Ấn tượng đẹp của người nước ngoài về ngày 30/4 của Việt Nam
Lễ thượng cờ thiêng liêng trong ngày 30/4 lịch sử
Leang Tepkannitha (quốc tịch Campuchia) đang là sinh viên năm 2 tại Đại học Xây dựng Hà Nội thích tìm hiểu lịch sử các nước. Leang nói: 30/4 ngày lễ lớn của Việt Nam, đánh dấu ngày Việt Nam thống nhất đất nước.
Chị Leang Tepkannitha, người Campuchia ấn tượng với lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình đúng vào ngày 30/4. |
Ấn tượng mạnh mẽ nhất của Leang về ngày 30/4 chính là hình ảnh khắp các dãy phố nơi chị ở rợp sắc cờ đỏ, Hà Nội trở nên rực rỡ với cờ, hoa, băng rôn, biểu ngữ chào mừng ngày lễ lớn. Với Leang, việc treo cờ mang ý nghĩa rất quan trọng, nhắc nhớ về ngày thống nhất đất nước Việt Nam, thể hiện sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, con người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình.
Leang nhớ lần đầu được chứng kiến lễ thượng cờ tại Quảng trường Ba Đình đúng vào ngày 30/4. Chị kể, từ sáng sớm, người dân Thủ đô đã đổ về Quảng trường Ba Đình để chứng kiến lễ thượng cờ thiêng liêng. Đúng 5h30, loa phát thanh bắt đầu yêu cầu mọi người dừng hết mọi hoạt động quanh khu vực Lăng Bác và nghiêm trang chuẩn bị làm lễ thượng cờ. Đoàn lễ khởi hành từ phía sau Lăng Bác trong tiếng nhạc hào hùng. Ngay sau hiệu lệnh chào cờ, tiếng quốc ca Việt Nam vang lên, lá cờ được chiến sĩ đội Hồng kỳ thả bay trong gió. Lá cờ được kéo lên từ từ, cho tới khi bài quốc ca kết thúc cũng là lúc lá cờ được kéo lên cao nhất trên cột cờ cao 29m, tung bay trước bình minh.
Nghi lễ kéo dài không lâu nhưng sự trang nghiêm và không khí xung quanh khiến Leang vô cùng xúc động. “Chắc chắn từ lúc đó, tôi đã yêu Việt Nam thêm rất nhiều!”, chị nói.
Khamla Intaphom (quốc tịch Lào), sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, năm 2021, do dịch bệnh nên hạn chế việc đi lại, song năm 2022, anh cảm nhận được không khí tươi mới của ngày lễ lớn của Việt Nam khi ngoài đường treo rợp cờ đỏ sao vàng, cổng chào, băng rôn rất đẹp. Khamla Intaphom dự định đi thăm nhà một người bạn thân ở Việt Nam có bố là bộ đội.
Chị Sengphachanh Vanlaserm (quốc tịch Lào) sẽ đi vịnh Hạ Long cùng tập thể lớp. “Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp, con người thân thiện, chu đáo, đường phố ngày càng sạch đẹp, tiện lợi. Tôi sắp hoàn thành chương trình học ở Việt Nam và sẽ sớm quay lại quê nhà làm việc, do vậy tôi sẽ không bỏ lỡ”, chị nói.
Vào ngày này, anh Khamphet Heugoudom (quốc tịch Lào) thường vi vu khám phá Hà Nội. Anh cùng các bạn Lào đến tham quan Lăng Bác, Bảo tàng Hà Nội, Di tích Hoàng Thành Thăng Long, Di tích Hỏa Lò... Maikheun Boualaphanh thì hào hứng cho biết sẽ đi Hồ Tây hoặc Hồ Gươm. Trong khi đó, Thittaphone Leuansakda được bạn bè mời đến nhà chơi nhân dịp lễ 30/4.
Khám phá, trải nghiệm cảnh đẹp, văn hóa Việt Nam
Là giáo viên dạy tiếng Anh ở Việt Nam đã 5 năm, anh Pablo Arteaga (người Uruguay) đã được trải nghiệm, tham gia nhiều ngày lễ lớn của Việt Nam.
