Đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Nhiều ý kiến băn khoăn
Trong dự thảo mới nhất Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường, với mức thuế suất là 10%.
Điều này đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Người ủng hộ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường không giúp đạt mục tiêu sức khỏe và kinh tế, mà thậm chí còn gây thiệt hại lớn cho nhiều ngành phụ trợ và nền kinh tế nói chung.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Duy Hưng - đại diện Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát cho biết ngay từ khi soạn thảo luật và chưa áp thuế thì doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng vì từ sản phẩm có lợi cho sức khỏe đã bị nghi ngờ có hại cho sức khỏe. Đối tượng khách hàng của Tân Hiệp Phát là người lao động với mức giá phù hợp, chưa từng nhận được phản ánh về việc sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp gây thừa cân béo phì (TCBP), thực tế, họ đang thiếu đường chứ không thừa đường, tỷ lệ TCBP cực kỳ ít.
Theo đại diện Tân Hiệp Phát, chuỗi lợi ích của doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nếu 1 sản phẩm tăng giá 10% trong khi lượng đường chỉ là 1 phần nhỏ. Điều này cũng ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng, chắc chắn doanh thu sẽ bị giảm.
"Do vậy phải đánh giá kỹ tác động, trong bối cảnh độ trễ ảnh hưởng do COVID-19 vẫn còn. Ban soạn thảo phải có báo cáo cụ thể về việc uống nước có đường ảnh hưởng đến béo phì như thế nào, thông qua thuế 10% thì liệu tổng thu có tăng không?", ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát phát biểu tại Hội thảo |
Bà Nguyễn Việt Hà - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội chia sẻ rằng các doanh nghiệp rất băn khoăn, lo lắng về những điểm mới về dự thảo luật lần này đặc biệt là việc mở rộng đối tượng chịu thuế TTĐB.
Theo bà Hà, việc đưa nước giải khát vào đối tượng đánh thuế TTĐB chưa thật sự thuyết phục, chưa trả lời được câu hỏi liệu có thay đổi hành vi người tiêu dùng không? Có giảm tỷ lệ TCBP không? Nếu coi đường là nguyên nhân gây ra TCBP nhưng nếu chỉ đánh thuế 1 nhóm sản phẩm có đường (nhóm rất nhỏ) thì liệu việc đưa mặt hàng này vào đối tượng chịu thuế TTĐB có hiệu quả không? Nếu không hiệu quả cần tìm giải pháp khác.
Về phần mình, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục thuế cho rằng việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.
TS. Nguyễn Văn Phụng cho biết xét về bản chất, mục tiêu chính của thuế là công cụ tạo nguồn thu cho NSNN, cơ sở kinh tế của thuế vẫn là sản xuất kinh doanh, do vậy việc áp thuế phải luôn tính đến các tác động tương quan đối với phát triển kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như tác động tới các nguồn thu ngân sách khác. Ví dụ, việc tăng thuế TTĐB nếu có thể giảm tiêu thụ thì cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của doanh nghiệp và dẫn đến nguồn thu từ thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp cũng giảm theo.
Một thực tế mà ông Phụng cho rằng cũng rất cần được xem xét là giá đồ uống có đường (Nước giải khát theo TCVN có hàm lượng đường trên 5g/100ml, hiện tại còn rất rẻ so với giá bán đồ uống truyền thống như nước cam, nước mía, nước dừa. Vì vậy, cũng có không ít ý kiến cho rằng không nên mất thời gian tranh luận nhiều về tác động có hại của loại đồ uống này đối với sức khỏe người dân bởi các bên liên quan đều dẫn ra các nguồn thông tin có xu hướng ủng hộ cho quan điểm của mình.
“Vì vậy, nên có quy định lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị, ví dụ đến năm 2030 Việt Nam mới áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt này”, ông Phụng nói.