Việt Nam nhấn mạnh vai trò của hòa bình trong phát triển bền vững
Cuộc họp có chủ đề “Làm sâu sắc quan hệ hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Phát triển toàn cầu, đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững”.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang. Ảnh: VOV.VN |
Theo Đại sứ Đặng Hoàng Giang: không có hòa bình, các mục tiêu phát triển bền vững sẽ không thể đạt được. Để duy trì được hòa bình, ổn định phải đề cao tinh thần hòa bình, hợp tác, minh bạch, cởi mở, bao trùm, bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, tính đến các quan tâm, lợi ích, sự đa dạng văn hóa của các nước thành viên.
Đại sứ nhấn mạnh sự hỗ trợ và phối hợp của các đối tác quốc tế, trong đó có quan hệ đối tác với các thể chế tài chính quốc tế cũng có vai trò quan trọng để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh các chính sách, nỗ lực và nguồn lực nội tại của mỗi quốc gia. Các nước phát triển cũng cần tăng cường hỗ trợ về khoa học- công nghệ, công nghệ kỹ thuật số, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực và nguồn lực tài chính cho các nước đang phát triển. Trong quá trình này, đại diện Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc cũng đề cao vai trò của hệ thống phát triển Liên hợp quốc trong chia sẻ tri thức, chuyên môn hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Về cách thức hoạt động của Nhóm Bạn bè thời gian tới, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng các quan tâm, lợi ích của các nước cần được xem xét đầy đủ trong quá trình thương lượng và ra quyết định, đồng thời để đạt được những kết quả thực chất, Nhóm cân nhắc mỗi năm ưu tiên một vài lĩnh vực cụ thể để ưu tiên thúc đẩy.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước phối hợp chặt chẽ để việc triển khai Sáng kiến GDI đạt được các kết quả tích cực. Theo đó, cần tái kích hoạt hợp tác toàn cầu cho Chương trình nghị sự 2030; tạo môi trường thuận lợi cho phát triển, cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu nhằm tăng cường tính đại diện của các nước đang phát triển và thúc đẩy xây dựng một nền kinh tế mở. Ngoài ra, các nước phát triển cũng cần thực hiện các cam kết hỗ trợ phát triển và mở rộng quy mô hỗ trợ về tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres tin tưởng Sáng kiến GDI sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) thông qua cải cách hệ thống tài chính toàn cầu, cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh, thúc đẩy hòa bình, đảm bảo quyền con người và tái khẳng định cam kết đối với chủ nghĩa đa phương.