Xuất khẩu sang Mỹ “chạm” 45 tỷ USD: Nên mừng hay lo?
Xuất khẩu sang Mỹ tăng mạnh: Mừng hay lo? - Ảnh minh hoạ |
Phát biểu tại hội trường Quốc hội, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đại biểu đoàn Thái Bình) cho biết, chiến tranh thương mại Mỹ Trung xảy ra, nhiều chuyên gia đã dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi và Việt Nam sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới.
Theo TS Vũ Tiến Lộc, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ còn bằng 1/2 tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4 %, bằng khoảng 1/3 mức tăng trên 20% của những năm trước đó.
Cơ cấu xuất khẩu cho thị trường cũng có những chuyển dịch bất lợi như xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm , duy nhất xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chứa đựng nhiều rủi ro về gian lận thương mại, thâm hụt thương mại.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan, cả nước đã xuất khẩu hơn 194,65 tỷ USD hàng hoá, tăng mạnh khoảng 8,4% so với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là khối các Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi đã xuất khẩu tới hơn 133 tỷ USD hàng hoá, chiếm tới gần 70% kim ngạch xuất khẩu. Đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu là nhóm hàng Điện thoại, linh kiện liên quan với trị giá hơn 38,8 tỷ USD. Xếp sau Điện thoại lần lượt là các nhóm hàng Máy tính (25,6 tỷ USD), Dệt may (24,6 tỷ USD), Giày dép (13,2 tỷ USD)..... Đây cũng là những nhóm hàng trọng điểm của Việt Nam xuất khẩu trong nhiều năm nay. |
Chủ tịch VCCI, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc |
TS Vũ Tiến Lộc đặt câu hỏi: “9 tháng chúng ta xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành 1 trong 6 quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Mỹ. Trong khi hiện nay, hầu hết các quốc gia này đều bị Mỹ trừng phạt, thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ?”.
Để lý giải cho những băn khoăn này, ông Lộc đưa ra dẫn chứng; "Trong 9 tháng năm nay, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở hai đầu nguồn quan trọng đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan từ Trung Quốc bao gồm Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông, vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của nước ta”.
Trước đó, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ nước ngoài trung chuyển qua Việt Nam gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu hoặc tiêu thụ tại thị trường nội địa gây thiệt hại cho người tiêu dùng, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng văn bản chỉ đạo chung cho các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan trong Tổng cục nhằm tăng cường chống gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa.
Tổng Cục Hải quan cũng nhận định nguy cơ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp ở mức rất cao, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Việt Nam, mất uy tín trên thị trường quốc tế hoặc bị hạn chế xuất khẩu vào các thị trường này nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Việt Nam hiện nay tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do FTA, vì vậy hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo hợp thức hóa xuất xứ Việt Nam sau đó xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản,…nhằm hưởng mức thuế suất ưu đãi mà hàng hóa Việt Nam được áp dụng.