Các nước đẩy mạnh tiêm chủng để vừa ngăn làn sóng Covid-19 bùng phát
"Nóng" nhất: Nhật Bản phát hiện số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới
Tính đến sáng 18/7, thế giới ghi nhận 567.568.259 ca nhiễm COVID-19 và 6.387.424 ca tử vong do dịch bệnh này. Trong 24 giờ qua, Nhật Bản là quốc gia ghi nhận thêm số ca mắc COVID-19 nhiều nhất thế giới (+104.832 ca) trong khi Italy có số người tử vong nhiều nhất do dịch bệnh này (+79 ca).
Nhật Bản ghi nhận thêm 104.832 ca nhiễm COVID-19 trong ngày qua. Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info vào sáng 18/7 cho thấy trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 489.324 ca nhiễm và 505 ca tử vong do COVID-19.
Ngoài ra, hiện toàn thế giới có 538.604.392 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh. Trong số 22.576.443 ca bệnh đang điều trị, có 22.537.380 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,8%) và 39.063 ca (chiếm 0,2%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện hoành hành tại 230 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Xét theo quy mô khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 210.828.758 ca, trong đó có 1.865.012 ca tử vong và 199.598.305 ca được điều trị khỏi. Đây vẫn là khu vực có tổng số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, châu Âu ghi nhận thêm 164.600 ca nhiễm mới và 142 ca mới tử vong vì COVID-19.
Triều Tiên tuyên bố sắp chấm dứt dịch Covid-19
Sau hơn 2 tháng từ khi nước này công bố các ca Covid-19 đầu tiên hôm 12/5, Triều Tiên tuyên bố dịch Covid-19 sắp chấm dứt. Số liệu từ KCNA cho hay, 99,98% trong số 4,77 triệu bệnh nhân trong dịch "sốt" ở Triều Tiên, được công bố hồi giữa tháng 5, đã hồi phục hoàn toàn.
Người dân tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên (Ảnh: AFP). |
"Cuộc chiến chống dịch đã đạt nhiều tiến bộ để cuối cùng chấm dứt hoàn toàn khủng hoảng", KCNA nhấn mạnh. Cũng theo bản tin, Triều Tiên đã ghi nhận thêm 310 người có các triệu chứng sốt.
Triều Tiên chưa từng tuyên bố bất cứ trường hợp nào có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, mà chỉ gọi đây là những "ca sốt", truyền thông và các nhà quan sát bên ngoài cho là dường như do thiếu thiết bị xét nghiệm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tháng trước đã bày tỏ nghi ngờ về các tuyên bố của Triều Tiên, cho biết họ tin rằng tình hình dịch bệnh ở nước này đang trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn, trong bối cảnh thiếu dữ liệu độc lập.
Tuyên bố mới của Triều Tiên có thể là bước đầu để khôi phục thương mại vốn đã gặp trở ngại vì đại dịch, một nhà phân tích cho biết.
"Theo xu hướng hiện tại, Triều Tiên có thể thông báo trong vòng chưa đầy một tháng nữa rằng cuộc khủng hoảng Covid của họ đã kết thúc và đó có thể là bước đầu cho việc nối lại thương mại xuyên biên giới", Cheong Seong-chang, giám đốc trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc Viện Sejong ở Hàn Quốc, bình luận với Reuters.
Bình Nhưỡng vốn đã tuyên bố dịch bệnh xảy ra ở Triều Tiên là do "vật lạ" xuất hiện tại khu vực gần biên giới, kêu gọi người dân tránh xa bất cứ thứ gì đến từ bên ngoài.
Hàn Quốc số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi
Ngày 17/7, Hàn Quốc cho biết số ca mắc Covid-19 đã tăng gấp đôi so với một tuần trước, đa số đến từ biến thể phụ BA.5 của Omicron và do miễn dịch trong cộng đồng giảm dần sau thời gian dài tiêm vắc xin. Dữ liệu từ Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc ghi nhận thêm 40.342 trường hợp dương tính với Covid-19 trong vòng 24 giờ kể từ hôm 16.7.
