Dự án 500 triệu USD để chế tạo pháo điện từ cho hải quân Mỹ chính thức bị "khai tử"
Pháo điện từ được Mỹ thử nghiệm năm 2017. Ảnh: US Navy |
Việc khai tử loại vũ khí này xuất phát từ thay đổi trong định hướng của hải quân, thiên về phát triển các chủng loại vũ khí nhanh hơn, tầm bắn mạnh hơn, đủ sức tiêu diệt tàu chiến và mục tiêu trên đất liền của đối phương trong điều kiện nổ ra một cuộc chiến tranh lớn.
Được biết, pháo điện từ có thiết kế, nguyên lý hoạt động khác với súng, pháo lựu thông thường. Pháo điện từ không sử dụng chất nổ mà tận dụng năng lượng của các đường ray điện từ để đẩy đầu đạn lao đi với vận tốc tới 7.200 km/h, gấp gần 6 lần âm thanh và nhanh hơn nhiều so với đạn pháo thông thường.
Tầm bắn lớn và tốc độ phản ứng nhanh của pháo điện từ được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường sức mạnh cho những tàu chiến được trang bị vũ khí này.
Pháo điện từ về lý thuyết được cho là an toàn hơn so với súng, pháo thông thường. Thế nhưng loại vũ khí này cũng có nhiều vấn đề khiến hải quân Mỹ phải từ bỏ.
Pháo điện từ được Văn phòng Nghiên cứu Hải quân Mỹ (ONR) bắt tay triển khai từ hồi năm 2005, với mục tiêu tạo ra loại vũ khí có thể tiêu diệt nhiều loại mục tiêu như tàu chiến, máy bay, tên lửa và cơ sở hạ tầng trên mặt đất từ khoảng cách 160 km.
Đến nay, hải quân Mỹ mới tích hợp được pháo điện từ trên ba tàu khu trục lớp Zumwalt. Nếu muốn lắp đặt thêm trên các tàu chiến khác, phải chờ đến cuối thập kỉ này, thời điểm Mỹ bắt đầu phát triển loại tàu khu trục thế hệ mới DDG(X).