Xóm ngụ cư Sài Gòn: "Con muốn đi học để được ăn cơm với thịt cá"
Ba đi tù, mẹ bỏ đi nên anh chị của Bắp phải chuyển đến sống cùng ông bà nội. Bắp sống cùng bà cố ngoại, hiện 79 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Từ cầu Xóm Củi (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) rẽ phải khoảng 1km là xóm ngụ cư hình thành từ năm 1999, trên khu đất đang giải toả. Nơi đây, có khoảng hơn 50 phòng trọ xập xệ, tường và mái dựng bằng những miếng tôn cũ, rỉ sét.
Giữa trưa, trời nắng như đổ lửa. Những căn phòng ọp ẹp, rộng từ 7- 20m2 càng thêm bức bối.
Những phòng trọ xập xệ, tường và mái dựng bằng các tấm tôn cũ, rỉ sét ở Xóm Củi. |
Mấy người đàn ông không đi làm, ra ngoài quán tạp hoá trong khu trọ, gọi ly nước mát, tay cầm điếu thuốc ngồi hút, tám chuyện. Bên cạnh, những đứa trẻ từ 2-12 tuổi ngồi bệt xuống đất chơi. Đứa cầm điện thoại xem clip thiếu nhi, đứa được mẹ cho mấy nghìn mua kẹo, nước ngọt uống. Vài đứa lớn tuổi hơn đứng canh không cho em nghịch bùn đất.
Hôm chúng tôi đến là thứ Năm nhưng các em không đi học. Anh Dũng, 40 tuổi cho biết, xóm trọ có gần 100 em nhỏ nhưng chỉ mấy em được đi học, còn lại học chỉ đến lớp 1, lớp 2 là ở nhà trông em, đi bán vé số hoặc nhặt ve chai với bố mẹ. Có mấy em, học mãi không xong bảng chữ cái nên buộc phải nghỉ ở nhà.
Vợ chồng anh Dũng có hai con, bé gái 12 tuổi, bé trai 5 tuổi. Anh làm thợ hồ, vợ đi bán vé số, thu nhập bấp bênh nên không cho con tới trường. “Con đi học, ngoài học phí, sách vở phải có người đưa đón. Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, phải thuê người đưa con đi nên tốn kém hơn”, ông bố hai con nêu lý do.
Hằng ngày, bé Diệu, con gái anh đi bán vé số với mẹ. Còn bé trai, cứ bố mẹ và chị đi làm thì ở nhà chơi với mấy bạn nhỏ trong xóm.
Những đứa trẻ chơi đùa trong phòng trọ của anh Dũng. |
Bà Linh ở phòng bên có 5 cháu cả nội và ngoại. Các cháu tuổi từ 1-12 tuổi nhưng đều không đi học.
Bà cho biết, từng đăng ký cho cháu đi học ở trường, ở lớp học từ thiện nhưng không ăn thua.
“Tụi nó học mãi bảng chữ cái không xong. Học chữ này quên chữ kia. Cô giáo chỉ riết cũng mệt. Ở nhà dạy cũng không vô, chán quá tôi cho nghỉ”, người phụ nữ năm nay 60 tuổi nói.
Trả lời câu hỏi: 'Không biết chữ, tương lai các cháu sẽ ra sao?', bà Linh đáp: 'Thì đi làm phụ hồ, bán vé số, nhặt ve chai như ba mẹ nó'. Nói xong, bà cho các cháu 10 ngàn đồng đi mua nước ngọt uống.
Chị Ánh, hiện 31 tuổi, lấy chồng khi tuổi 17. Sau đó, chị lần lượt sinh 4 con, ba gái một trai nên kinh tế khó khăn. Bé Su, dù rất thích đi học nhưng là chị cả nên phải ở nhà trông em cho mẹ đi làm. 12 tuổi, em chưa đọc được chữ cái.
Trong bốn đứa con của chị Ánh, chỉ có bé thứ hai là đang học lớp 4. Hai bé còn lại, bé 6 tuổi, bé 4 tuổi ở nhà chơi với chị, tự lấy giấy bút ra viết chữ nguệch ngoạc.
