KOICA sẽ tư vấn phát triển chuỗi giá trị cây thạch đen Cao Bằng
Ngày 25/4, UBND huyện Thạch An (Cao Bằng) tổ chức đón tiếp và làm việc với đoàn công tác Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam làm trưởng đoàn.
Tham dự có lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng, Ban điều phối Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) tỉnh.
Ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Báo Cao Bằng |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Thạch An thông báo khái quát về tình hình phát triển chuỗi giá trị thạch đen, thạch đen là cây có giá trị kinh tế cao, được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của huyện. Năm 2021, toàn huyện trồng 492 ha cây thạch đen tại các xã: Trọng Con, Đức Thông, Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Kim Đồng, Thái Cường, Thụy Hùng, sản lượng đạt 2.500 tấn, giá thu mua trung bình 40 nghìn đồng/kg, người dân thu từ 80 - 100 tỷ đồng/năm.
Thị trường tiêu thụ chủ yếu do các công ty, hợp tác xã, tư thương thu mua từ các hộ dân về sơ chế qua hệ thống ép cục và xuất sang Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ. Tại thị trường trong nước, một số doanh nghiệp, công ty, hộ gia đình chế biến thạch đen thành phẩm bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, bình quân mùa cao điểm mỗi ngày sản xuất khoảng 3.000 hộp.
Huyện xác định nông nghiệp là ngành chủ lực vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Song song với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, huyện tranh thủ các nguồn lực của xã hội, các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các chương trình, dự án có sự tham gia của người dân để phát triển nông nghiệp.
Đoàn công tác Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tham quan quy trình bảo quản nguyên liệu và sản xuất thạch đen tại Cơ sở sản xuất thạch đen Hằng Hoàng, xóm Nà Cốc, xã Lê Lai (Thạch An). Ảnh: Báo Cao Bằng |
Tại buổi làm việc, hai bên trao đổi, đề xuất định hướng phát triển chuỗi giá trị cây thạch đen, xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm từ thạch đen đảm bảo đáp ứng chất lượng, nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, xây dựng thương hiệu thạch đen để xuất khẩu ra nước ngoài…
Ông Cho Han Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA tại Việt Nam đánh giá cao Dự án phát triển chuỗi giá trị cây thạch đen, đây là hướng đi đúng đắn, phát huy được thế mạnh của địa phương và đem lại giá trị kinh tế cao cho vùng sản xuất. Tuy nhiên, để phát triển chuỗi giá trị cây thạch đen, thời gian tới, KOICA sẽ tư vấn sản xuất nguyên liệu theo hướng hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm từ thạch đen tại địa phương. Kết nối với doanh nghiệp, đơn vị tư vấn, các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm để hỗ trợ phương pháp chế biến, quảng bá các sản phẩm từ cây thạch đen đến với người tiêu dùng, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ gắn với các thương hiệu lớn, chuỗi cà phê tại các thành phố lớn trong và ngoài nước.
Trước đó, đoàn công tác tham quan quy trình bảo quản nguyên liệu cây thạch đen và sản xuất thạch đen tại Cơ sở sản xuất thạch đen Hằng Hoàng, xóm Nà Cốc, xã Lê Lai.