Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của các nỗ lực kiến tạo hòa bình
Đại sứ Đặng Hoàng Giang phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Khắc Hiếu/TTXVN) |
Ngày 27/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Abdullah Shahid, Đại hội đồng đã tổ chức Phiên họp Cấp cao về tài chính cho xây dựng hòa bình, thảo luận các biện pháp bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho hoạt động xây dựng hòa bình Liên hợp quốc.
Phiên họp có sự tham dự của ông Volker Turk, Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc về điều phối chiến lược, lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), đại diện hơn 70 nước thành viên Liên hợp quốc và tổ chức quốc tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các báo cáo viên và đại diện các nước khẳng định tầm quan trọng của cấu trúc xây dựng hòa bình Liên hợp quốc với trọng tâm là Ủy ban Xây dựng hòa bình Liên hợp quốc (PBC) và Quỹ Xây dựng hòa bình Liên hợp quốc (PBF), đồng thời chia sẻ ý kiến cho rằng hoạt động xây dựng hòa bình của Liên hợp quốc hiện đang gặp nhiều thách thức như mức độ gia tăng và phức tạp của các cuộc xung đột, tác động của đại dịch COVID-19, trong khi nguồn tài chính dành cho PBF và các hoạt động xây dựng hòa bình còn rất hạn chế.
Trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc Volker Turk và đại diện một số nước kêu gọi cộng đồng quốc tế hưởng ứng đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về đa dạng hóa nguồn đóng góp tài chính cho PBF, tìm kiếm các nguồn mới từ khu vực tư nhân, qua đó góp phần đảm bảo tài chính bền vững cho xây dựng hòa bình.
Một số nước cũng đề nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc cho phép hằng năm phân bổ 100 triệu USD cho PBF từ nguồn ngân sách của Liên hợp quốc.
Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định xây dựng hòa bình là hoạt động quan trọng của Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Theo đó, cộng đồng quốc tế cần duy trì ưu tiên đối với các nỗ lực xây dựng hòa bình, ngăn ngừa xung đột và giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, trong đó phải tính tới trình độ phát triển, điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của mỗi nơi.
Các quốc gia cũng cần tiến hành các biện pháp thúc đẩy hòa giải và thống nhất, thông qua đối thoại bao trùm với sự tham gia của phụ nữ và thanh niên.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh tầm quan trọng của thúc đẩy quan hệ đối tác giữa Liên hợp quốc, các chủ thể ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm bảo đảm tài chính bền vững cho hoạt động xây dựng hòa bình.
Trên cơ sở đó, Đại sứ khuyến nghị cộng đồng quốc tế hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về cam kết hỗ trợ phát triển không chính thức cho các nước bị ảnh hưởng của xung đột cũng như thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực xây dựng hòa bình.
Về phía Việt Nam, Đại sứ Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh Việt Nam sẽ tham vấn chặt chẽ với các bên liên quan để bảo đảm nguồn lực hiệu quả cho các tiến trình hòa bình và sẽ tiếp tục đóng góp có ý nghĩa vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình.
Năm 2005-2006, Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua các Nghị quyết kép A/RES/60/180 và S/RES/1645 thành lập Ủy ban Xây dựng hòa bình (PBC), Quỹ Xây dựng hòa bình (PBF) và Văn phòng Hỗ trợ Xây dựng hòa bình (PBSO) để thiết lập cấu trúc xây dựng hòa bình trong hệ thống Liên hợp quốc.
Trong giai đoạn 2020-2024, các nước đóng góp đã cam kết đóng góp hơn 601 triệu USD cho PBF (trung bình hơn 100 triệu USD/ năm), nhưng con số này là thấp hơn nhiều so với lời kêu gọi bảo đảm ít nhất 1,5 tỷ USD của Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
Đóng góp tài chính cho PBF hiện nay là đóng góp tự nguyện.