Bàn giải pháp nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới
Sáng 7/7, Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2022 chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng. Sự kiện do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng tổ chức. Hơn 200 đại biểu đến từ 66 tổ chức thành viên ở Trung ương, 52 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị ở địa phương đã tham dự Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2022 (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Cần nhiều sáng kiến thiết thực, cụ thể
Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam năm 2022, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, cho biết, Hội nghị có nhiệm vụ quán triệt sâu sắc chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 12-CT/TW, về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới.
Hội nghị cũng thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Chương trình Hành động thực hiện Chỉ thị 12 và Báo cáo về giải pháp tăng cường công tác phối hợp hoạt động trong hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong đó có xây dựng mô hình tổ chức Liên hiệp hữu nghị địa phương; đề xuất giải pháp về nội dung, phương thức triển khai hoạt động trên các lĩnh vực hoà bình, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác phát triển, phi chính phủ nước ngoài, thông tin đối ngoại, công tác vận động, tập hợp người Việt Nam ở nước ngoài.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga - Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, phát biểu khai mạc hội nghị (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Đại sứ Nguyễn Phương Nga mong muốn và tin tưởng rằng các đại biểu phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm, tập trung, tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp nhiều sáng kiến thiết thực để Hội nghị toàn quốc lần đầu tiên thành công tốt đẹp, khởi đầu một cách làm mới, ghi một dấu ấn mới trong sự phát triển của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng, khẳng định, đối ngoại nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển của đất nước và của từng địa phương, là một trong 3 trụ cột đối ngoại của đất nước.
Ông Triệu Đình Lê nhấn mạnh, Hội nghị toàn quốc công tác đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam được tổ chức tại tỉnh Cao Bằng là niềm vinh dự lớn của Cao Bằng, là cơ hội rất tốt để Cao Bằng trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm quý báu của các tổ chức hữu nghị từ Trung ương và các địa phương trong cả nước về hoạt động đối ngoại nhân dân cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở địa phương.
ông Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng phát biểu chào mừng Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Nhiều xu hướng trên thế giới và khu vực
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe ông Phan Anh Sơn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, báo cáo về đường lối đối ngoại Đại hội XIII, Chỉ thị 12-CT/TW, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại nhân dân, nhiệm vụ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Trong báo cáo, ông Phan Anh Sơn nêu rõ, Đại hội Đảng XIII đã xác định chủ trương đường lối đối ngoại là xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại với 3 trụ cột (đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân). Mục tiêu là đảm bảo cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế: Hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi.
Việc thực hiện đường lối đối ngoại, trong đó có đối ngoại nhân dân diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực, trật tự quốc tế, quan hệ quốc tế có nhiều thay đổi và có những biến chuyển làm đảo lộn trật tự, thay đổi bản chất mối quan hệ quốc tế so với thời điểm cuối năm 2021.
Trong đó, điểm nổi bật của tình hình thế giới và khu vực trong 6 tháng qua chính là dịch bệnh Covid-19 tác động đến kinh tế, chính trị, an ninh, tập hợp lực lượng, đặc biệt là làm thay đổi bản chất của quan hệ quốc tế.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Ukraine không chỉ đơn thuần là cuộc chiến bằng súng đạn mà còn là cuộc chiến về thông tin truyền thông, cuộc chiến về cấm vận, chống cấm vận, cuộc chiến năng lượng. Cuộc khủng hoảng Ukraine tác động đến các nước đang điều chỉnh chính sách viện trợ cho Việt Nam trong tổng thể chính sách đối ngoại.
Ông Phan Anh Sơn - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam báo cáo tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Cùng với đó là một loạt điều chỉnh của các nước lớn dẫn đến tập hợp lực lượng, tạo ra một số điểm nóng lớn như Afghanistan, Myanmar, Đài Loan và ở góc độ nào đó nó tác động đến hòa bình, hợp tác và phát triển hợp tác trong khu vực.
Ông Phan Anh Sơn chỉ ra 6 xu hướng trên thế giới và khu vực, trong đó xu hướng về hòa bình hợp tác, phát triển vẫn là mong muốn và là xu hướng chủ đạo của phần lớn các quốc gia trên thế giới gặp nhiều thách thức, hợp tác đan xen cạnh tranh gay gắt, phát triển nhưng không đồng đều.
