Việt Nam học tập gì từ mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe từ các nước?
Mô hình du lịch được ưa chuộng tại nhiều quốc gia
Theo Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch), du lịch chăm sóc sức khỏe là loại hình du lịch được ưa chuộng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Liên minh quốc tế của Tổ chức Du lịch (IUTO), tiền thân của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã đưa ra khái niệm về du lịch sức khỏe là “việc các cơ sở cung cấp dịch vụ sức khỏe, sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên, đặc biệt là nước khoáng và khí hậu” (1973). Từ đó đến nay, các hoạt động du lịch sức khỏe đang ngày càng mở rộng và đa dạng hơn, du lịch chăm sóc sức khỏe có thể hiểu việc đi du lịch với mục đích nghỉ ngơi, thư giãn, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần (wellness tourism), phân biệt với du lịch chữa bệnh là đi du lịch kết hợp với mục đích khám và chữa bệnh bằng cả phẫu thuật và không phẫu thuật (medical tourism).
Tại Ấn Độ- quốc gia được biết đến như là cái nôi của yoga và thiền, với thế mạnh về những bài trị liệu tinh thần và thể chất bằng yoga, các phương thuốc y học cổ truyền, thiên nhiên, quốc gia này đã phát triển loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe toàn diện, tạo ra các tour du lịch chăm sóc sức khỏe trọn gói, mang lại trải nghiệm đặc biệt với những hiệu quả rõ rệt về cải thiện cho du khách sau tour du lịch.
Du lịch chăm sóc sức khỏe đưa Ấn Độ trở thành điểm đến cung cấp sản phẩm này với mức tăng trưởng nhanh nhất đạt 22%/năm. Với mục tiêu phát triển dòng sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, Ấn Độ đưa ra chiến lược thu hút những dòng khách du lịch chăm sóc sức khỏe cao cấp, hạng sang, từ đó dòng khách bình dân sẽ tự tăng theo xu hướng. Nhiều điểm đến chăm sóc sức khỏe cao cấp được phát triển liên tục, nổi bật như Ananda ở Himalayas và Trung tâm chăm sóc sức khỏe toàn diện Soukya ở Bangalore.
Nhật Bản hiện đã phát triển khoảng 27.000 điểm tắm khoáng nóng (Onsen) và loại hình dịch vụ này trở thành “ngành kinh doanh tỷ đô” . |
Tại Nhật Bản, tận dụng tiềm năng sẵn có, với cách làm bài bản, khơi đúng “mạch ngầm,” Nhật Bản hiện đã phát triển khoảng 27.000 điểm tắm khoáng nóng (Onsen) và loại hình dịch vụ này trở thành “ngành kinh doanh tỷ đô” của đất nước Mặt Trời mọc với doanh thu khoảng 13 tỷ USD/năm.
Ông Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch chia sẻ câu chuyện về cách khai thác tài nguyên suối khoáng nóng vào phát triển du lịch của làng Yufuin (Oita, Nhật Bản). Từ một làng quê có xuất phát điểm kinh tế thấp kém vào những năm 70 của thế kỷ trước là Yufuin (Oita, Nhật Bản), vùng đất này đã phát triển vượt trội để trở thành ngôi sao sáng của thế giới trong việc khai thác tài nguyên suối khoáng nóng phục vụ phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.
Yufuin có diện tích tự nhiên khoảng 1.800 ha với dân số khoảng 10.000 người nhưng năm 2019 (thời điểm dịch COVID-19 chưa xuất hiện), Yufuin đã đón tới gần 4,5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 3,5 triệu lượt khách tham quan trong ngày. Ước tính trung bình mỗi ngày Yufuin đón hơn 12.000 lượt khách, nhiều hơn dân số của làng. Thu nhập từ du lịch năm 2019 của người dân địa phương này đạt hơn 16 tỷ Yên Nhật, tương đương gần 15 triệu USD (khoảng 340 tỷ đồng).
“Đây có thể nói là một trong những điểm đến du lịch điển hình nhất trong việc khai thác tài nguyên suối khoáng nóng cho phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe ở không chỉ Nhật Bản mà cả trên thế giới, đáng để học tập,” ông Vũ Nam cho biết.
Tại nhiều quốc gia khác trên thế giới như: Mỹ, , Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia… du lịch chăm sóc sức khỏe đã trở thành loại hình du lịch phổ biến và phát triển.
Chuyên gia du lịch Nguyễn Văn Lưu dự báo, năm 2022 du lịch chăm sóc sức khỏe của thế giới sẽ đạt ngưỡng 919 tỷ USD. Hiện nay, loại hình du lịch này đang phát triển rầm rộ từ Bắc Mỹ đến châu Âu, châu Á-Thái Bình Dương và sẽ phát triển nhanh hơn trong những năm tới. Bởi nó nằm ở vùng giao thoa mạnh mẽ của hai ngành lớn đang bùng nổ là ngành du lịch thuần túy và ngành chăm sóc sức khỏe.”
