Việt Nam ủng hộ các quốc gia châu Phi - Trung Đông mưu cầu độc lập, tự chủ, hạnh phúc
Đây là tinh thần của các phát biểu tại Hội thảo quốc gia "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi - Trung Đông" do Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam" tổ chức ngày 10/11 tại Hà Nội.
Phát huy nội lực, lan tỏa tiếng nói tự chủ
Tại Hội thảo, các đại biểu và khách mời cùng trao đổi, chia sẻ về các nội dung: vai trò, ý nghĩa của độc lập đối với sự phát triển của đất nước; quan điểm của Đảng ta về độc lập trong giai đoạn hiện nay; độc lập - tự chủ trong quan hệ quốc tế; độc lập và tự chủ mà Việt Nam đề ra trong quan hệ quốc tế; con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta mưu cầu độc lập - tự do - hạnh phúc cho người dân Việt Nam có thể chia sẻ với bạn bè năm châu châu, với châu Phi và Trung Đông như thế nào...
Hội thảo quốc gia "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc: Nghiên cứu và chia sẻ giữa Việt Nam và các quốc gia châu Phi - Trung Đông". (Ảnh: Thành Luân) |
Theo PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, sự chuyển mình của châu Phi và Trung Đông ngày càng thu hút sự quan tâm của thế giới, là đối tác quan trọng trong chiến lược của các quốc gia trên thế giới và là khu vực giành ảnh hưởng của các nước lớn. Tuy nhiên, nhiều các quốc gia trong khu vực chưa có được độc lập - tự do - hạnh phúc thực sự.
Thực tế địa chính trị gần đây trên toàn thế giới, nhất là khu vực châu Phi - Trung Đông càng củng cố luận điểm: xây dựng hòa bình, độc lập - tự chủ trên con đường phát triển, hướng tới hội nhập và trở thành một bộ phận của thế giới đại đồng là mong muốn của tất cả các quốc gia trong khu vực. Đây là một chặng đường có nhiều khó khăn và thách thức đối với châu Phi - Trung Đông để đạt được mục tiêu ấy. Châu Phi và Trung Đông đã và đang phát huy nội lực và lan tỏa dần sức hút đối với sự tham gia của quốc tế. Như vậy, tiếng nói giữa các nước nhỏ đối với các nước lớn sẽ được lắng nghe một cách bình đẳng, để có một châu Phi - Trung Đông hòa bình, tự chủ và thịnh vượng.
Nhắc lại sự ủng hộ, giúp đỡ mà các quốc gia châu Phi - Trung Đông đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành độc lập dân tộc, nguyên Đại sứ tại các nước Trung Đông Nguyễn Quang Khai cho biết, châu Phi - Trung Đông là khu vực quan trọng và có quan hệ đặc biệt đối với Việt Nam.
Việt Nam hiện đang trở thành một quốc gia có mô hình tăng trưởng bền vững, phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mô hình kinh tế - chính trị Việt Nam được nhiều quốc gia châu Phi và Trung Đông mong muốn được chia sẻ và học tập kinh nghiệm.
Châu Phi - Trung Đông chuyển mình
Tại hội thảo, các đại biểu cũng thảo luận về sự chuyển mình của châu Phi, đặc biệt tiếng nói của châu Phi tại các diễn đàn toàn cầu có ý nghĩa quan trọng. Hiện châu Phi có 49 ghế trong Liên hợp quốc, chiếm hơn một phần tư tổng số các nước thành viên Liên hợp quốc và rất khó có thể thông qua một nghị quyết của Liên hợp quốc mà không có sự chấp thuận của Liên minh châu Phi (AU).
Trong khi đó, bất chấp xung đột diễn ra, các quốc gia Trung Đông thúc đẩy cải cách thông qua những nỗ lực hiện đại hóa như cải cách thể chế, tự do hóa xã hội và đa dạng hóa nền kinh tế... Có thể thấy rõ điều này qua việc các chính phủ và thế hệ doanh nhân mới nổi ở Trung Đông tập trung phát triển các lĩnh vực khoa học và đổi mới, hỗ trợ rất lớn dành cho giới trẻ trong việc học các kỹ năng công nghệ mới và đây là những hướng phát triển nghề nghiệp phổ biến nhất đối với thanh niên Trung Đông. Những hạt giống mới được gieo trồng ở Trung Đông với vốn đầu tư mạo hiểm trong khu vực đã vượt 2 tỷ USD vào năm 2021, tăng gấp ba lần kể từ năm 2017.
Ngoài ra, Trung Đông có sự đầu tư từng có vào giáo dục cho phụ nữ. Nghiên cứu của UNESCO chỉ ra rằng 34 - 57% sinh viên tốt nghiệp khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) ở các nước Arab là phụ nữ - cao hơn nhiều so với các trường đại học châu Âu hoặc Mỹ. Tỷ lệ phụ nữ nắm quyền lãnh đạo ở Trung Đông cho thấy vai trò của phụ nữ ngày càng tăng và họ đang dần thay đổi cục diện chính trị của khu vực. Tỷ lệ đại diện nữ trong các nghị viện khu vực đã tăng từ 4,3% năm 1995 lên 17,8% vào năm 2021. Số liệu thống kê cho thấy 34% các công ty khởi nghiệp công nghệ ở Trung Đông có người sáng lập là nữ.
Cũng tại Hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh cho biết: sau 20 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông chuẩn bị bước sang một trang mới với sứ mạng và mục tiêu mới theo Nghị định 108/2022/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, đó là hợp nhất với Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á, hình thành Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi. |