Ấn Độ thử nghiệm tàu sân bay đầu tiên tự sản xuất sau nhiều tháng trì hoãn
"Một ngày tự hào và lịch sử của Ấn Độ khi chiến hạm Vikrant lên đường trong chuyến thử nghiệm trên biển hôm nay" - thông báo cho biết. "Đây là chiến hạm lớn và phức tạp nhất từng được thiết kế và chế tạo tại Ấn Độ".
Tàu sân bay Ấn Độ INS Vikrant lên đường ra biển thử nghiệm ngày 4/8. Nguồn: Hải quân Ấn Độ |
Được biết, trong chuyến ra biển thử nghiệm đầu tiên này, tàu sân bay Vikrant sẽ được đánh giá chất lượng thân vỏ, hoạt động của động cơ chính, thiết bị hỗ trợ cùng các bộ phận khác.
Trước đó, tàu sân bay INS Vikrant dự kiến ra biển thử nghiệm hồi đầu năm sau khi tiến trình chế tạo gần như hoàn thành với việc thử động cơ đẩy và thiết bị phát điện tại cảng năm ngoái. Tuy nhiên, lịch trình thử nghiệm bị hoãn do đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng tại Ấn Độ.
Thời điểm chiến hạm được đưa vào vận hành chính thức cũng bị trì hoãn nhiều năm, mốc mới nhất là năm 2022.
Vikrant được chế tạo tại nhà máy đóng tàu Kochin ở bang Kerala và là lá cờ đầu của "Sản xuất tại Ấn Độ", sáng kiến thúc đẩy các dự án nội địa với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và công nghệ chế tạo của nước này. Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết chiến hạm Vikrant có tỷ lệ nội địa hóa hơn 76%.
Tàu sân bay Vikrant có lượng giãn nước 145.000 tấn, tốc độ tối đa khoảng 65 km/h, tầm hoạt động gần 14.000 km. Chiến hạm có kích thước tương đương tàu sân bay INS Vikramaditya, được chỉnh sửa từ tàu sân bay Baku thuộc lớp Kiev do Liên Xô chế tạo.
Tàu sân bay duy nhất hiện nay đang hoạt động của Ấn Độ là chiếc INS Vikramaditya do Nga sản xuất. Hải quân Ấn Độ cũng tiết lộ IAC-1sẽ được đặt tên là INS Vikrant một khi đi vào hoạt động chính thức.
Ấn Độ nhiều năm qua đã thúc đẩy tự lực trong một số ngành công nghiệp với quốc phòng là lĩnh vực then chốt. Chính phủ Ấn Độ cũng đẩy mạnh kế hoạch tự lực lĩnh vực y tế trong thời điểm dịch COVID-19. Những năm gần đây, Ấn Độ đã công bố ngày càng nhiều thiết bị quân sự và thường xuyên quảng bá thành tựu trên mạng xã hội.