Cao Bằng muốn kết nghĩa với một địa phương của Lào
Ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, Cao Bằng dù không có chung đường biên giới với Lào nhưng tỉnh luôn xác định việc tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện với các địa phương của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là mục tiêu trong chính sách đối ngoại của tỉnh.
Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam Sengphet Houngboungnuang (Ảnh: Báo Cao Bằng). |
Ông mong muốn trong quá trình công tác tại Việt Nam, Đại sứ Sengphet Houngboungnuang sẽ góp phần chung tay vun đắp tình hữu nghị Việt - Lào, là cầu nối giữa tỉnh Cao Bằng với các địa phương của Lào, đồng thời giới thiệu các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Lào cũng như các quốc gia khác trên thế giới đến tìm hiểu và đầu tư tại tỉnh.
Đại sứ Sengphet Houngboungnuang đánh giá cao sự phát triển kinh tế - xã hội, nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh Cao Bằng trong những năm qua. Trong thời gian tới, Đại sứ sẽ làm cầu nối, giới thiệu địa phương phù hợp để kết nghĩa với Cao Bằng nhằm tăng cường tình đoàn kết, tạo cơ hội để trao đổi kinh nghiệm giữ gìn di tích lịch sử, phát triển du lịch, văn hóa của hai địa phương.
Cao Bằng có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng để hình thành vùng sản xuất cây, con đa dạng, phong phú như: thuốc lá, chè, hạt dẻ, miến dong, hà thủ ô, trám đen, quýt, lợn đen, bò Mông… Tỉnh được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi (Trùng Khánh); Vườn Quốc gia Phja Oắc - Phja Đén (Nguyên Bình); động Ngườm Pục (Thạch An)... Đặc biệt, năm 2018 UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu với hơn 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó có 214 di tích với 91 di tích đã được xếp hạng, 3 di tích quốc gia đặc biệt, 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh, góp phần mở ra nhiều cơ hội và triển vọng mới cho phát triển du lịch địa phương. Cao Bằng có 6 cặp cửa khẩu giao thương với Trung Quốc, trong đó có 3 cặp cửa khẩu song phương và 2 lối mở… |