Chống đại dịch COVID-19: Ấn tượng Việt Nam!
Năm 2020 là một năm có nhiều biến động, đại dịch COVID-19 đã khiến cả thế giới phải đối mặt với rất nhiều thách thức, khó khăn và nước ta cũng không phải là ngoại lệ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia thành công nhất trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Để đạt được kết quả đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nói chung và ngành y tế nói riêng với những y, bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch.
Trước sự tấn công của virus corona chủng mới, Việt Nam một lần nữa chứng minh được năng lực dự phòng và điều trị. Trong đó, ngành y tế đã đóng vai trò quan trọng là tuyến đầu trong công cuộc này.
Đặc biệt, những ngày cuối năm, những mũi vaccine “make in Vietnam” đầu tiên đã được tiêm thử nghiệm trên người, điều mà rất ít nước phát triển trên thế giới làm được. Với những thành công như vậy, Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và cộng đồng quốc tế đánh giá là một "hình mẫu" chống dịch hiệu quả.
Quyết sách đúng đắn, cả nước đồng lòng
Tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 “make in Việt Nam” cho tình nguyện viên đầu tiên sáng 17/12/2020. (Ảnh: Hải Nguyễn) |
Ngay khi nhận được thông tin về những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên trên thế giới, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt và đúng đắn, mang lại hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, với quan điểm đặt việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân lên trên hết. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với lực lượng tuyến đầu là y tế, quân đội...
Việt Nam đã để lại dấu ấn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế về một đất nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng với Chính phủ nêu cao tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “mỗi người dân là một chiến sĩ chống dịch”. Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nêu rõ: “Những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa qua khiến chúng tôi thực sự ấn tượng vì hiệu quả của nó. Điều đó cho thấy, hệ thống giám sát dịch bệnh của Việt Nam hoạt động rất tốt và chứng tỏ niềm tin của người dân với chính quyền”.
Làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất kit thử virus SARS-CoV-2
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, các nhà khoa học Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để từng bước nghiên cứu, phối hợp nghiên cứu và sản xuất các sinh phẩm phục vụ xét nghiệm. Những ngày đầu, để xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2, chúng ta phải sử dụng nguồn sinh phẩm từ nước ngoài (từ WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, Đức). Nhưng chỉ sau gần 4 tháng, không những làm chủ phương pháp xét nghiệm tìm gen virus SARS-CoV-2, Việt Nam đã phát triển được loại sinh phẩm xét nghiệm tìm gen virus (PCR) rất tốt, thay thế nguồn nước ngoài (sinh phẩm do Học viện Quân y phối hợp với Công ty CP Công nghệ Việt Á phát triển). Thời điểm đó, Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới sản xuất thành công kit thử virus SARS-CoV-2.
Sinh phẩm xét nghiệm kháng thể "make in Vietnam" có nhiều ưu điểm: Dễ sử dụng cho tất cả các tuyến; các cơ sở y tế tuyến huyện có thể xét nghiệm được do sử dụng hệ thống máy xét nghiệm sẵn có (hệ thống máy xét nghiệm ELISA được trang bị từ tuyến Trung ương đến tuyến huyện để chẩn đoán người nhiễm HIV, sốt xuất huyết và một số bệnh miễn dịch khác); độ an toàn cao (xét nghiệm qua mẫu máu). Đặc biệt, độ nhạy, độ đặc hiệu của sinh phẩm Việt Nam đạt khoảng 95%, trong khi sản phẩm của nước ngoài chỉ đạt khoảng 70-75%, giá thành của sinh phẩm này rẻ hơn nhiều so với sinh phẩm nhập ngoại (chỉ khoảng 5USD/kit xét nghiệm). Với phương pháp này, Bộ Y tế khẳng định hoàn toàn có thể thay thế các loại sinh phẩm tương tự của nước ngoài. Bộ sinh phẩm xét nghiệm bằng phương pháp PCR của Việt Nam đã được WHO, Vương quốc Anh công nhận chất lượng. Nhờ có sinh phẩm xét nghiệm này, Việt Nam hoàn toàn chủ động phương pháp xét nghiệm để sàng lọc, sớm phát hiện người nhiễm COVID-19, đồng thời xuất khẩu số lượng lớn sinh phẩm xét nghiệm góp phần trợ giúp hiệu quả cộng đồng quốc tế trong công tác phòng, chống dịch.