Anh Pablo tại Lai Châu cùng những em bé người H’mong. |
Khi được hỏi về ngày 30/4, anh hào hứng cho biết đó là ngày lễ lớn của Việt Nam, ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Pablo chia sẻ, mọi người xung quanh nơi anh sống và làm việc đều bận rộn chuẩn bị cho ngày lễ này, ngoài đường treo rất nhiều cờ, hoa và băng rôn, không khí vui vẻ.
Vào ngày này năm trước, Pablo đã có một chuyến du lịch tại Lai Châu cùng bạn bè, khám phá cuộc sống của người H’mong. Năm nay, Pablo và bạn bè sẽ đi Cát Bà. Anh mong muốn được khám phá và trải nghiệm nhiều địa điểm của Việt Nam.
Đến từ Cuba, chị Eli Alfonso đã sinh sống, làm việc ở Hà Nội được 6 năm. Eli kể, những người bạn Việt Nam đã cho chị biết ngày 30/4 là một ngày đặc biệt để người Việt Nam kỷ niệm ngày thống nhất đất nước, tưởng nhớ công lao của những người đi trước, những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
“Mấy hôm nay đi ngoài đường tôi thấy rất nhiều băng rôn, biểu ngữ. Đặc biệt ở khu vực vườn hoa Lê - nin, tôi thấy câu chào mừng ngày 30/4 và 1/5 được kết bằng hoa rất đẹp và rực rỡ”, Eli Alfonso chia sẻ.
Đã từng ở Việt Nam 5 năm, tham gia một số chương trình của VTV như “Nhập gia tùy tục”, “Vietnam Discovery”... như Yazan Safi (người Syria), anh cho biết: tôi cảm nhận được sự tự hào của người Việt về ngày này, thấy được không khí vui tươi, rực rỡ trên khắp các đường phố.
Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, Yazan sẽ lên vùng cao Y Tý của tỉnh Lào Cai. Yazan đã đến Y Tý một vài lần và thấy nơi đây rất trong xanh, khung cảnh thơ mộng. Là một người thích trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau, Yazan thấy đặc biệt thú vị khi được khám phá phong tục, tập quán của bà con người dân tộc nơi đây.
Còn với Travis Vetr, chàng trai người Mỹ trót đem lòng yêu Việt Nam từ cái nhìn đầu tiên, dù rất bận rộn song anh vẫn cảm nhận được không khí náo nhiệt, háo hức của tất cả mọi người trong dịp 30/4. Đây là ngày lễ mà anh Travis cảm thấy người dân Việt Nam vui như Tết, họ sắp xếp thời gian để trở về quê hương. Anh cho biết thêm, những ngày này học sinh của anh cảm thấy vô cùng vui mừng khi tham gia các hoạt động dã ngoại đầy ý nghĩa.
Năng lượng tích cực trong ngày 30/4
Meghan Frisch (quốc tịch Mỹ) đã sinh sống ở Việt Nam từ năm 2012 và lấy chồng người Việt Nam.
Chị Meghan Frisch đã có 10 năm sống ở Việt Nam. |
Meghan cảm thấy thú vị khi được ngắm những các lá cờ đỏ treo trước cửa nhà của người dân Việt Nam vào dịp 30/4. Từng được chứng kiến lễ diễu hành kỉ niệm ngày lịch sử, Meghan chia sẻ: "Tôi thấy được sự tôn trọng, tình cảm người Việt Nam dành cho đất nước của mình. Vào những ngày bình thường, Hà Nội luôn hối hả, bận rộn nhưng trong ngày lễ 30/4 buổi sáng thành phố khá bình yên và trong lành. Cuộc sống dường như chậm lại một chút. Sau đó, giao thông trở nên nhộn nhịp hơn khi người dân Việt Nam đi xe máy vào trung tâm thành phố để vẫy lá cờ đỏ sao vàng thể hiện tình yêu đất nước của họ. Có rất nhiều năng lượng tích cực vào ngày hôm đó", Meghan chia sẻ.
Meghan và gia đình quyết định ở lại Hà Nội để tận hưởng những ngày nghỉ lễ. Vài năm trở lại đây, gia đình chị thích đến trung tâm thành phố vào buổi sáng ngày 30/4 để xem diễu hành, sau đó họ sẽ đi dạo quanh những con phố yên tĩnh của thành phố, nơi ngày thường rất nhộn nhịp và đông đúc, để trải nghiệm nhịp sống chậm hơn vào ngày đặc biệt này.