Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Doanh nghiệp không thể mãi trông chờ vào hỗ trợ thuế
-Thưa ông, lý do nào khiến ông đưa ra thông điệp là sang năm 2025 sẽ thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt và tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp?
-Việt Nam đã 5 năm thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, tức là triển khai việc giảm thuế, phí và các khoản thu ngân sách để để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cũng như người dân vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19. Như vậy là đã đi hết 1 chu kỳ 5 năm, và ngân sách cũng đã hết sức cố gắng để duy trì được sự cân đối tài khóa, không làm tăng bội chi ngân sách cũng như không làm tăng nợ công.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhận biết rằng hiện nay xu thế mới của thế giới là thực hiện chính sách thắt chặt tài khóa, có nghĩa là sẽ tăng thuế suất lên để tạo ra sự vững mạnh của tài chính công. Quan điểm này đã được đưa ra tại hội nghị của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào cuối năm 2023. Dù là vậy nhưng ở Việt Nam chúng ta sẽ chưa tăng thuế suất, mà trước hết sẽ đưa thuế suất và các quy định khác liên quan đến nộp ngân sách trở về đúng theo luật hiện hành. Đi cùng với đó là sự tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên để tập trung cho chi đầu tư phát triển, tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện đúng chiến lược 3 đột phá theo Nghị quyết của Đảng. Còn về lâu dài thì phải ưu tiên thực hiện các chính sách tạo dựng sự phát triển vững mạnh của doanh nghiệp.
-Xin ông nói cụ thể hơn khía cạnh liên quan đến doanh nghiệp?
-Về mặt nguyên lý là phải phát triển được sản xuất rồi sẽ ăn nên làm ra, người lao động có thêm việc làm từ đó doanh nghiệp sẽ càng nhiều lợi nhuận, từ đó nộp ngân sách càng lớn…Cho nên vấn đề cơ bản là phải nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Đấy là điều quan trọng nhất.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh việc phải xử lý sự chồng chéo về nội dung giữa các bộ luật |
Mà chúng ta đều biết, muốn tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thì thứ nhất chính là sự nỗ lực phát huy sáng kiến, sáng tạo, nâng cao khả năng quản trị, quản lý của chính doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó là việc lựa chọn được lĩnh vực kinh doanh phù hợp với sở trường và năng lực, phù hợp với thị trường và công nghệ…và trên những nền tảng như vậy doanh nghiệp sẽ tăng năng suất lao động và hiệu quả.
-Vậy Nhà nước sẽ hỗ trợ những gì, thưa ông?
-Nhà nước cần tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp; tăng cường cải cách thủ tục hành chính; vận hành một chính sách tiền tệ phù hợp; hỗ trợ giải quyết các vấn đề về thị trường và thúc đẩy việc mở rộng thị trường; giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Song song với đó là phải hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể là giải quyết những chồng chéo, những trùng lặp, mâu thuẫn trong các bộ luật.
Một việc quan trọng nữa là thúc đẩy hiệu quả việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường; chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối logistic; tạo thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến; có cơ chế chính sách để đưa công nghệ mới vào, chẳng hạn như công nghệ thông tin, công nghệ AI, công nghệ về chip điện tử, công nghệ phục vụ cho nền kinh tế xanh, nền kinh tế số…Ngoài ra Nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật trong quá trình cạnh tranh.
-Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của việc giảm thuế trong thời gian vừa qua?
-Chúng ta cần nhìn nhận rộng hơn, bên cạnh lợi ích đã có của việc giảm thuế thì phải hướng đến mục tiêu rất quan trọng là tháo gỡ tối đa những khó khăn trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế. Chẳng hạn như giải ngân đầu tư công, nếu việc này được nâng cao hiệu quả thì sẽ tăng cường được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tăng cường được kết nối nhân công, tạo ra dòng vốn để thu hút đầu tư tư nhân. Đây là việc rất quan trọng vì nó tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy trung chuyển được nguồn vốn, tạo ra cơ sở hạ tầng mới từ đó có cơ sở thuận lợi cho logistic phát triển.
Một vấn đề nữa là giải quyết những khúc mắc về thủ tục pháp lý để thúc đẩy thị trường bất động sản. Ví dụ như xử lý những vướng mắc của các dự án cũ tồn tại; triển khai những dự án mới có hiệu quả; triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân…và đặc biệt là tháo gỡ cho được những điểm nghẽn để từ đó khơi thông dòng vốn của bất động sản.
-Ở trên ông có nói đến nội dung hoàn thiện pháp luật, việc này nên tiếp cận theo hướng nào để đạt hiệu quả cao nhất, thưa ông?
-Về hoàn thiện pháp luật theo tôi cần rà soát, sau đó để chống chồng chéo giữa các bộ luật thì khắc phục bằng giải pháp dùng một luật để sửa nhiều luật. Làm theo cách này vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đảm bảo được tính đồng bộ vì pháp luật không thể vênh nhau được. Thêm nữa, chúng ta cần chú trọng tuyên truyền pháp luật để người dân cũng như các cơ quan nhà nước có chung nhận thức về pháp luật, chứ nếu để tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau thì không giải quyết được công việc.
-Ông dự báo thế nào về kinh tế năm 2025?
-Nếu thực hiện các chính sách một cách đồng bộ thì chắc chắn năm 2025 sẽ giữ được nhịp độ tăng trưởng và nền kinh tế sẽ khởi sắc. Thực tế giờ đây chúng ta đã làm tương đối tốt. Hiện nay hệ thống đường bộ cao tốc đã được gần 2000 km, các dự án như sân bay Long Thành và những dự án lớn khác liên tục được khởi công và tập trung thi công quyết liệt; việc tăng lương cùng với thực hiện các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; quốc phòng an ninh nhìn chung được củng cố và giữ vững…Điều đặc biệt là chúng ta làm tất cả những việc này trong bối cảnh vẫn tiếp tục giảm được nợ công bằng các giải pháp tái cơ cấu nợ. Mọi người cần nhớ là vào đầu nhiệm kỳ nợ công là 44%, nhưng đến nay, sau 4 năm thực hiện thì chỉ còn 37%.
Vì vậy, khi nhìn bức tranh toàn cảnh thì Việt Nam vẫn làm được tất cả trong bối cảnh phải giảm thuế, phí…Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, nếu cứ kéo dài những chính sách như vậy mà không thắt chặt thì không ổn, bởi thế là đi ngược với xu thế chung của các nước. Chúng ta cần phải thống nhất với nhau là hỗ trợ chỉ để nhằm tăng lực vượt qua lúc khó khăn, còn khi đã vượt qua rồi thì phải trở về trạng thái bình thường. Đó là quy luật, chứ không thể mãi đòi hỏi được hỗ trợ hay ưu đãi.
-Doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề đặc biệt nào trong bối cảnh hiện tại, thưa ông?
-Chúng ta đã ký 17 FTA, do đó thuế suất sẽ dần về bằng 0%. Điều đó có nghĩa là mình chỉ có lợi khi thúc đẩy nền kinh tế đi lên, hàng hóa của mình xuất khẩu được. Còn nếu nền kinh tế phụ thuộc thì khi thuế suất bằng 0% đương nhiên hàng hóa nước ngoài sẽ xâm lấn vào nội địa, rồi mình sẽ thiệt thòi. Cho nên bên cạnh việc Nhà nước tạo điều kiện tối đa thông qua việc xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi thì doanh nghiệp cũng phải rất nỗ lực thì mới có thể phát triển.
-Trân trọng cảm ơn ông!