Chi ngân sách hơn 4.000 tỷ đồng để trả nợ cao tốc Hà Nội - Hải Phòng
Đây là nội dung trong báo cáo tóm tắt Tờ trình phân bổ dự phòng chung vốn Ngân sách Trung ương trong nước còn lại và 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ.
Theo đó, số tiền hơn 4.000 tỷ đồng này được lấy từ nguồn điều chỉnh giảm nguồn vốn dự kiến bố trí cho các dự án quan trọng quốc gia của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thực hiện Nghị quyết số 71/2018/QH14, phương án phân bổ nguồn vốn này của Chính phủ đã ưu tiên bố trí cho các dự án phòng, chống, khắc phục thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, gia cố đê, kè, xây dựng hồ đập, phòng, chống, khắc phục sạt lở bờ sông, bờ biển...
Bên cạnh đó, những năm qua, Chính phủ đã ưu tiên sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương hằng năm để hỗ trợ các địa phương cả nước, nhất là khu vực ĐBSCL, miền Trung, miền núi phía Bắc, thực hiện các dự án thuộc tiêu chí này.
Riêng trong hai năm 2017, 2018, số vốn hỗ trợ các địa phương từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương đạt trên 12,5 nghìn tỷ đồng.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được khởi công xây dựng từ tháng 5/2008 |
Theo tờ trình của Chính phủ, việc dành một phần vốn ngân sách Trung ương từ nguồn 10.000 tỷ đồng để thanh toán nợ hỗ trợ chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cho dự án Đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng theo cam kết trước đây của Chính phủ "là khả thi", "thuộc nghĩa vụ của ngân sách trung ương".
Việc chi ngân sách "trả nợ" cho dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng được cho là phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội và nhằm triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về Đề án Tái cơ cấu Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Do vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định, cho phép bố trí 4.069 tỷ đồng từ khoản 10.000 tỷ đồng để bố trí cho dự án nêu trên của Bộ Giao thông vận tải.
Năm 2002, Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được Chính phủ chủ trương xây dựng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), Ban Quản lý dự án Biển Đông thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là đại diện chủ đầu tư. Tuy nhiên, sau 5 năm khởi động dự án vẫn không tìm được nguồn vốn để triển khai.
Năm 2007 Quốc lộ 5 đã quá tải, vì vậy Chính phủ giao cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - một định chế tài chính phát triển của Nhà nước huy động vốn để cho vay và triển khai dự án. Tại thời điểm đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho VDB góp vốn để thành lập Tổng Công ty phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính (VIFIDI) và giao làm chủ đầu tư dự án.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105,5 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng |
Với tổng mức đầu tư trên 40.000 tỷ đồng, Dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là dự án giao thông trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Đã có khoảng 43.000 hộ dân phải di dời, giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ cho dự án.
Theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006, Nhà nước phải đứng ra GPMB và bàn giao mặt bằng sạch để nhà đầu tư triển khai dự án, nhưng do chưa có vốn, nên hơn 4.000 tỷ đồng tiền GPMB đã được VIFIDI ứng trước.
Sau đó, VIFIDI được Nhà nước cam kết hỗ trợ một số chính sách đặc thù cho dự án. Phần tham gia vốn Nhà nước vào dự án được trả dần bằng ngân sách và bằng tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ở các khu đô thị được hình thành sau khi xây tuyến đường.
Ngân sách Nhà nước sẽ bố trí thanh toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 4.069 tỷ đồng, trả nợ gốc đến hạn các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD (thời gian từ 13-30 năm).
Tuy nhiên, đến nay tất cả nguồn kinh phí trên vẫn chưa được hoàn trả.
Ô tô và dầu thô giúp ngân sách nhà nước tăng mạnh Kim ngạch xuất nhập khẩu mặt hàng ô tô và dầu thô tăng mạnh đã làm tổng thu ngân sách tăng thêm 21,13% so với ... |
Tp. HCM: Vì sao Sở Giao thông vận tải thích tiêu tiền ngân sách? TĐO - Thực hiện chủ trương chống lãng phí, giảm gánh nặng ngân sách, các đô thị trên cả nước đang từ bước thay thế ... |
Hà Nội giảm hơn 8.700 biên chế hưởng lương từ ngân sách Nhà nước TĐO -Trong buổi giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều ngày 23/10, Sở Nội vụ Hà Nội đã có một số thông tin ... |
Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp TĐO - Với 97,33% phiếu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện ... |
Kiên quyết không dùng ngân sách để cứu dự án yếu kém, thua lỗ Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ về xử lý các tồn tại, yếu kém tại một ... |