Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc: Phải sửa luật để tháo gỡ những vướng mắc
-Thưa ông, xuất phát từ lý do nào khiến việc sửa một số luật về kinh tế lại trở nên cấp bách như vậy?
-Như chúng ta đều biết hoạt động kinh tế đều bị chi phối bởi một số luật, trong số này có những lĩnh vực cụ thể bị luật điều chỉnh trực tiếp từng giai đoạn, từng quá trình, từng nội dung công việc có liên quan với tất cả các bên. Nhìn chung có luật điều chỉnh là tốt, tuy nhiên khái niệm tốt này chỉ có khi luật thực sự phù hợp với sự vận động của đời sống. Còn ngược lại, nếu luật và thực tiễn còn 1 khoảng cách, không phù hợp với yêu cầu trong những bối cảnh khác nhau, thì sẽ chỉ gây trở ngại, gây tác động không mong muốn đến một số lĩnh vực của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho rằng khi những điểm nghẽn trong luật được tháo gỡ thì sẽ có điều kiện giải phóng nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. |
Trước những vấn đề đặc thù của hoàn cảnh hiện nay, trước những phản hồi từ thực tế quản lý thì có một số lĩnh vực cần sự điều chỉnh với luật liên quan, nếu không sẽ gây ra những điểm nghẽn cho hoạt động đầu tư nói riêng, qua đó ảnh hưởng chung đến kinh tế, xã hội. Vì vậy muốn thúc đẩy phát triển, muốn bứt phá trong giai đoạn này thì những điểm nghẽn đó phải được tháo gỡ.
-Chính phủ sẽ tập trung vào những luật nào, thưa ông?
-Trước hết là với Luật Đầu tư công. Việc sửa Luật Đầu tư công lần này sẽ có những nội dung được cải cách cụ thể như sau: Thứ nhất là với dự án nhóm A thì sẽ giao cho Bộ trưởng và chủ tịch UBND tỉnh. Thứ 2 là sẽ tách phần đền bù giải phóng mặt bằng của tất cả các loại dự án thành dự án độc lập. Thứ 3 là cho phép sử dụng nguồn chi thường xuyên để lập và điều chỉnh quy hoạch dự án. Thứ 4 là với kế hoạch đầu tư công trung hạn sẽ cân đối tài khoá cho cả nhiệm kỳ, còn điều hành tài chính ngân sách trong năm thì nếu có những nguồn khác để chi thường xuyên thì thực hiện theo đúng trình tự thủ tục hiện tại, còn nếu chi sang đầu tư thì phải lập dự án, dự toán, đấu thầu…. Tiếp nữa là tăng cường phân cấp, rồi với nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thì cứ có tiền và có khối lượng là được giải ngân chứ không phải theo hạn mức trong kế hoạch.
-Riêng Luật Đầu tư công là vậy, còn với lĩnh vực khác thì sao, thưa ông?
-Với Luật Ngân sách nhà nước thì có điều chỉnh quan trọng đầu tiên là được dùng ngân sách cấp này để chi cho cấp khác. Thứ 2 là nếu công trình của trung ương chạy qua địa phương thì địa phương có thể dùng ngân sách của mình để thực hiện nhiệm vụ. Thứ 3 là được dùng những nguồn chi như chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp và xây mới một số công trình cần thiết. Thứ 4 là phân cấp trong quản lý nguồn vốn viện trợ, tài trợ để đầu tư có mục tiêu và đầu tư phát triển. Thứ 5 các địa phương được dùng ngân sách địa phương hoặc viện trợ nước ngoài hỗ trợ cho các đơn vị biên giới. Một nội dung nữa là các cấp ngân sách được hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân thông qua các quỹ tài chính ngoài ngân sách, ví dụ như hỗ trợ cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế tối thiểu toàn cầu, hoặc bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp nhà nước…
-Thưa ông, vừa qua cũng có nhiều đánh giá trái chiều về hiệu quả của công tác đấu thầu, vậy lần này Luật Đấu thầu có sửa đổi gì không?
-Có chứ, với Luật Đấu thầu cũng thế. Lần sửa đổi này sẽ thực hiện theo hướng nâng mức chỉ định thầu lên, rồi tăng cường công tác phân cấp, giảm thiểu thủ tục hành chính, tăng cường đấu thầu qua mạng để nâng cao tính minh bạch…
-Thưa ông, một băn khoăn lớn hiện nay là với thời gian ngắn như vậy thì liệu có đảm bảo chất lượng các dự luật khi trình ra Quốc hội vào kỳ họp tháng 10 tới đây không?
-Đúng là thời gian không nhiều nhưng chính vì vậy chất lượng các dự luật càng phải được chuẩn bị ở mức tốt nhất có thể. Chúng ta phải cầu thị lắng nghe các ý kiến đóng góp để từ đó phát huy được trí tuệ của cộng đồng, của các cơ quan hữu trách. Cùng với đó là phải đảm bảo thực hiện chặt chẽ quy trình xây dựng luật, xác định rõ tiến độ trình các dự luật, bảo đảm phù hợp với các yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Mục tiêu xuyên suốt ở đây là chúng ta sửa luật để tháo gỡ kịp thời và chính xác các vướng mắc, qua đó giải phóng các nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng cao, giải quyết được lao động việc làm, tăng thu ngân sách…từ đó xây dựng nền tảng để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững.
-Trân trọng cảm ơn ông!