Ngoài ra, quan hệ nước lớn (Mỹ - Trung, Mỹ - Nga) cạnh tranh, tranh giành ảnh hưởng, lợi ích ngày càng gay gắt; chính trị cường quyền đang quay lại dù xu thế dân chủ hóa, vai trò gia tăng của các nước mới nổi (BRICS, G20); chủ nghĩa dân túy, dân tộc cực đoan trỗi dậy (Mỹ, châu Âu, Tây-Nam Á, Trung Đông); chạy đua vũ trang ngày càng mạnh mẽ, ở nhiều khu vực, nhất là giữa các siêu cường và các nước có xung đột; chuyển đổi số, kinh tế xanh nhằm đáp ứng yêu cầu bức thiết ứng phó với biến đổi khí hậu và những va chạm địa chính trị...
Bởi vậy, mục tiêu nhiệm vụ đối ngoại nhân dân của Việt Nam qua các thời kỳ đã có những bước thay đổi. Trước đây, mục tiêu nhiệm vụ của đối ngoại nhân dân là huy động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với hai cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; huy động sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong phá bao vây cấm vận, vượt qua khủng hoảng KT-XH; bình thường hóa quan hệ, mở cửa, hội nhập, kinh tế quốc tế.
"Còn hiện nay, mục tiêu nhiệm vụ đối ngoại nhân dân của Việt Nam là tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân thế giới; giữ vững môi trường hòa bình ổn định; huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển; mở rộng đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện; nâng cao vị thế và uy tín của đất nước; phục vụ lợi ích quốc gia - dân tộc; đóng góp cho phong trào chung của nhân dân thế giới", ông Phan Anh Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam - trình bày giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động trong hệ thống; mô hình tổ chức, bộ máy Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương (Ảnh: Nguyễn Tùng). |
Trình bày giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp hoạt động trong hệ thống; mô hình tổ chức, bộ máy Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương, ông Nguyễn Văn Doanh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nêu ra ba mục tiêu:
Cụ thể, hoạt động phối hợp của hệ thống Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam thống nhất, đồng bộ, thông suốt giữa Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam với các tổ chức thành viên Trung ương và địa phương; giữa thành viên ở Trung ương với Liên hiệp hữu nghị các địa phương; giữa hội hữu nghị ở Trung ương với Hội hữu nghị ở địa phương.
Phấn đấu đến hết nhiệm kỳ khóa VI thành lập Liên hiệp hữu nghị ở tất cả các tỉnh còn lại (Hưng Yên, Hà Nam, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Điện Biên, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Kon Tum).
Đề xuất với Trung ương có hướng dẫn thống nhất trong toàn quốc về mô hình tổ chức, bộ máy ở các Liên hiệp hữu nghị địa phương theo hướng: Liên hiệp hữu nghị địa phương phải có bộ máy chuyên trách; được giao biên chế, kinh phí, được bảo đảm các điều kiện làm việc; bộ máy Liên hiệp hữu nghị địa phương có các ban tham mưu.
Thảo luận 5 nhóm vấn đề chính của Hội nghị Chiều 7/7, các đại biểu tham dự Hội nghị chia làm 5 nhóm thảo luận về các vấn đề sau: Chủ trương của Đảng và Nhà nước về đối ngoại nhân dân và Liên hiệp hữu nghị; công tác thể chế hóa các văn bản, chỉ thị, nghị quyết và nhận thức của cấp ủy, chính quyền, địa phương đối với đối ngoại nhân dân và Liên hiệp hữu nghị. Việc triển khai Điều lệ khóa VI, thuận lợi, khó khăn và các kiến nghị, đề xuất. Hiệu quả công tác phối hợp (Liên hiệp hữu nghị Trung ương - địa phương; các hội Trung ương - địa phương; Liên hiệp hữu nghị - các hội Trung ương; phối hợp giữa hệ thống Liên hiệp hữu nghị với các cơ quan), kết quả, hạn chế và các đề xuất. Các kiến nghị, đề xuất và gợi ý khác để nâng cao hiệu quả công tác của hệ thống Liên hiệp hữu nghị. Đề xuất về mô hình tổ chức, bộ máy Liên hiệp hữu nghị địa phương. |