Báo The Straits Times dẫn lời giới chuyên gia y tế cảnh báo số ca mắc theo ngày ở Hàn Quốc sẽ tăng mạnh hơn dự kiến của chính quyền Seoul, nếu dựa trên tốc độ lây lan hiện tại. Sự xuất hiện của biến thể phụ BA.2.75, biệt danh “centaurus”, cũng là mối đe dọa cho sức khỏe cộng đồng tại nước này.
Dù số ca theo ngày đang tăng, những trường hợp bệnh nặng và tử vong ở Hàn Quốc vẫn duy trì ở mức thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế lo ngại tình hình sẽ khác vì làn sóng dịch Omicron sẽ còn tăng mạnh hơn trong những tuần tới.
Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ mở rộng độ tuổi cần tiêm nhắc, theo đó những người từ 50 tuổi trở lên cần phải đi tiêm mũi 4.
Ở Nam Á, Ấn Độ ghi nhận 20.528 ca mới trong vòng 24 giờ kể từ ngày 17.7, cao nhất kể từ ngày 20.2, Reuters đưa tin. Cùng ngày, Ấn Độ đạt mốc quan trọng trong chiến dịch tiêm vắc xin, với 2 tỉ mũi tiêm đã được tiêm cho người dân nước này. Hiện chính quyền New Delhi tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi nhắc nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh.
Tại Trung Quốc, số ca nhiễm mới cũng tiếp tục gia tăng. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc hôm 18/7 cho hay đã phát hiện 598 ca mới trong vòng 24 giờ, giảm nhẹ so với một ngày trước đó là 691 ca.
Nhân viên công sở ở Bắc Kinh quét ứng dụng thông hành Covid-19 trước khi bước vào nơi làm việc (Ảnh: REUTERS). |
Ở Thái Lan, Bộ Y tế Công cộng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với Thống đốc Chadchart Sittipunt của vùng thủ đô Bangkok nhằm chuẩn bị các biện pháp ứng phó mới trước làn sóng dịch Covid-19.
Các bệnh nhân Covid-19 hiện chiếm 13% số giường điều trị tại bệnh viện trên toàn Thái Lan, nhưng con số này là 42% ở Bangkok.
Tại châu Âu, Anh đang trở thành một trong các điểm nóng với khoảng 3,5 triệu dân đang trong tình trạng mắc Covid-19, tăng thêm gần 30% so với tuần trước đó (2,7 triệu người). "Tỉ lệ người xét nghiệm dương tính với virus corona tiếp tục tăng trên khắp Vương quốc Anh, có thể là do sự gia tăng các ca mắc biến chủng phụ BA.4 và BA.5" - Reuters dẫn phát ngôn từ Phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS).
Ước tính cứ 19 người Anh thì có 1 người dương tính với SARS-CoV-2 và tỉ lệ đang tăng dần. Scotland có tỉ lệ người nhiễm cao nhất: 1 trong 16 người.
Bắc Mỹ có 108.095.362 ca nhiễm bệnh, trong đó có 1.496.784 ca tử vong vì COVID-19. Trong ngày qua, Mexico có số ca nhiễm mới và mới tử vong nhiều nhất nhất trong khu vực với 31.173 ca nhiễm và 71 ca tử vong mới vì COVID-19.
Tính đến sáng 18/7, Nam Mỹ có 61.139.175 ca nhiễm COVID-19, với 1.310.744 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 33.290.266 ca nhiễm và 675.353 ca tử vong vì COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 18/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 12.443.547 trường hợp, trong đó có 256.420 ca tử vong và 11.587.848 ca bình phục. Hiện Nam Phi đang đứng đầu khu vực về tổng số ca nhiễm COVID-19 với 3.999.751 ca.
Hiện châu Đại Dương có 10.609.135 ca nhiễm COVID-19, với 44.381 ca tử vong. Australia hiện đang có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực với 8.773.576 ca, tiếp theo sau là New Zealand với 1.500.754 ca.