Chìa khóa để Việt Nam mở cửa vào thị trường Halal
Đây là một số đề xuất nhằm phát triển ngành Halal ở Việt Nam được đưa ra tại Hội thảo khoa học "Văn hóa Islam và triển vọng phát triển ngành Halal ở Việt Nam" diễn ra ngày 14/8 tại Hà Nội. Chương trình do Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông phối hợp với Viện Nghiên cứu tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức.
Các chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu tại phiên thảo luận (Ảnh: Thành Luân). |
Thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp Việt Nam
Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông giải thích hai thuật ngữ Halal và Haram. Halal là những nguyên tắc được phép, được thực hiện và Haram là những điều không được phép, cấm kỵ, không được thực hiện trong đời sống cả đạo và đời, được xây dựng dựa trên những điều quy định trong Kinh Qur’an, Sunna, luật lệ/khế ước Idjma và án lệ Qiyas (đây là bốn thành tố nằm trong Luật Shari’ah/Luật Hồi giáo của các nước Islam giáo).
Halal và Haram bao gồm tất cả các khía cạnh của cuộc sống, không chỉ trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, dược phẩm, mỹ phẩm… mà còn bao quát các vấn đề văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội.
Dân số các nước theo đạo Hồi đang chiếm gần 30% dân số thế giới, là thị trường có tổng giá trị 1.972 tỷ USD vào năm 2024 với tỷ lệ tăng trưởng khoảng 6,3%/năm. Tuy nhiên, để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho thị trường này cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng được về tiêu chuẩn Halal.
Ngoài các tín đồ Islam/Hồi giáo, người tiêu dùng trên thế giới ngày càng quan tâm đến thực phẩm Halal bởi các sản phẩm Halal được nhận diện là sản phẩm được đảm bảo chất lượng, được sản xuất trong một hệ thống quản lý đảm bảo an toàn vệ sinh nghiêm ngặt.
Phát triển ngành Halal sẽ thúc đẩy sự phát triển cả hệ sinh thái các lĩnh vực, dịch vụ phụ trợ đi kèm. Du khách Halal cũng sẽ là một phân khúc chính của thị trường du lịch khi dân số Islam/Hồi giáo được dự báo đạt 2,2 tỷ người vào năm 2030.
Việt Nam có nhiều lợi thế về nông nghiệp, thực phẩm, du lịch, dệt may… và hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Tuy nhiên mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Khai mở thị trường thế nào?
Theo TS Phú Văn Hẳn, Trung tâm Nghiên cứu Dân tộc - Tôn giáo, Việt Nam có một cộng đồng Islam với khoảng gần 100.000 người, là điều kiện cần để Việt Nam có thể tham gia vào thị trường Halal trên thế giới.
Đến nay chưa có thương hiệu Halal Việt Nam đủ tiếng nói uy tín hội nhập vào thị trường Islam thế giới. Để các tiềm năng của thị trường Halal được khai thác tốt, TS Hẳn cho rằng Việt Nam cần giải quyết nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề thương hiệu Halal.
"Để xây dựng thương hiệu Halal đảm bảo yêu cầu của các tiêu chí chuẩn quốc tế đòi hỏi phải có sự đầu tư từ chính sách của Nhà nước, tư vấn khoa học một cách đầy đủ, sự hợp tác tích cực của các doanh nghiệp và sự tham gia của cộng đồng Hồi giáo", TS Phú Văn Hẳn nói.
Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm (Ảnh: Thành Luân). |
TS Đinh Công Hoàng, Trưởng phòng Nghiên cứu Hợp tác phát triển, Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông cho rằng cần triển khai hiệu quả đề án quốc gia "Thúc đẩy hợp tác quốc tế phát triển ngành công nghiệp Halal của Việt Nam đến năm 2030", tập trung đẩy mạnh "ngoại giao kinh tế" với các nước Hồi giáo. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, chính phủ Việt Nam về tiềm năng của thị trường Halal; ký kết FTA giữa Việt Nam và thị trường Halal. Thành lập cơ quan quản lý Halal tại Việt Nam và triển khai cấp chứng nhận Halal cho doanh nghiệp; thiết lập hệ sinh thái Halal, thu hút cả FDI và đầu tư Halal trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu Halal trong các lĩnh vực thực phẩm, nông sản, mỹ phẩm, du lịch, may mặc, giày dép.
Còn theo TS Lê Kim Sa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi và Trung Đông, cần nghiên cứu sâu về những chuẩn mực trong việc tiếp cận thị trường Halal, đặc biệt phải có sự hiểu biết về tính đồng nguyên; xây dựng các tổ chức cung cấp các chứng chỉ Halal có giá trị quốc tế. Nhà nước cần hỗ trợ các nhà sản xuất (doanh nghiệp nhỏ và vừa) vì họ là chủ thể quan trọng nhất của thị trường Halal; tạo ra ý thức về Halal với các chủ thể tiếp cận thị trường Halal một cách bền vững.
Đối với doanh nghiệp, có được chứng chỉ Halal sẽ là chìa khóa để vào thị trường tiềm năng lớn này, tạo ra những khoảng cách quan trọng so với các doanh nghiệp không có. Nhờ chứng chỉ Halal doanh nghiệp có thể có một lượng lớn người tiêu dùng cho sản phẩm của mình (một dạng độc quyền tự nhiên).
"Các doanh nghiệp cần cung cấp các sản phẩm và dịch vụ Halal mà không gây nghi ngờ trong quá trình sản xuất và tiêu dùng. Ngoài ra nên tập trung vào các nỗ lực của quan hệ công chúng và xúc tiến để hình thành sự tin cậy", ông Sa khuyến nghị.