Con phố ngoại ô Paris mang tên thành viên Hội Hữu nghị Pháp-Việt
Chân dung ông Henri Martin, người chiến sĩ cộng sản Pháp đã hết lòng ủng hộ Việt Nam. (Ảnh: Humanite.fr) |
Lễ gắn biển tên phố diễn ra vào ngày 7/11 có sự tham dự của thị trưởng TP Pantin, Bertrand Kern; Bí thư toàn quốc Đảng Cộng sản Pháp, Fabien Roussel; Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp; thân nhân của ông Henri Martin, bà Raymonde Dien và những người bạn Pháp từng tham gia đấu tranh vì hòa bình, độc lập và thống nhất đất nước của Việt Nam.
Henri Martin (1927 – 2015) là một công dân Pháp đã dũng cảm đấu tranh để phản đối các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, với tuyên ngôn nổi tiếng: “Cả cuộc đời tôi đã dành cho Việt Nam”. Ông cũng là một trong những thành viên đầu tiên của Hội Hữu nghị Pháp-Việt.
Năm 1946, khi có mặt ở Việt Nam với tư cách là thủy thủ tàu chiến sang Đông Dương để giải giáp quân đội phát-xít Nhật, Henri Martin đã tận mắt chứng kiến sự tàn phá nặng nề mà thành phố cảng Hải Phòng phải hứng chịu. Ông đã nhanh chóng nhận ra bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Pháp đang tiến hành ở Đông Dương. Người thủy thủ trẻ lập tức xin xuất ngũ nhưng bị từ chối. Sau đó, khi trở lại quân cảng Toulon, ông đã bắt liên lạc với chi bộ Đảng Cộng sản Pháp tại tỉnh Var, tham gia rải truyền đơn kêu gọi thủy thủ phản chiến. Tháng 3 năm 1950 ông bị bắt và bị kết án 5 năm tù. Trước Tòa án quân sự Pháp, người chiến sĩ không hề nao núng mà còn lớn tiếng tuyên bố rằng quyền độc lập thuộc về người dân Việt Nam.
Biển phố Henri Martin ở thành phố Pantin. Nội dung ghi: Chiến sĩ cộng sản người Pantin, từng bị tù đày vì tham gia chống chiến tranh Đông Dương. Ảnh: chụp màn hình Nhân Dân TV |
Nhờ sức ép từ dư luận và các lực lượng tiến bộ, chưa đầy 5 tháng sau Henri Martin được trả tự do, và nhanh chóng tham gia tích cực các hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp, như phản đối chiến tranh thực dân ở Đông Dương, Algeria, và sau này là phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam.
Đặc biệt, trong suốt thời gian diễn ra các cuộc đàm phán của Hội nghị Paris, Henri Martin đã miệt mài sát cánh hỗ trợ, giúp đỡ Phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho đến ngày toàn thắng. Vào thời bình, ông vẫn luôn dõi theo từng bước phát triển của Việt Nam, dành ưu tiên cho các hoạt động nhân đạo như hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và xây dựng làng Hữu Nghị tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Năm 2003, Henri Martin đã được trao tặng Huân chương Hữu nghị nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Phát biểu tại lễ gắn biển phố Henri Martin, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp nhấn mạnh: Tên tuổi của Henri Martin và Raymonde Dien (người phụ nữ từng lấy thân mình chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam) đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng quốc tế cao cả nhất, cho thấy trong những thời khắc khó khăn nhất của cuộc chiến đấu, nhân dân Việt Nam đã không hề đơn độc vì có những người bạn Pháp như Henri Martin luôn sát cánh, hết lòng ủng hộ. Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định: Các thế hệ người Việt Nam đã và sẽ mãi mãi khắc ghi tình cảm và sự hy sinh của các bạn Pháp, những chiến sĩ hết lòng đấu tranh vì hòa bình cho Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Thiệp (ngoài cùng, phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Thị trưởng TP Pantin, Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp Fabien Roussel và những người bạn Pháp, trong đó có bà Raymonde Dien, Hélenè Luc... (Ảnh: nhandan.com.vn) |
Theo thị trưởng thành phố Pantin Bertrand Kern, việc gắn biển phố mang tên Henri Martin không chỉ ghi nhận những đóng góp của ông cho hòa bình, giúp tăng cường tình hữu nghị giữa thế hệ trẻ hai nước mà còn góp phần thúc đẩy những dự án hợp tác với các địa phương ở Việt Nam.