Đáng nói là trong 5 năm trở lại đây, châu Á dẫn đầu cả số lượng khách và nguồn thu từ du lịch chăm sóc sức khỏe. Nếu loại hình này duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 7,5%/năm sẽ đóng góp 18% tỷ trọng cho ngành du lịch toàn cầu.
Tiềm năng của Việt Nam
Theo các chuyên gia du lịch, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe với bờ biển dài 3.260 km, cùng nhiều bãi tắm rất đẹp và thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, vùng biển ven biển có 2.773 hòn đảo lớn nhỏ, các đảo ven biển có những bãi cát mịn, nước trong xanh, bãi biển nhỏ nằm rải ở các đảo nhỏ, tĩnh lặng, an bình, rất phù hợp cho du lịch nghỉ ngơi, chữa bệnh.
Cùng với đó, ở Việt Nam, bên cạnh hệ thống di tích lịch sử phong phú; có nhiều chùa, tịnh xá, với hệ thống thiền viện rất đặc sắc với cảnh quan hấp dẫn có thể khai thác để phát triển du lịch nói chung và phát triển du lịch gắn với Thiền, Yoga nói riêng.
Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe |
Hiện nay đã có nhiều nguồn suối nước khoáng nóng ở Việt Nam được các nhà đầu tư lớn đầu tư khai thác như: Khu du lịch suối khoáng nóng Mỹ Lâm- Tuyên Quang được tập đoàn Vinpearl đầu tư, khu du lịch suối khoáng nóng Quang Hanh- Quảng Ninh do tập đoàn SunGroup đầu tư, Thanh Thủy (Phú Thọ) được tập đoàn YoKo khai thác theo mô hình Onsen của Nhật Bản… Một số khu du lịch có cung cấp dịch vụ tắm bùn, spa, xông hơi, mát xa như khu du lịch Trăm Trứng (Khánh Hòa), khu du lịch V- resort (Hòa Bình), khu du lịch khoáng nóng Sài Gòn- Bình Châu (Vũng Tàu)… khai thác khá tốt.
Trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát, năm 2018 có 350.000 người nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh kết hợp nghỉ dưỡng và chi tiêu 2 tỷ USD. Trong khi đó hàng năm cũng có khoảng 40.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh kết hợp du lịch và chi tiêu tới cả tỷ USD. Điều đó cho thấy, không chỉ khách quốc tế mà khách nội địa cũng là mảnh đất màu mỡ của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, trong giai đoạn mới khi chẳng thể xuất ngoại, du khách bày tỏ mong muốn được xanh lối sống, mạnh thân tâm và lành tinh thần.
Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình du lịch chăm sóc sức khỏe của Việt Nam hiện vẫn chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng.
Bạn bè quốc tế “mách nước” phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe
Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước, trong đó có hợp tác về du lịch, nhiều kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch chăm sóc sức khỏe đã được các nước chia sẻ với Việt Nam.
Chẳng hạn, để đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch đặc biệt này, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các cơ sở chăm sóc sức khỏe, Bộ Du lịch Ấn Độ đã xây dựng Hướng dẫn phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe, với những vấn đề được quy định cụ thể như: làm rõ khái niệm du lịch chăm sóc sức khỏe, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực du lịch chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tài chính xây dựng cơ sở chăm sóc sức khỏe, xúc tiến quảng bá…
Ngoài ra, để kiểm soát chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Bộ Du lịch Ấn Độ cũng phối hợp với Ủy ban chứng chỉ nghề dịch vụ chăm sóc sức khỏe và bệnh viện để tổ chức thẩm định chất lượng các Trung tâm chăm sóc sức khỏe trên toàn quốc và cấp chứng chỉ, đồng thời hướng dẫn nâng cao chất lượng dịch vụ.
Các tổ chức hữu nghị trong quá trình trao đổi, chia sẻ với Nhật Bản cho rằng, Việt Nam có thể tham khảo cách thức quảng bá các khu nước khoáng nóng nổi tiếng trên các website về du lịch của Tổng cục Du lịch Nhật Bản, Hiệp hội Ryokan Nhật Bản… với các ngôn ngữ quốc tế.
Nhật Bản cũng linh hoạt trong cách thức làm du lịch như: Để thuận tiện cho khách du lịch các quy tắc truyền thống khi tắm onsen, lựa chọn loại hình onsen… cũng được khuyến nghị trước và hướng dẫn cho du khách quốc tế một cách đầy đủ, rõ ràng. Một số quy định truyền thống khắt khe của Nhật Bản không phù hợp với khách du lịch quốc tế cũng đã được cân nhắc thay đổi cho linh hoạt hơn. Bên cạnh đó, để đảm bảo chất lượng của các cơ sở suối khoáng nóng, Ủy ban môi trường Nhật Bản có quy định về việc các cơ sở này phải nộp mẫu nước để xét nghiệm 10 năm một lần và thông báo kết quả này tới các khách hàng. Đây cũng là những kinh nghiệm Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.