quan tâm phát triển vượt bậc, đồng thời, kinh tế xanh, phát triển bền vững là vấn đề được đặt lên hàng đầu trong quá trình phát triển.
Chính sách cần gắn với thực tiễn
Thế giới đang chứng kiến nhiều hơn những ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Điểm dễ nhận thấy nhất là nhiệt độ trung bình của toàn cầu nóng lên, những hình thái thời tiết bất thường xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử, các thảm họa thiên nhiên xuất hiện với mức độ nghiêm trọng hơn…
Trong khi đó, 10 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ở Việt Nam vẫn còn những bất cập tồn tại. Năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động phát thải khí nhà kính còn hạn chế; ô nhiễm môi trường vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, nhất là tại các cụm công nghiệp, lưu vực sông, làng nghề; ô nhiễm biển do nuôi trồng thủy sản, rác thải nhựa xảy ra ở nhiều địa phương.
Ngập úng do triều cường, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt nghiêm trọng ở đồng bằng sông Cửu Long.
Số liệu điều tra cơ bản, lập quy hoạch sử dụng các nguồn tài nguyên còn nhiều bất cập, hạn chế.
Bối cảnh trong nước và quốc tế đã và đang nổi lên một số vấn đề mới về biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường như: Phát triển kinh tế tuần hoàn; phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero); chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; kinh tế tri thức,…
Phát biểu tại Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu: “Việc tổng kết Nghị quyết 24-NQ/TW đặt trong mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch trong các lĩnh vực có liên quan như Nghị quyết 36-NQ/TW về chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu…”.
Cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, tầm nhìn chiến lược dài hạn đồng bộ, khả thi với các giải pháp trong trung hạn, trước mắt, cấp bách; gắn với huy động nguồn lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân và toàn thể cộng đồng, xã hội, tranh thủ các nguồn lực của cộng đồng quốc tế.
Theo Hà An/ Vietnam.vn
https://www.vietnam.vn/du-bao-chinh-sach-bien-doi-khi-hau-can-gan-voi-thuc-tien/