Không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp
Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.
Tại báo cáo giải trình ý kiến đại biểu đóng góp cho dự thảo Nghị quyết, UBTVQH cho biết, DNNN đã chuyển dịch theo hướng tập trung hơn vào những ngành nghề then chốt của nền kinh tế. DNNN vẫn là một trong những trụ cột, động lực tăng trưởng của nền kinh tế, bảo đảm sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, do vậy DNNN vẫn giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế.
Trình bày dự thảo Nghị quyết, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh lưu ý, DNNN vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc, bất cập vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính. Chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, còn tình trạng chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của doanh nghiệp nhà nước.
"Hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với vị trí và nguồn lực được giao quản lý, sử dụng", ông Lê Bộ Lĩnh nêu rõ.
Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh. Ảnh: Quochoi.vn
Không dùng ngân sách xử lý thua lỗ của DN
Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương bàn giao phần vốn hiện đang quản lý về cơ quan có thẩm quyền được giao quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp. Đến năm 2020 xử lý dứt điểm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của doanh nghiệp.
Kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (dự kiến vào tháng 5/2019).
Gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN là những nhiệm vụ tiếp theo Chính phủ được giao.
Nghị quyết cũng yêu cầu Chính phủ quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của DNNN, nhất là việc vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với DNNN.
Theo yêu cầu của Quốc hội, đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các DN vi phạm pháp luật, để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước, các dự án đầu tư chậm tiến độ, kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý thua lỗ của DN. Đồng thời, kiểm điểm và xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tập thể, cá nhân, đặc biệt là người đứng đầu trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại DN và cổ phần hóa DNNN, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019).
Cần gắn kết quả của việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN, Nghị quyết nêu rõ.
Mất vốn vì chủ quan
Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016, Quốc hội cho rằng các DNNN đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước.
Hiệu quả kinh doanh trên các tiêu chí như lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, bảo toàn và tăng trưởng vốn đạt kết quả tích cực. Sau cổ phần hóa thì hoạt động của doanh nghiệp minh bạch hơn, kinh doanh có hiệu quả và nộp ngân sách tốt.
Tuy nhiên, Quốc hội cũng cho rằng vẫn còn một số hạn chế: tình trạng vi phạm pháp luật trong kinh doanh, nguyên tắc thị trường, quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính...
Các hạn chế này bao gồm: chưa hoàn toàn tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu, chưa bảo đảm công khai, minh bạch trong việc định giá, mua bán tài sản của DNNN.
Một số dự án đầu tư quy mô lớn nhưng triển khai chậm, không hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Hoạt động đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, đầu tư ra nước ngoài nhìn chung hiệu quả thấp. Vẫn còn vi phạm về công tác quản lý tài chính trong quá trình cổ phần hóa, xác định giá trị doanh nghiệp, nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị thương hiệu của DNNN.
"Những hạn chế, vướng mắc, bất cập nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu", nghị quyết nêu.
"Công tác tổ chức cán bộ chưa tốt, năng lực quản lý còn bất cập, trách nhiệm chưa rõ, một số trường hợp cố ý vi phạm quy định của pháp luật gây lãng phí và hậu quả nghiêm trọng", Nghị quyết về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN.
Quốc hội cũng cho rằng việc xử lý, cơ cấu lại một số đơn vị nhà nước, các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm. Hoạt động kiểm tra, giám sát của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, công tác thanh tra, kiểm tra, việc kiểm soát nội bộ chưa thường xuyên, kém hiệu quả.
Chính quyền ở một số địa phương còn buông lỏng quản lý đất đai, quản lý chuyển đổi mục đích, thực hiện nghĩa vụ tài chính về sử dụng đất của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn bất cập, thiếu minh bạch.
Nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tuân thủ pháp luật; chưa xây dựng được hệ thống kiểm tra, kiểm soát nội bộ hiệu quả để kịp thời giám sát và cảnh báo các sai phạm tại doanh nghiệp.
N.H (t/h)