Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Cần sửa ngay Luật Đầu tư công
-Thưa Bộ trưởng, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 30/9/2023, ông có nói điều quan trọng nhất bây giờ để tăng tổng cầu là phải khơi thông những nguồn lực đang bị kìm kẹp, những nguồn lực tiềm năng chưa được phát huy, vậy cụ thể những nguồn lực là gì, thưa ông?
-Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tổng cầu của nền kinh tế bao gồm chi tiêu dùng của hộ gia đình, đầu tư tư nhân và doanh nghiệp, xuất nhập khẩu ròng và chi tiêu Chính phủ. Đối với chính sách tài khóa, hiện nay chúng ta đang thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hay còn gọi là chính sách tài khóa thâm hụt để thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Nhân tố quan trọng để thúc đẩy tổng cầu là khơi thông các nguồn lực thuộc lĩnh vực trên, đặc biệt là đầu tư công và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Đầu tư công còn đang chưa được sử dụng hiệu quả, giải ngân chậm. Tổng vốn đầu tư công năm 2023 được Quốc hội thông qua là 711.684 tỷ đồng, tăng 22,7% so với năm 2022. Trong đó phần lớn luồng vốn được tập trung cho các dự án quan trọng quốc gia, đường bộ cao tốc, liên kết vùng, đường ven biển, chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhận định hiện chưa có sự rõ ràng trong phân định nguồn vốn đầu tư công và nguồn chi thường xuyên. |
Tuy nhiên, trong tổng số vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao (707.044 tỷ đồng) còn khoảng 13.000 tỷ đồng vốn đầu tư công chưa được các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án để triển khai.
Ngoài ra còn một lượng lớn nguồn lực đã được bố trí cho các dự án cụ thể nhưng không thực hiện được (số vốn đã được bộ, ngành địa phương báo cáo cắt giảm do không có khả năng giải ngân năm 2023 khoảng 8.000 tỷ đồng). Đối với số vốn có thể giải ngân năm 2023, tính đến hết 30/10/2023 chiếm khoảng 52% kế hoạch vốn năm 2023 phải thực hiện giải ngân trong 3 tháng cuối năm. Các nguồn lực chưa được phân bổ hoặc chưa được giải ngân nêu trên đã ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tăng trưởng.
Như vậy sức ép giải ngân các nguồn lực đầu tư công trong các tháng còn lại cuối năm là rất lớn. Để đạt được mục tiêu giải ngân 2023 khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao cần phải giải phóng các nguồn lực đầu tư công này để tăng tổng cầu, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Vấn đề thị trường bất động sản còn trầm lắng khiến cho nguồn vốn bị ứ đọng, lao động cắt giảm, các ngành sản xuất vật liệu cũng bị ảnh hưởng. Vậy, việc giải quyết vướng mắc pháp lý đối với các dự án bất động sản là rất quan trọng, đó là những nội dung rất cụ thể như quy hoạch, giấy chứng nhận đầu tư, đấu thầu dự án, giá đất, vốn…tất cả cần phải được được giải quyết, tạo niềm tin cho thúc đẩy thị trường bất động sản. Ngoài các lĩnh vực trên thì việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư FDI và đầu tư trong nước là yếu tố hết sức quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
-Thưa Bộ trưởng, xác định được nguồn lực công (ngân sách nhà nước) bị kìm kẹp tất yếu phải nhận diện được nguyên nhân, vậy đâu là những lý do chính khiến chưa thể giải phóng được những nguồn lực tiềm năng như Bộ trưởng nói?
-Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Lý do chính khiến chưa thể giải phóng được những nguồn lực nêu trên do vướng mắc về thể chế, các vướng mắc trong quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện.
Về thể chế, một dự án đầu tư công từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án và kết thúc dự án, mỗi giai đoạn sẽ chịu điều chỉnh của các luật khác nhau, vướng mắc trong một khâu nào đó sẽ ảnh hưởng chung đến toàn bộ dự án.
Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bộ, cơ quan trung ương, địa phương trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định bất cập trong thực tiễn triển khai hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung đối với những vấn đề vượt thẩm quyền. Đến nay, một số nội dung đã được giải quyết sửa đổi, tuy nhiên một số nội dung vẫn chưa được tháo gỡ như lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường, lĩnh vực đầu tư công.
Liên quan đến pháp luật đất đai thì những hạn chế, vướng mắc về quy hoạch, đấu thầu đến giá đất, định giá đất... dẫn tới khó khăn trong cả việc huy động nguồn thu từ tiền sử dụng đất cho đầu tư công cũng như trong xác định giá để đền bù.
Đối với lĩnh vực đầu tư công, có nhiều quy định chưa rõ ràng giữa nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn thường xuyên hoặc chưa quy định ảnh hưởng đến giải phóng nguồn lực đầu tư công như thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cách thức sử dụng nguồn vốn đối với các dự án trên địa bàn 02 đơn vị hành chính trở lên.
Tại Tiết a, Khoản 1, Điều 6 Luật Đầu tư công quy định: "Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án". Việc quy định nội dung cải tạo dự án đã đầu tư xây dựng tại Luật Đầu tư công nêu trên sẽ làm mất nhiều thời gian, gây khó khăn trong triển khai thực hiện vì phải thực hiện quy trình đầu tư công, xây dựng kế hoạch trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Về quản lý, tổ chức thực hiện, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”.
Công tác khảo sát, thiết kế dự án chưa tốt dẫn tới nhiều dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nhưng vượt tổng mức đầu tư, dự án không tách giải phóng mặt bằng thực hiện trước, dẫn đến ký hợp đồng xây lắp xong không có mặt bằng thi công, không giải ngân được. Dự án phải điều chỉnh đơn giá dẫn đến phải thay đổi hoặc điều chỉnh lại dự án.
Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, năng lực tổ chức triển khai của một số chủ đầu tư, nhà thầu còn hạn chế. Tình trạng thiếu nguyên liệu thi công như tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt cát sử dụng trong đắp nền để thi công các dự án giao thông trọng điểm.
-Để thoát khỏi tình trạng khó khăn vừa nêu trên, Bộ trưởng có đề nghị đầu tư công phải “bung” ra thì doanh nghiệp mới sống được, xin Bộ trưởng cho biết những giải pháp có thể làm ngay trong lúc này để có thể giải ngân nhanh chóng đầu tư công?
-Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Để có thể giải ngân nhanh chóng đầu tư công, cần có sự tiếp tục vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của doanh nghiệp, người dân.
Những điều đầu tiên cần làm là hoàn thiện thể chế, sửa Luật Đầu tư công và văn bản hướng dẫn thực hiện. Rút gọn thủ tục hành chính, chuẩn bị đầu tư nhanh hơn, tách giải phóng mặt bằng thành dự án riêng chủ động thực hiện trước, nguồn vốn thực hiện cần đa dạng, tăng cường phân cấp, phân quyền đầu tư, kể cả vốn chương trình mục tiêu cần phân cấp cho tỉnh thực hiện. Chỉ thực hiện thủ tục đầu tư công đối với dự án điện, đường, trường, trạm, hạ tầng kỹ thuật, còn lại thực hiện chi thường xuyên thực hiện mô hình kinh tế, hỗ trợ nhà ở, lãi suất, chuyển giao công nghệ...
Bộ Tài chính sẽ chủ động chuẩn bị đủ nguồn vốn đáp ứng nhu cầu kế hoạch năm. Kho bạc nhà nước sẽđẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet.
Hằng tháng, kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ để phục vụ công tác điều hành.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chủ trì Tổ kiểm tra đôn đốc giải ngân tại một số địa phương, như vừa qua đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa), qua đó nắm bắt cụ thể hơn các vướng mắc để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất các giải pháp đôn đốc, tháo gỡ.
Căn cứ tình hình triển khai kế hoạch vốn đầu tư công trong những năm gần đây, để “khơi thông” dòng vốn đầu tư công, tạo động lực thật sự cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững thì không thể chỉ quan tâm giải quyết vướng mắc trước mắt, mà cần có giải pháp căn cơ, lâu dài.
-Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!