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 . ( Ảnh: TL) |
Niềm tin vào vaccine ngừa COVID-19 của Việt Nam
Chiếc "phao cứu sinh" tại thời điểm này chỉ có thể là vaccine. Nhiều quốc gia trên thế giới đang "chạy đua" trong điều chế vaccine và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua đó. Ngày 17/12/2020 trở thành thời khắc lịch sử của ngành y tế Việt Nam nói chung, ngành quân y nói riêng khi liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên do các nhà khoa học nước nhà nghiên cứu, điều chế được tiêm cho người tình nguyện. Việt Nam đã ghi tên mình vào danh sách là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người. “Đã đến lúc Việt Nam có quyền nói với thế giới rằng, chúng ta đã tạo ra được một sản phẩm vaccine an toàn, hiệu quả. Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vaccine ngừa COVID-19”, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y chia sẻ.
Để quá trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 thuận lợi, không thể không kể đến sự tin tưởng của những tình nguyện viên đối với năng lực của các nhà khoa học. Dù đây là vaccine mới, 3 người đầu tiên được tiêm cũng đã được thông tin và tư vấn rõ ràng về những phản ứng có thể xảy ra, nhưng ai cũng sẵn sàng. Với mỗi tình nguyện viên, đây vừa là trách nhiệm công dân, vừa là niềm tự hào vì đã cống hiến một chút sức lực nhỏ bé của mình vì Tổ quốc.
Dù quá trình thử nghiệm vaccine trên người mới bắt đầu, dù phía trước vẫn còn nhiều thách thức, song cuộc thử nghiệm vaccine đầu tiên vừa qua ở nước ta đã chứng minh tính khoa học, tính trách nhiệm, nhân đạo, sự nhanh nhạy, "chạy đua" với thời gian và sự tự tin, tự lực, tự cường của Việt Nam trong bảo vệ người dân trước đại dịch lịch sử của loài người.
Nếu nước ta tự sản xuất và đưa vào sử dụng vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2021, đó sẽ là thành công chưa từng có tiền lệ trong quá trình nghiên cứu và thẩm định vaccine tại Việt Nam. Điều này cũng là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của ngành y tế Việt Nam trong quá trình làm chủ công nghệ, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân và ghi tên mình trên bản đồ y học thế giới.
Mặt trận truy vết: Những nỗ lực vàng mười cho phương châm thần tốc Đêm 30 tết khi thời khắc giao thừa chạm ngõ, với tinh thần luôn sẵn sàng, quyết tâm cao độ cùng phương châm thần tốc, những chiến sĩ trên mặt trận “truy vết” vẫn đang “đi từng ngõ, rõ từng nhà, rà từng đối tượng” để vẽ nên những mảnh ghép dịch tễ góp phần dựng nên “thành lũy chống COVID” bảo vệ sức khỏe và sự bình yên của người dân. |
Tết lính nơi phên dậu: Chốt kiểm soát chính là nhà Các anh ngày đêm gìn giữ biên cương của Tổ quốc. Mỗi khi tết đến xuân về, đồn biên phòng – chốt kiểm soát là nhà, đồng đội chính là anh em… |
Kiên quyết không để dịch bệnh lan rộng, bảo đảm không để ai thiếu Tết Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, chủ động xây dựng các kịch bản, tình huống, chuẩn bị mọi phương án và các biện pháp phù hợp để sẵn sàng ứng phó kịp thời, hiệu quả, bảo đảm phát hiện nhanh, hành động quyết liệt hơn để dập dịch triệt để trong thời gian ngắn nhất, kiên quyết không để dịch bệnh xâm nhập, lan rộng. |