Đại sứ Armenia Vahram Kazhoyan: Rất nhiều tiềm năng hợp tác, giao lưu nhân dân hai nước chúng ta
Đại sứ Armenia tại Việt Nam Vahram Kazhoyan. Ảnh: Hoàng Yến |
- Thưa Đại sứ, Ngài có ấn tượng gì về ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của Việt Nam?
Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam năm 1975 thu non sông về một mối là chiến thắng của khát vọng thống nhất và hòa bình, là thắng lợi từ sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Chiến thắng này đã trở thành động lực tiếp thêm sức mạnh cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân các nước trên thế giới.
Thời điểm đó, Armenia luôn ủng hộ cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh vệ quốc cũng như đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ khoa học – kỹ thuật, để xây dựng và phát triển đất nước. Rất nhiều chuyên gia quân sự, kỹ sư xây dựng và kỹ thuật của chúng tôi đã tình nguyện lên đường đến Việt Nam để chung sức với các bạn.
Trong giai đoạn đầu những năm 1950 đến đầu những năm 1990, gần 2000 sinh viên Việt Nam theo học tại các trường Đại học và Cao đẳng ở Armenia như Đại học Quốc gia Yerevan, Đại học Bách khoa, Nhạc viện Quốc gia Yerevan. Nhiều sinh viên trong số đó đã lưu giữ những kỷ niệm đẹp về Armenia. Hiện nay, họ là lực lượng nòng cốt của Hội Hữu nghị Việt Nam - Armenia. |
Một câu chuyện thường được kể ở Armenia về thời gian chuyên gia quân sự Armenia hỗ trợ nhân dân Việt Nam. Nhóm chuyên gia Armenia ở Sài Gòn đã gặp một nhà sư Việt Nam. Khi trò chuyện thì nhà sư cũng nói tiếng Armenia với họ. Các chuyên gia rất ngạc nhiên và sau họ được biết rằng, vào thời xa xưa nhiều tàu buôn Armenia đã cập cảng trong Vịnh Bắc Bộ. Sau đó một số trường học của người Armenia đã được xây dựng. Nhiều người trong số thương nhân sau này trở thành nhà sư.
Đáng tiếc là tôi không tìm được tư liệu nào về câu chuyện đó. Tôi rất cảm ơn độc giả của Tạp chí Thời Đại nếu có thể cung cấp thêm tư liệu hoặc chứng cứ lịch sử liên quan tới chuyện này.
- Đại sứ đánh giá như thế nào về sự phát triển của Việt Nam sau 48 năm thống nhất đất nước?
Lần đầu tiên tôi đến thăm Việt Nam vào tháng 12/1992 với tư cách là phiên dịch viên của phái đoàn Armenia đầu tiên đến Việt Nam do Phó Tổng thống Armenia Gagik Harutyunyan làm trưởng đoàn. Ấn tượng của tôi lúc đó là Hà Nội có ít nhà cao tầng, xe ô tô chạy trên đường phố cũng rất ít gặp. Phương tiện chủ yếu lúc đó là xe đạp và một số xe máy. Chuyến đi tuy ngắn, nhưng để lại trong tôi nhiều ấn tượng khó quên về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Sau 27 năm, tôi có dịp trở lại Việt Nam với tư cách là Đại sứ Armenia. Tôi cùng gia đình đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) vào tháng 7/2019, tôi ngỡ rằng mình đã lạc vào một đất nước khác. Bởi vì giờ đây Hà Nội có nhiều nhà cao tầng, phố xá đông đúc, cuộc sống nhộn nhịp. Ba năm tôi ở Việt Nam, tôi không chỉ chứng kiến sự phát triển và những thay đổi mà còn chứng kiến cả tốc độ nhanh chóng của những thay đổi đó. Cách Đại sứ quán Armenia không xa là Lotte Mall Tây Hồ. Đây là khu trung tâm phức hợp lớn gồm nhiều dịch vụ được bắt đầu xây dựng từ năm 2012, và sau 2 năm đã hoàn tất xây dựng.
Sinh viên Việt Nam học tập tại Armenia trong chuyến thăm làng Voskevaz (thành phố Ashtarak, Armenia) năm 1954. Ảnh: Volodya Vruyr Amalyan |
- Theo Đại sứ, đối ngoại nhân dân có đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tình hữu nghị hai nước?
Ngoại giao nhân dân có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa hai nước. Nhiều năm qua, Đại sứ quán Armenia luôn chú trọng gìn giữ mối quan hệ gắn bó, thân thiết với Hội Hữu nghị Việt Nam – Armenia, tổ chức các hoạt động giao lưu hữu nghị chào mừng những ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng của hai nước, góp phần không nhỏ vào công tác đối ngoại nhân dân nói chung và quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và Armenia nói riêng.
