Xúc tiến hợp tác về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy
Phát biểu tại sự kiện, GS. Furuta Motoo, Hiệu trưởng VJU nhận định, ý nghĩa quan trọng nhất của biên bản ghi nhớ hợp tác là giúp đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và các hoạt động khác trong trường đại học.
GS Tokuda Hideyuki (trái) và GS. Furuta Motoo (phải) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (Ảnh: BTC cung cấp). |
"Hợp tác với một học viện lớn và có tính chuyên môn cao như NICT là điều vô cùng to lớn và bổ ích đối với VJU, mang đến nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu, trao đổi kiến thức, hợp tác dự án lẫn nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng về lĩnh vực tự động hóa biên/phiên dịch tiếng Nhật-Việt." GS Furuta Motoo chia sẻ.
Đồng tình với GS. Furuta Motoo, GS Tokuda Hideyuki, Viện trưởng NICT, cho biết: NICT là một trong những trung tâm nghiên cứu và phát triển tiên tiến nhất của Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Thông qua hợp tác với VJU, NICT mong muốn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của hai quốc gia, đồng thời đáp ứng xu hướng lao động chuyên môn cao trên toàn cầu.
Đại diện của VJU cho biết, trường đã mở thêm một chương trình đại học mới là cử nhân khoa học và Kỹ thuật Máy tính trong năm 2021. Hợp tác giữa VJU và NICT sẽ hỗ trợ cho việc đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực tự động hóa biên/phiên dịch ngoại ngữ tại Việt Nam. Qua đó, các sinh viên trong nước có thêm cơ hội tiếp cận những sáng kiến thông minh, tiên tiến từ Nhật Bản, mở mang kiến thức cũng như trau dồi kỹ năng.
Ngược lại, nguồn nhân lực được đào tạo tại VJU sẽ ưu tiên đáp ứng yêu cầu của NICT trong tương lai. Sự thành công của chương trình hợp tác góp phần vun đắp tình hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Được biết, buổi ký kết có sự tham dự trực tiếp của hơn 80 đại biểu, bao gồm: các giảng viên và sinh viên của VJU, lãnh đạo và chuyên gia của NICT, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Câu lạc bộ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói Tiếng Việt, các Trường Đại học và tổ chức, công ty ở Nhật Bản và Việt Nam.
Tiếp nối buổi lễ ký kết là chương trình tọa đàm Khoa học về máy dịch âm thanh tự động giữa tiếng Việt và tiếng Nhật.
Đại biểu tại chương trình tọa đàm Khoa học về máy dịch âm thanh tự động giữa tiếng Việt và tiếng Nhật (Ảnh: BTC cung cấp). |
Tại buổi tọa đàm, đại diện của NICT đã trình bày các hoạt động nghiên cứu nổi bật tại NICT. Cụ thể, TS. Sumita Eiichiro, nhà nghiên cứu xuất sắc của NICT trình bày về chủ đề giao tiếp đa ngôn ngữ tại NICT.
Bài trình bày giải thích kết quả nghiên cứu của dự án tự động hóa phiên dịch đồng thời đang được thực hiện như một dự án cấp quốc gia, đồng thời giới thiệu ngân hàng dịch thuật là cơ chế thu thập dữ liệu đa ngôn ngữ và hoạt động của phòng thí nghiệm dịch thuật tại NICT.
Từ phía Việt Nam, TS Nguyễn Văn Vinh từ Câu lạc bộ xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt cũng đã có bài trình bày về máy dịch đa ngôn ngữ tiếng Việt và các ngôn ngữ khác.
Thông qua toạ đàm, đại diện Việt Nam và Nhật Bản tích cực trao đổi về tiện tích cũng như tiềm năng của việc vận dụng máy dịch âm thanh tự động trong cuộc sống cũng như trong nghiên cứu.