Đối ngoại nhân dân Việt - Mỹ: Cầu nối tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin
Hội Việt-Mỹ thúc đẩy công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. (Ảnh: QT) |
Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, nhìn toàn bộ cục diện, bao quát chung quan hệ Việt-Mỹ, có thể thấy rằng trong 28 năm quan hệ ngoại giao thì 10 năm Đối tác toàn diện là giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất, sâu rộng nhất và thực chất nhất trong quan hệ giữa hai nước.
Điều đó thể hiện ở những điểm sau:
Thứ nhất, trong 10 năm qua liên tục có các chuyến thăm cấp cao và các cấp, đặc biệt là chuyến thăm lần đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa hai nước trên cơ sở Đối tác toàn diện được mở rộng; cũng như làm sâu đậm thêm các nguyên tắc trong quan hệ song phương - về sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau.
Thứ hai, trong 10 năm phát triển quan hệ Đối tác toàn diện, hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước luôn là một điểm sáng, phù hợp với lợi ích của của cả hai nước.
“Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ Việt-Mỹ, đối ngoại nhân dân đã có nhiều đóng góp tích cực, là cầu nối tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, và trở thành phong trào sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong 10 năm qua”, Đại sứ Phạm Quang Vinh. |
Cụ thể, thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng lên hơn gấp ba lần, từ hơn 30 tỉ USD lên đến 139 tỉ USD. Thị trường Mỹ vào năm 2022 là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị trường duy nhất mà Việt Nam xuất khẩu trên 100 tỷ USD.
Ngoài ra, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, cả về song phương, đa phương đều có thế mạnh như: hợp tác về an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục; giao lưu nhân dân được mở rộng, trong đó có câu chuyện hai bên hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Có thể nói, 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ đã tạo những cơ sở vững chắc, cũng như triển vọng rất lớn cho việc phát triển quan hệ nói chung, cũng như với đối ngoại nhân dân giữa hai nước nói riêng trong thời gian tới.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, đối ngoại nhân dân đã góp một phần rất quan trọng trong những bước phát triển thăng trầm của quan hệ Việt-Mỹ trong suốt chiều dài lịch sử, thể hiện rõ trong hai giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cùng những hệ lụy sau cuộc chiến và kéo dài mấy thập kỷ cho đến năm 1995, khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
“Có thể thấy rõ rằng cuộc kháng chiến chính nghĩa của Việt Nam đã tạo một phong trào phản chiến rất rộng lớn, tranh thủ được sự đồng tình, tình cảm trong lòng nước Mỹ, được đông đảo tầng lớp nhân dân ở Mỹ ủng hộ. Rất nhiều người bạn Mỹ đã ra đường biểu tình, thể hiện tình cảm với cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam và khi cuộc chiến đã chấm dứt, họ lại tiếp tục đấu tranh để đòi xóa bỏ cấm vận, hàn gắn vết thương chiến tranh.
Trong giai đoạn này, có nhiều câu chuyện rất cảm động. Đó là những người cựu binh Mỹ và cựu binh Việt Nam nỗ lực làm cầu nối để xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ. Đó là rất nhiều nhân sĩ, những cá nhân và những tổ chức của Mỹ đã đến Việt Nam để tìm cách giúp đỡ người dân Việt Nam rà phá vật liệu nổ, bom mìn, cải tạo đất trồng và giúp đỡ những người phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Nhiều nhân vật có ‘tiếng nói ở Mỹ, cả trong Quốc hội, chính quyền đã góp phần thúc đẩy những chính sách tạo thuận lợi hơn cho việc phát triển quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Giai đoạn thứ hai, từ khi Việt Nam và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao, đặc biệt trong 10 năm Đối tác toàn diện, quan hệ hai nước được mở rộng trên tất cả các lĩnh vực, tin cậy chính trị và hiểu biết giữa hai bên gia tăng và các khuôn khổ hợp tác được tăng cường.
Trong đó, đối ngoại nhân dân được mở rộng theo hướng tiếp tục củng cố những bạn bè truyền thống Mỹ (những người từng phản đối cuộc chiến tranh, kêu gọi xóa bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ, nay lại tham gia các hoạt động nhân đạo, những chương trình hợp tác văn hóa, giáo dục ở Việt Nam) và kết nối những thế hệ kế tiếp của những người bạn truyền thống Mỹ đó.
Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, thời gian qua, Hội Việt-Mỹ đã triển khai nhiều hoạt động như tổ chức “Chương trình hai phía” để kết nối con em và gia đình của các cựu binh hai nước. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân cũng đã được tổ chức để thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai bên.
“Nhìn lại chặng đường phát triển quan hệ Việt-Mỹ, đối ngoại nhân dân đã có nhiều đóng góp tích cực, là cầu nối tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin, và trở thành phong trào sâu rộng và mạnh mẽ hơn trong 10 năm qua”, Đại sứ nói.
Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu trong một sự kiện của Hội Việt-Mỹ. (Ảnh: PA) |
Về phương hướng hoạt động trong thời gian tới, người đứng đầu Hội Việt-Mỹ chia sẻ, Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng như Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 5/1/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định, đối ngoại nhân dân là một trong ba trụ cột của đối ngoại Việt Nam (bao gồm đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân), tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại.
Hội Việt-Mỹ cũng hướng đến một tầm nhìn về phát triển hơn nữa đối ngoại nhân dân, để đóng góp nhiều hơn nữa vào tổng thể quan hệ hai nước, tranh thủ môi trường hòa bình, nguồn lực để phục vụ cho phát triển - trọng tâm của Việt Nam trong thời kỳ hậu đại dịch Covid-19; đồng thời tập trung mở rộng hơn nữa mạng lưới đối tác của công tác đối ngoại nhân dân trong quan hệ Việt-Mỹ.
Cụ thể:
Một là tiếp tục củng cố những bạn bè truyền thống, đặc biệt là những người từng ủng hộ hòa bình, hữu nghị với Việt Nam, và tăng cường kết nối với những thế hệ tiếp theo.
Hai là chủ động mở rộng, tìm kiếm và nhân rộng thêm các đối tác, bạn bè mới ở nhiều tầng lớp và những lĩnh vực hoạt động khác nhau. Đơn cử như thông qua các hội đoàn ở Mỹ và các hội đoàn ở Việt Nam để cộng hưởng, nhân lên mạng lưới bạn bè không chỉ của Hội Việt-Mỹ mà còn của nhiều hội và những ai quan tâm đến quan hệ Việt-Mỹ.
“Trong năm qua, Hội Việt-Mỹ đã kết nối, giao lưu với Hội xúc tiến và phát triển điện ảnh, Hội nhà văn, Liên hiệp Hội khoa học kĩ thuật hay Hội Văn học nghệ thuật, Hội cựu binh, Hội chất độc màu da cam...
Các hội đoàn ở Việt Nam có mạng lưới đối tác có liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ. Ở Mỹ các trường học, các học giả cũng có những mạng lưới của họ, nên chúng ta cần phải kết nối để nhân rộng mạng lưới này…”, Đại sứ nói.
Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng, kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt-Mỹ là một dấu mốc mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Và trong bức tranh lớn của đối ngoại Việt Nam, đối ngoại nhân dân sẽ phát triển thuận lợi hơn, tiếp tục đóng góp vào hòa bình, phát triển đất nước, thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ lên một tầm cao mới.
Thương mại Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm 2023 Tham tán, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng tin rằng, cùng với những dấu hiệu tích cực trong quan hệ hai nước nhân kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Mỹ (25/7/2013-25/7/2023), các hoạt động giao thương giữa hai nước từ nay tới cuối năm sẽ tiếp tục khởi sắc. |
10 năm Việt - Mỹ thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện: Bản hòa tấu của tình hữu nghị Trong buổi tối 26/7, tại Hà Nội, các nghệ sĩ Việt Nam và Hoa Kỳ đã mang đến một chương trình biểu diễn độc đáo kết hợp đàn dây cổ điển, nhạc cụ truyền thống Việt Nam và thiết bị điện tử hiện đại, chào mừng kỷ niệm 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện. |
Theo Báo Thế giới và Việt Nam
https://baoquocte.vn/doi-ngoai-nhan-dan-viet-my-cau-noi-tang-cuong-hieu-biet-xay-dung-long-tin-236516.html