Cần đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc dạy và học tiếng Việt
Những kết quả tích cực
Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Sau hơn 2 năm triển khai, Kết luận số 12 đã tạo được tác động và chuyển biến rất tích cực trên nhiều mặt công tác người Việt Nam ở nước ngoài.
Kết luận số 12 thể hiện rõ hơn tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng nhận được sự chú trọng và vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, từ đó nâng cao hơn nữa nhận thức và sự quan tâm của cả xã hội về vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp đại đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc.
Công tác tham mưu, xây dựng chính sách đạt được kết quả đáng khích lệ. Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện các chính sách liên quan đến kiều bào, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của bà con trong các vấn đề về quốc tịch, xuất nhập cảnh, đầu tư, sở hữu tài sản…
Tặng quà cho bà con kiều bào tại Campuchia. (Ảnh: TTXVN) |
Việt Nam luôn hỗ trợ kiều bào có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống ở sở tại rất được quan tâm; luôn đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sinh sống, học tập, làm việc.
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và công tác tiếng Việt cũng được chú trọng. Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thể coi là đột phá trong công tác này, tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của cộng đồng.
Công tác đại đoàn kết, vận động và phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài là hai mảng công tác được đặc biệt chú trọng. Các hoạt động kết nối, phát huy nguồn lực kiều bào được triển khai với nhiều hình thức đa dạng, mở rộng về số lượng và quy mô, thu hút bà con tham gia và hiến kế cho Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển; tham mưu, tư vấn chính sách nhằm giải quyết các vấn đề nổi lên trong thời gian qua như năng lượng sạch, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo...
Công tác thông tin tới người Việt Nam ở nước ngoài được đổi mới, đa dạng về nội dung và hình thức. Với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông báo chí trong nước và truyền thông của người Việt Nam ở nước ngoài trong phát triển nội dung trên nền tảng số, kiều bào có thể dễ dàng, nhanh chóng tiếp cận thông tin khách quan về mọi mặt tình hình đất nước.
Với những nỗ lực nói trên, niềm tin của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong bà con được củng cố và tăng cường. Đồng bào ta ở xa Tổ quốc ngày càng hướng về, chủ động và tích cực tham gia đóng góp cho đất Mẹ.
5 trọng tâm công tác người Việt Nam ở nước ngoài
Trong thời gian tới, công tác người Việt Nam ở nước ngoài cần được triển khai mạnh mẽ và toàn diện hơn theo yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII và Kết luận số 12 của Bộ Chính trị, trong đó tập trung vào một số trọng tâm.
Một là, chú trọng công tác nghiên cứu, theo dõi, nắm bắt tình hình cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời tham mưu, kiến nghị với Đảng, Nhà nước ban hành, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những chính sách liên quan; triển khai hiệu quả chủ trương, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, bảo đảm đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, từ trong ra ngoài.
Hai là, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện chủ trương đại đoàn kết dân tộc đối với người Việt Nam ở nước ngoài. Chú trọng công tác vận động hướng tới kiều bào trẻ, lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng. Kiên trì vận động một số kiều bào còn định kiến để bà con yên tâm hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc.
Ba là, chú trọng công tác chăm lo, đầu tư nguồn lực cho công tác hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài. Củng cố và phát huy hơn nữa vai trò của các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, để những hội đoàn này thực sự là hạt nhân, có uy tín, ảnh hưởng lớn để quy tụ, hỗ trợ, phát triển cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh và hướng về quê hương.
Bốn là, đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự phát triển của đất nước thông qua việc hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của kiều bào; tăng cường tổ chức các hoạt động, hội nghị, hội thảo nhằm gắn kết doanh nhân, trí thức kiều bào với trong nước; phát huy nguồn lực và vai trò của kiều bào trong việc nâng cao vị thế quốc gia và tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Khai giảng lớp dạy tiếng Việt cho con em kiều bảo tại Hà Lan. (Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan) |
Năm là, đẩy mạnh hỗ trợ cộng đồng trong việc dạy và học tiếng Việt, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tăng cường công tác thông tin đối với người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng đổi mới về nội dung và hình thức, có sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Đà Nẵng: Lớp học tiếng Việt dành cho các sinh viên Lào, Thái Lan tại chùa Tam Bảo Lớp học nhằm tôn vinh tiếng Việt, quảng bá vẻ đẹp văn hoá Việt Nam, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng người nước ngoài và đặt biệt là người anh em nước bạn Lào, Thái Lan đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, Việt Nam. |
5 nội dung dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 23/023/TT-BGDĐT quy định về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp Một. |