Lý do Việt Nam không phá giá tiền đồng
Trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Trung Quốc đang tìm cách phá giá đồng nhân dân tệ (CNY). Hôm 5/8, thậm chí giá CNY còn giảm mạnh 1,3% so với đồng đô la (USD) của Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên vượt ngưỡng 7 CNY/USD kể từ năm 2009.
Động thái này được cho là cú hích cho xuất khẩu và bù đắp một số tác động của thuế quan mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa Trung Quốc. Nhiều quốc gia cũng tham vọng phá giá đồng tiền của mình để tạo lợi thế xuất khẩu, nhưng Việt Nam vẫn chưa có động thái gì.
Trao đổi với Báo Thời Đại, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng việc điều chỉnh tỷ giá liên quan tới nhiều yếu tố, nhiều đồng tiền khác trên thế giới chứ không chỉ nhân dân tệ (CNY - Trung Quốc) hay đô la (USD - Mỹ).
"Tuy nhiên, nếu mức độ điều chỉnh của CNY/USD quá lớn thì phải xem xét bởi đây là 2 đồng tiền ảnh hưởng khá mạnh tới đồng VND của Việt Nam. Còn nhiều yếu tố khác chi phối chứ không thể cứ chăm chăm phá giá" - ông Nguyễn Minh Phong nói.
Chuyên gia này nhấn mạnh: Nếu điều chỉnh tỷ giá theo hướng giảm giá VND thì đương nhiên sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp về mặt xuất khẩu nhưng đồng thời cũng khiến các doanh nghiệp chịu rủi ro về tỷ giá trong quá trình vay ngoại tệ, thanh toán ngoại tệ.
Việt Nam đang duy trì chính sách tỷ giá khá tốt, điều chỉnh hàng ngày có lên xuống, căn cứ nhiều đồng tiền khác nhau trên thế giới và các mục tiêu khác như dự trữ ngoại tệ… Nói chung, chính sách tỷ giá hiện nay là phù hợp - ông Nguyễn Minh Phong nhận định.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú. Ảnh: VTC. |
Trước đó, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú lý giải: Việc phá giá tiền đồng cần tính toán trên bài toán tổng thể giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai để đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.
"Có ý kiến cho rằng cần phá giá tiền đồng vì thời gian qua xuất khẩu chậm lại. Nhưng Việt Nam không thể lấy tỷ giá làm công cụ chỉ thúc đẩy xuất khẩu vì nhập khẩu cũng là vấn đề lớn cần lưu tâm. Đó là lý do vì sao NHNN quyết định không phá giá tiền đồng" - ông Đào Minh Tú phân tích.
Theo ông Tú, tỷ giá đồng Việt Nam đang ở mức ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Vì thế, cơ quan chức năng không đặt ra các kế hoạch về việc phá giá như một số quốc gia hiện nay.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm trong họp báo cuối tháng 9 cũng khẳng định phá giá VND thậm chí còn tác động ngược khi hàng hóa xuất khẩu có độ co giãn thấp về giá.
"Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thuộc phân khúc giá thấp, ít có sự co giãn. Trước đây bán 1 USD, giờ bán 90 cent không có nghĩa khách hàng sẽ mua hàng của Việt Nam nhiều hơn. Tuy nhiên, nhập khẩu về nguyên liệu đầu vào ở mức cao. Phá giá nếu không cân nhắc kỹ, nhiều trường hợp sẽ tác động ngược đến mục đích ban đầu", ông Lâm nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong |
Phá giá VND không tác động nhiều đến xuất nhập khẩu Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, nếu phá giá VND có thể không có tác động nhiều đến xuất khẩu hay thương mại do Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, với giá trị xuất khẩu cao nhưng nhập khẩu cũng rất nhiều. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho biết, phá giá tiền tệ để cạnh tranh là cuộc đua xuống đáy mà Việt Nam cần tuyệt đối né tránh. Nếu quốc gia nào cũng chạy theo cuộc đua phá giá thì sẽ không có chỗ cho việc xuất nhập khẩu. |