Tôi cho rằng, để tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân hai nước, cần thúc đẩy và phát triển những mối quan hệ liên quan trực tiếp đến đời sống nhân dân như du lịch, văn hoá, giáo dục…
Từ 11/07/2022, công dân Việt Nam có thể xin thị thực nhập cảnh vào Armenia trực tiếp từ Đại sứ quán Armenia tại Hà Nội hoặc xin cấp thị thực điện tử của Cộng hòa Armenia mà không cần thư mời. Chính phủ Armenia đã đề xuất ký kết Hiệp định về việc loại bỏ yêu cầu thị thực nhập cảnh đối với công dân hai nước.
Đại sứ quán Armenia cũng đã thảo luận với Tổng công ty quản lý bay Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, các hãng hàng không Vietnam Airline và Vietjet Air về khả năng mở đường bay thẳng Yerevan tới Hà Nội hoặc TP.HCM, từ đó sẽ tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước và tăng lượng khách du lịch theo cả hai hướng.
Từ đầu năm 2022, Đại sứ quán Armenia đã đạt được thoả thuận với 10 công ty du lịch Việt Nam về việc tổ chức các tour du lịch tới Armenia với nhiều hình thức đa dạng như du lịch cùng gia đình (Family tour), du lịch ngắn ngày (3-4 ngày) hay du lịch dài ngày (3-4 tuần). Hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có nhiều khách du lịch từ Việt Nam và Armenia đến tham quan và khám phá các thắng cảnh và di sản văn hóa của hai đất nước chúng ta.
Các sinh viên Việt Nam học tập Khoa Toán của Đại học thành phố Yerevan (1969-1975). Ảnh: Volodya Vruyr Amalyan |
Theo tôi, cách tốt nhất để đưa nhân dân hai nước xích lại gần nhau là thông qua du lịch, văn hóa và đặc biệt là văn hóa ẩm thực... Một số kế hoạch trong tương lai của Đại sứ quán chúng tôi bao gồm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa và ẩm thực giữa Armenia và Việt Nam.
Đại sứ quán Armenia đang thảo luận với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam về việc tổ chức các chương trình giao lưu văn hoá giữa hai nước như Tuần lễ văn hoá Việt Nam tại Armenia, Tuần lễ văn hoá Armenia tại Việt Nam. Nhân dân hai nước sẽ hiểu hơn về văn hoá của Armenia và Việt Nam thông qua các hoạt động như trình diễn áo dài, biểu diễn nhạc cụ dân tộc và múa rối nước…
Đại sứ quán Armenia cũng đã khởi xướng và thảo luận về các vấn đề thiết lập quan hệ thành phố kết nghĩa giữa Yerevan - Hà Nội, Gyumri - Thành phố Hồ Chí Minh, Vanadzor - Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, Đại sứ quán Armenia cũng đang thảo luận với Bộ Ngoại giao Việt Nam về việc tổ chức trao đổi đoàn phóng viên giữa hai nước. Các phóng viên sẽ giới thiệu về đất nước, văn hoá, con người Armenia và Việt Nam tới độc giả, khán thính giả hai nước.
Trong lĩnh vực giáo dục, cần tăng số lượng học bổng tại các cơ sở giáo dục bậc trung học, đại học và cao học ở Armenia và Việt Nam. Đại sứ quán Armenia cùng Bộ Giáo dục, Khoa học, Văn hóa và Thể thao Cộng hòa Armenia và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang tiến hành đàm phán về việc cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Armenia học tập, học bổng cho sinh viên Armenia du học tại Việt Nam; học bổng đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ theo tất cả các khối ngành.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!
Hiện nay, gần 300 công dân Armenia đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. Họ chủ yếu là giáo viên dạy tiếng Anh và phi công tại các hãng hàng không Vietnam Airline, Vietjet Air. Nhiều người đã sinh sống và làm việc tại Việt Nam từ 10-20 năm. |
Đại sứ Sandeep Arya: Năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu nhân dân hai nước Việt Nam-Ấn Độ Nhiều chương trình nghệ thuật, giao lưu văn hóa, giao lưu nhân dân được tổ chức tại các tỉnh thành của Việt Nam, từ đó mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương, thúc dẩy giao lưu nhân dân giữa hai nước Việt Nam- Ấn Độ. Đây là thông tin Đại sứ Ấn Độ Sandeep Arya cung cấp trong buổi gặp gỡ báo chí ngày 30/3. |
Nhiều tiềm năng hợp tác giữa thủ đô Hà Nội và Santo Domigo (Dominicana) Ngày 4/4, tại Hà Nội, trong buổi làm việc với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Đại sứ Cộng hòa Dominicana tại Việt Nam Francisco Rodriguez bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển giữa hai nước, đặc biệt là giữa thủ đô Santo Domigo và thủ đô Hà Nội dựa trên những điểm tương đồng về văn hoá và kinh tế của hai thủ đô. |