Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: "Nước ngoài 70 tuổi vẫn lái xe ầm ầm"
Bộ trưởng KH&ĐT: Chỉ đổi tên dự án cũng phải chờ... 5 tháng Ngày làm việc thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận những vấn đề gì? Quốc hội tranh luận về luật đầu tư công: 10 ngàn tỷ hay 20 ngàn tỷ? |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIV, chiều 29/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Nhiều đại biểu cho ý kiến về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề nghỉ Tết âm lịch, bổ sung ngày nghỉ lễ hàng năm, điều chỉnh thời giờ làm việc trong ngày…
Trước đó, liên quan đến việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, Chính phủ đã đưa ra 02 phương án trình Quốc hội xem xét:
Phương án 01 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 02 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết nhiều người phản đối về tuổi nghỉ hưu |
Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Theo tờ trình của Chính phủ, cả 2 phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 01, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 02 có lộ trình nhanh hơn phương án 1 là tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 01 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Võ Trọng Việt (Hà Tĩnh) đồng tình với đề xuất của Chính phủ đưa ra. Ông Việt cho rằng, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu là phù hợp, bởi như quy định hiện hành thì tuổi nghỉ hưu là sớm, trong khi sức lao động của người lao động vẫn còn, đời sống phát triển khiến tuổi thọ của người dân cũng tăng.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm |
Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) tán thành đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên mức 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Theo ông Lâm, năng suất lao động của chúng ta còn thấp; tuổi thọ người Việt Nam ngày một tăng lên, trong khi thời gian nghỉ ngơi hưởng thụ tăng lên là lãng phí nguồn lực lao động, nhất là trong khi đất nước đang tiếp tục cần sáng tạo, lao động để phát triển.
Đặc biệt, đại biểu Trần Văn Lâm cũng cho rằng: Chính sách với chế độ hưu trí còn rất thấp nên phải tăng quỹ hưu trí, tăng tuổi nghỉ hưu để đóng góp cho quỹ hưu trí tăng lên, có cơ hội cải thiện mức sống của người nghỉ hưu, về lâu dài còn đảm bảo an toàn quỹ bảo hiểm xã hội.
Về vấn đề này, đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) cho hay quy định tăng tuổi nghỉ hưu là cần thiết. Bà Hoa nhấn mạnh: Hiện nay, cả thể lực và trí tuệ của người Việt Nam ngày càng tốt lên, rất nhiều người đã nghỉ hưu nhưng vẫn lao động và đóng góp tích cực cho xã hội.
Tuy vậy, đại biểu này cũng đề xuất, cần phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của quy định trên với một số Luật quy định hiện hành. Chẳng hạn, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục Đại học quy định tuổi nghỉ hưu kéo dài không quá 5 năm đối với Tiến sĩ, không quá 7 năm với Phó giáo sư và không quá 10 năm với Giáo sư.
Trong khi đó, theo đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hoá), rất nhiều người đang quan tâm tới đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Luật Lao động sửa đổi.
"Đối với người lao động hiện nay về hưu, tiền lương hưu bình quân rất thấp, đặc biệt giáo viên mầm non lương chỉ không đầy 1.390.000 đồng (không bằng tiền lương cơ sở). Quốc hội đã quyết định một chính sách tất cả những người làm việc hợp đồng tham gia BHXH bắt buộc mà về hưu, lương hưu thấp hơn lương cơ sở thì cho bằng lương cơ sở. Nếu như, kéo dài thêm thời gian làm việc thì cũng chính là kéo dài thêm thời gian tích luỹ quỹ hưu trí. Để khi người lao động về hưu có mức tiền lương hưu cao hơn.
Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng cần có quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu |
Đến năm 2039, Chính phủ nêu nguồn nhân lực của chúng ta bắt đầu đến giai đoạn già hoá. Năm 2049 chúng tôi nghiên cứu sẽ giống với Nhật Bản bây giờ đó là lực lượng lao động một người gánh 3 người. Nên chúng ta chuẩn bị đi trước đón đầu, tiếp cận với quá trình già hoá dân số" - ông Bùi Sĩ Lợi nhấn mạnh.
Chính vì thế, theo ông Bùi Sĩ Lợi, thực chất dự thảo không đề ra 2 phương án mà là 2 phương án của lộ trình, còn tuổi nghỉ hưu chỉ có một phương án đó là 62 với nam và 60 đối với nữ, còn bước đi nhanh hơn và chậm hơn.
Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho biết nhiều người phản đối về tuổi nghỉ hưu: "Cơ bản độ tuổi nghỉ hưu vẫn là 55-60, bởi người lao động làm việc trong những ngành nghề, lĩnh vực đặc biệt nặng nhọc độc hại, những ngành nghề bị suy giảm khả năng lao động. Nhóm thứ 3, những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, có đủ bản lĩnh thì có thể kéo dài thời gian công tác, thêm một điều kiện ngoài tuổi 62 đối với nam thì không tham gia quản lý, lãnh đạo mà chỉ tham gia phát huy chuyên môn trình độ thì phù hợp hơn".
Cũng góp ý về đề xuất thay đổi tuổi nghỉ hưu, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho rằng cần có quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu, có lộ trình để tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ. Ngoài ra, cần phân biệt bình đẳng giữa nam và nữ không có nghĩa là tuổi nghỉ hưu phải ngang bằng nhau.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) thì bày tỏ ủng hộ quan điểm cần xem xét lại việc tăng tuổi, vì nhiều đối tượng lao động trực tiếp, kể cả lực lượng lao động ngành y tế giáo dục phản đối tăng tuổi nghỉ hưu. "Thực tế, người dân mình thì tuổi thọ có tăng nhưng sức khoẻ yếu, nên không so sánh được. Nước ngoài trên 70 tuổi vẫn lái xe ầm ầm nhưng mình thì bệnh tật nhiều. Tuổi thọ cao không đồng nghĩa với sức khoẻ cao, nên phải cân nhắc lại" - ông Cương cho hay.
Cần phân biệt rõ tuổi nghề với tuổi hưu Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cần phân biệt rõ tuổi nghề với tuổi hưu. Hưu là đủ điều kiện được hưởng chính sách của Nhà nước, đủ chính sách để được hưởng bảo hiểm xã hội; còn tuổi nghề có thể là nghề làm trong thời gian ngắn, có nghề làm trong thời gian dài. Bộ trưởng nêu ví dụ, đối với nghề xiếc, bóng chuyền, bóng đá, họ chỉ làm thời gian rất ngắn, sau đó họ phải chuyển nghề, phải được đào tạo để chuyển công việc khác. Có những người khi nghỉ làm quản lý, họ vẫn tiếp tục làm nghề. Vì vậy, cần phải hiểu một cách đầy đủ sự cần thiết của tăng tuổi nghỉ hưu và đến lúc này, không thể không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu. |