“Vợ chồng tôi ở trọ, chỉ có tạm trú, các con chưa có giấy khai sinh nên phải đi học trường tư, tốn kém đủ thứ”, người mẹ quê Long An nói. Chị cho biết, thời gian tới sẽ đăng ký cho các con đi học lớp miễn phí do các thầy cô thiện nguyện đến dạy. Su biết mặt chữ, đọc và tính được sau này có thể đi làm công nhân.
Trong bốn đứa con của chị Ánh, chỉ có bé thứ hai là đang học lớp 4. |
Ba đi tù, mẹ bỏ đi nên anh chị của Bắp phải chuyển đến sống cùng ông bà nội. Bắp sống cùng bà cố ngoại, hiện 79 tuổi, mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Mỗi tháng đi bán, bà lời được hơn 3 triệu đồng, đóng tiền nhà, tiền học cho cháu, còn một ít hai bà cháu phải ăn tiêu dè xẻn.
Bắp thích học Toán và Tiếng Việt. Em nói, ở lớp có nhiều bạn, nhiều đồ chơi, được ăn cơm với thịt, với cá, canh xương. Em cũng thích đi học để sau này trở thành cô giáo, mặc áo dài, đứng trên bục giảng.
“Tôi lớn tuổi rồi, tiền tích lũy không có nên khó có thể lo cho nó. Nó chỉ được học đến lớp 5 thôi”, bà Ánh, bà cố ngoại Bắp nói.
Nghe thế, cô bé 6 tuổi phụng phịu: “Con sẽ đi bán vé số để có tiền đi học. Con đi thăm ba, ba nói gắng học vài bữa nữa ba về sẽ lo cho con”.
Đi học về, chỉ kịp thay bộ quần áo đồng phục em nhanh chóng đi rửa mặt, phụ bà cố nấu cơm ăn. Buổi chiều em sẽ theo bà cố đi bán vé số mưu sinh.
Số trẻ em ở Xóm Củi được học rất ít. Thậm chí, có những bé lớn tuổi nhưng không biết chữ.
Ông Nguyễn Văn Khá, tổ trưởng tổ dân số 58 (ấp 1A, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, xóm trọ nơi anh Dũng ở có từ năm 1999 đến nay. Những người ở đây là dân tứ xứ, chỉ có đăng ký tạm trú.
Ông Khá cho biết, họ là dân lao động nghèo, làm thợ hồ, ve chai, bán vé số, thu nhập bấp bênh. Số trẻ em trong xóm được đi học rất ít, đa số các em chỉ học tới lớp một, lớp hai là nghỉ. Có em lớn tuổi nhưng không biết chữ. Vừa qua, phường đã xuống khảo sát và hỗ trợ làm giấy khai sinh cho các bé được đi học ở trường.
* Tên một số nhân vật đã thay đổi
Xem thêm
Hãng Boeing bị hàng chục gia đình nạn nhân khởi kiện Lại có thêm gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air của Indonesia, xảy ra ... |
Gia đình Sài Gòn bị nhầm là trồng rau 'đột biến' vì quá tốt Chị Hải Anh từng phải thanh minh củ su hào tím chứ không phải khoai lang, bởi Sài Gòn nắng nóng mà su hào chị ... |
Gợi ý thay đổi thực đơn hàng ngày cho bữa cơm gia đình thêm hấp dẫn Những bữa cơm gia đình hàng ngày sẽ trở nên mới mẻ và hấp dẫn thông qua các gợi ý trong video clip dưới đây. |
Phiên tòa ly hôn của ông bà chủ Trung Nguyên và những câu nói "tâm can" về đạo lý gia đình TĐO - Trước khi tòa tuyên bố ly hôn vào chiều 27/3, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có ... |
Gia đình có hạnh phúc khi phụ nữ là “trụ cột”? Xã hội phát triển, ngày càng có nhiều phụ nữ thành đạt, giữ vai trò “trụ cột” trong gia đình. Vậy, vợ chồng phải làm ... |
"Tiền không thiếu, nhà này thiếu đạo lý": Từ câu nói của ông Nguyên Vũ bàn đạo làm vợ chồng Có một điều kỳ lạ ở vụ ly hôn đình đám của cặp vợ chồng ông chủ Trung Nguyên là bất cứ câu nói nào ... |