Sẽ xây dựng gần 1.200 ao chống chịu với biến đổi khí hậu
Đó là mục tiêu của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, Việt Nam”. Dự án do UNDP, Bộ NN&PTNT và UBND các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận phối hợp triển khai.
Trong khuôn khổ dự án, tính đến tháng 8/2023, 106 ao đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng. 15 ao hiện đang được thi công và các ao này dự kiến cũng sẽ sớm được hoàn thành để kịp tích nước trong mùa mưa, và sẽ được các hộ gia đình sử dụng, qua đó củng cố thêm tác động của dự án trong việc tăng cường khả năng tiếp cận nguồn nước cho nông dân ngay trong năm 2023.
Một ao chung của 5 hộ dân đang được thi công. (Ảnh: UNDP)
Đại diện UNDP cho biết, mỗi ao được thiết kế để có thể tích trữ hiệu quả nguồn nước mưa và nước mặt, đồng thời cung cấp nguồn nước bền vững cho nông dân trong mùa khô hạn hàng năm tại địa phương, góp phần giảm đáng kể khả năng bị thiếu nước do hạn hán và tác động biến đổi khí hậu đang diễn ra thường xuyên trong vùng dự án.
Đối với những ao chống chịu khí hậu này, các chuyên gia thủy lợi đã sử dụng mô hình mưa để tính toán cân bằng nước, xem xét nhiều yếu tố như sử dụng tối đa nguồn nước sẵn có, phù hợp với điều kiện địa lý và rủi ro khí hậu cũng như kinh nghiệm truyền thống của địa phương. Phương pháp này đảm bảo rằng ao được xây dựng có thể chống chịu tốt với các kịch bản khí hậu khác nhau, đảm bảo cung cấp nước và sử dụng tốt trong thời gian dài. Bên cạnh đó, thiết kế của ao đã tính đến các tính năng sáng tạo để giảm thiểu thất thoát nước, tránh bồi lắng và thúc đẩy các hoạt động quản lý nguồn nước bền vững.
Một trong những điểm nhấn quan trọng của dự án là chọn cách tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm. Thông qua các nhóm quản lý sử dụng ao, người nông dân, đặc biệt là phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số, sẽ tham gia giám sát xây dựng, vận hành và bảo trì.
Trong khuôn khổ dự án, các buổi tập huấn, nâng cao năng lực cho nông dân sẽ được tổ chức. Các nhóm do nông dân phụ trách sẽ đảm bảo rằng ao chống chịu khí hậu được sử dụng một cách tối ưu và kịp thời giải quyết các thách thức kỹ thuật.
Trong thiết kế, ao chống chịu khí hậu đã tính đến các yếu tố để giảm thất thoát nước và tránh bồi lắng, cũng như thúc đẩy các hoạt động quản lý nguồn nước bền vững. Ví dụ, trồng các loài cây phù hợp xung quanh ao.
Người nông dân trong vùng dự án cũng được tham gia đào tạo, tập huấn cách quản lý rủi ro khí hậu đối với hệ sinh thái nông nghiệp bằng cách áp dụng các thực hành quản lý, quy hoạch đất và cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Dự án là một minh chứng cho việc chia sẻ lợi ích, sử dụng và quản lý nguồn nước bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino cực đoan, được dự báo sẽ hoạt động mạnh trong năm 2023 này.
Qua dự án, các tỉnh có thể thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đưa ra sáng kiến cộng đồng đồng về sinh kế nông nghiệp thích ứng với hạn hán.
Biến đổi khí hậu khiến một số sông suối Tây Nguyên cạn kiệt nước (Ảnh minh họa)
Được biết, trước khi triển khai dự án, UNDP và các đơn vị có liên quan đã tổ chức một loạt các hội thảo tham vấn cộng đồng về chính sách an toàn môi trường, xã hội nhằm thảo luận với các hộ nông dân tại 5 tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Tại các hội thảo, các đại biểu, đặc biệt là các nữ nông dân và người nông dân thuộc nhóm dân tộc thiểu số đã cùng thảo luận để lường trước tất cả các tác động tiềm ẩn về mặt môi trường và xã hội có thể diễn ra trong chu kỳ dự án. Từ đó, có thể phòng tránh các tác động không mong muốn trong việc triển khai dự án và thậm chí tạo ra các tác động tích cực hơn nữa về mặt xã hội và môi trường.