Big C không có quyền từ chối nhập hàng Việt Nam?
Ngày 2/7, Central Group Việt Nam, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C, gửi thông báo tới các nhà cung cấp Việt Nam cho biết sẽ tạm ngừng đặt hàng may mặc của các nhà cung cấp theo hợp đồng hợp tác thương mại đã được ký kết giữa 2 bên.
Quyết định có hiệu lực chỉ chưa đầy 1 ngày sau đó, khiến nhiều doanh nghiệp hoang mang. Trong khi đó, cộng đồng mạng đã dấy lên làn sóng chỉ trích, kêu gọi cùng tẩy chay Big C, ủng hộ hàng Việt.
Động thái này của Big C cũng vấp phải phản ứng gay gắt từ giới chuyên gia kinh tế cũng như giới luật sư.
Gọi hành động của Big C là "việc động trời", chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam Vũ Vinh Phú chia sẻ trên VTC News: "Big C đã nhận được rất nhiều sự ưu đãi của cơ quan chức năng khi đầu tư tại Việt Nam. Có thể nói, Việt Nam đã "trải chiếu hoa" mời Big C vào làm ăn kinh doanh. Bao nhiêu bằng khen, giấy khen cũng đã được trao cho doanh nghiệp này".
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam |
Theo ông Vũ Vinh Phú, gần đây đại diện Big C còn khẳng định sẽ ưu tiên hàng Việt và hứa 90% hàng Việt sẽ có mặt tai chuỗi siêu thị này, nhưng Big C không hề làm thế.
Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Việt Nam dẫn ra hàng loạt động thái của Big C để chứng minh: Ngay khi có mặt, Big C đuổi những nhà làm nhãn hàng riêng cho Big C, tiếp đó đuổi Thế giới di động ra khỏi hệ thống rồi tăng chiết khấu đối với những nhà cung ứng hàng Việt lên 25-30% giá trị.
Ông Vũ Vinh Phú khẳng định, theo Luật Cạnh tranh, nhà bán lẻ như Big C không có quyền từ chối nhà cung ứng khi không có lý do chính đáng. Vì thế, Big C cần có lời giải thích rõ ràng về việc ngừng nhập các mặt hàng dệt may Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công thương và Hiệp hội Bán lẻ cũng cần vào cuộc. Nhiều chính sách của Việt Nam hiện nay đang quá ưu ái doanh nghiệp nước ngoài mà chưa quan tâm đến doanh nghiệp nội địa.
"Chính sách lỏng lẻo nghĩa là chúng ta đang tự hại chúng ta, sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam thất thủ trên sân nhà. Và chúng ta sẽ trở thành người làm thuê mãi mãi. Tất cả thị phần, doanh số, hàng trăm tỷ đôla, doanh nghiệp nước ngoài sẽ "vớt" hết. Sẽ có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế ở các doanh nghiệp nước ngoài vẫn đang diễn ra như hiện nay mà cơ quan chức năng đành bất lực đứng nhìn" - ông Vũ Vinh Phú cho hay.
Nhiều người tập hợp tại văn phòng Central Group để phản đối chính sách mới của Big C vào chiều 3/7. Ảnh: Vietnamnet. |
Có quan điểm tương tự, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm, thuộc Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho rằng hành vi của Big C có dấu hiệu cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm những chuẩn mực trong kinh doanh, gây thiệt hại đến các doanh nghiệp cung ứng của Việt Nam.
"Big C cần giải thích rõ nguyên nhân vì sao từ chối nhập hàng dệt may Việt Nam. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cần lên tiếng để bảo vệ các doanh nghiệp. Những đơn vị bị Big C từ chối nhập hàng có thể gửi hồ sơ khiếu nại lên Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) để khiếu nại hành vi này", luật sư Trương Anh Tú nói.
Luật sư Tú nhấn mạnh thêm: Về văn hóa kinh doanh, Big C cần chú trọng vấn đề "nhập gia tùy tục". "Anh làm doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, bán hàng hóa cho người dân Việt Nam thông qua hệ thống siêu thị rộng lớn trên cả nước nhưng anh lại từ chối tiếp nhận những sản phẩm của nhà cung ứng đến từ Việt Nam thì không khác gì anh đang tuyên chiến với người tiêu dùng Việt Nam".
Big C nói gì về việc ngừng nhập hàng Việt Nam? Tối 3/7, Big C đã ra thông cáo chính thức, giải thích rõ hơn về việc tạm dừng thu mua sản phẩm may mặc từ các nhà cung cấp tại Việt Nam Theo thông cáo, Big C cho biết đang phát triển các thương hiệu mới trong chuỗi bán lẻ của mình, trong đó có ngành hàng may mặc. Big C luôn ưu tiên việc tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam. Chuỗi siêu thị này cho hay đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng. Big C cũng thông tin, doanh nghiệp đang trong quá trình xem xét cùng với hơn 200 nhà cung cấp hàng may mặc để phát triển các sản phẩm thỏa điều kiện không chỉ cho thị trường trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng. Thông cáo nêu rõ: "Việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam. Big C cam kết sẽ tiếp tục phát triển cùng các nhà cung cấp địa phương nói chung và ngành hàng dệt may nói riêng". |