Vi phạm bản quyền ở Việt Nam: Căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa
Ca nhạc sỹ Duy Mạnh (Ảnh: FBNV) |
Vi phạm bản quyền ở Việt Nam - căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa
Mới đây, chia sẻ với báo Thời Đại, ca sĩ Duy Mạnh tiết lộ luật sư của anh đang tích cực làm việc với phía thẩm phán và sẽ sớm đưa sự việc với Zing MP3 ra tòa án để giải quyết.
Trước đó, ngày 5/8, ca sĩ Duy Mạnh chia sẻ bản thân đã từng được tòa án sắp xếp hòa giải với Tập đoàn VNG - đơn vị sở hữu trang nghe và tải nhạc trực tuyến Zing MP3 nhưng cả hai bên đều không đi được tới kết quả tốt đẹp.
"Zing MP3 đã ăn cắp sử dụng nhạc của tôi cả trăm bài hát. Tôi đã nhân nhượng xuống còn 1 tỷ rưỡi, cho khai thác nhạc miễn phí trong 3 năm rồi. Chơi đẹp thế còn gì nữa? Mà vẫn còn đòi ép tôi xuống 1 tỷ. Bây giờ tôi không cần tiền nữa. Ra toà để toà giải quyết" - Nam ca sĩ Duy Mạnh bức xúc chia sẻ trên trang cá nhân.
Đơn kiện của ca sĩ Duy Mạnh yêu cầu Zing MP3 chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại với số tiền 4.875.012.600 đồng được nộp lên toà án nhân dân quận 10, TPHCM hồi tháng 7 năm ngoái. Theo ca sĩ Duy Mạnh, mức tiền đền bù này dựa trên tiền nhuận bút, thù lao mà ca sĩ này được nhận dựa trên các bản ghi âm, ghi hình do ca sĩ này biểu diễn, sản xuất mà Zing MP3 đăng tải.
Ca sĩ Duy Mạnh tiết lộ luật sư của anh đang tích cực làm việc với phía thẩm phán và sẽ sớm đưa sự việc với Zing MP3 ra tòa án để giải quyết. |
Lần gặp gỡ đầu tiên vào ngày 3/4/2018, Duy Mạnh nói rằng, Zing MP3 đã có email thừa nhận vi phạm và đề xuất thanh toán số tiền là 223 triệu đồng. "Đây là số tiền đề xuất của VNG quá thấp so với thiệt hại của tôi nên tôi không đồng ý và yêu cầu Apolat Legal tiếp tục đàm phán", ca sĩ Duy Mạnh cho biết.
Ngày 3/5/2018, hai bên tiếp tục gặp nhau và ca sĩ Duy Mạnh đã hạ mức yêu cầu bồi thường xuống 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, Zing MP3 đề xuất mức bồi thường là 500 triệu đồng bằng tiền mặt và hỗ trợ truyền thông với giá trị tương đương 2 tỷ đồng. Ca sĩ Duy Mạnh không đồng ý và cho biết không có nhu cầu sử dụng dịch vụ truyền thông của đơn vị này.
Sau đó, nam ca sĩ cũng cho biết, đã nhượng bộ và hạ mức yêu cầu bồi thường xuống 1,5 tỷ đồng, cho khai thác nhạc miễn phí trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, phía Zing MP3 đề nghị chi mức bồi thường là 1 tỷ đồng.
Ca sĩ, nhạc sĩ còn đánh tiếng "tư vấn" rằng: "bất cứ ai có nhạc nằm trên trang Zing MP3, cứ chụp hết lại mà làm bằng chứng. Sau này lập vi bằng mà đi kiện là có tiền". Theo Duy Mạnh, muốn nghe nhạc chất lượng mà không có quảng cáo trên Zing MP3 là phải trả tiền.
Được biết, tài khoản đăng kí sử dụng Zing MP3 nếu mua gói VIP phổ thông 1 tháng mức phí là 49.000 đồng, 6 tháng gói VIP tiết kiệm mức phí 279.000 đồng, 1 năm VIP siêu tiết kiệm giá 499.000 đồng; đối với gói VIP Family là 15.000 đồng/tháng và 89.000 đồng cho tối đa 6 tài khoản. Vì thế, Zing MP3 lâu nay vẫn là “con gà đẻ trứng vàng” nhờ nguồn thu phí người sử dụng và doanh thu quảng cáo khổng lồ.
Tính đến thời điểm này, Zing MP3 đã gỡ các bài hát của ca sĩ Duy Mạnh và đơn vị này chưa đưa ra phát ngôn liên quan đến phản ứng mới nhất từ ca sĩ này.
Câu chuyện vi phạm bản quyền ở lĩnh vực giải trí chưa bao giờ là vấn đề mới. Tuy nhiên, vụ việc mới nhất giữa ca sĩ Duy Mạnh và trang nghe nhạc trực tuyến Zing MP3 cho thấy những tồn tại này chưa chuyển biến tích cực. Trước vụ việc của nam ca sĩ gốc Hải Phòng, thời gian gần đây từng có nhiều ồn ào liên quan đến vấn đề bản quyền ở nước ta đã phải đưa ra pháp luật giải quyết.
Tháng 3/2019, Tòa án nhân dân Hà Nội công bố kết quả xét xử vụ tranh chấp kinh doanh thương mại, quyền sử hữu trí tuệ giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội (TCHN) và bị đơn - Công ty cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Việt Tú đại diện.
Vụ kiện của đạo diễn Việt Tú với công ty Tuần Châu Hà Nội từng tốn nhiều giấy mực của báo chí. |
Hội đồng xét xử tuyên đạo diễn Việt Tú là tác giả của vở diễn "Ngày xưa", còn Tuần Châu Hà Nội là chủ sở hữu kịch bản.
Hội đồng xét xử xác định "Tinh hoa Bắc Bộ" là sản phẩm phái sinh từ vở diễn thực cảnh "Ngày xưa".
Tuần Châu do đó phải trả DS hơn 660 triệu đồng, bao gồm số tiền chậm thanh toán, số tiền lãi phát sinh trong hợp đồng và 10% doanh thu bán vé như cam kết.
Vào tháng 2/2019, TAND quận 1 (TP.HCM) đã tuyên án vụ tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong truyện tranh Thần đồng đất Việt, giữa nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh.
Họa sĩ Lê Linh thắng kiện sau tranh chấp bản quyền kéo dài 12 năm. |
Từ đó, HĐXX xác định ngoài ông Linh không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật trên nên công nhận ông Linh là tác giả duy nhất, bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả.
Vì quyền đứng tên tác giả của tác phẩm là quyền nhân thân và quyền nhân thân không thể chuyển giao nên nếu ông Linh đồng ý chuyển giao thì việc chuyển giao này cũng vô hiệu.
Từ tập 79 Thần đồng đất Việt trở đi, Công ty Phan Thị đã vẽ lại các hình tượng nhân vật này dựa trên tác phẩm gốc. Đây là hành vi sửa chữa tác phẩm mà không được sự đồng ý của ông Linh.
Từ đó, tòa chấp nhận yêu cầu của ông Linh buộc Công ty Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng do ông Linh sáng tạo.
Đồng thời, tòa buộc Công ty Phan Thị xin lỗi ông Linh công khai trên báo Tuổi Trẻ, báo Thanh Niên trong 3 số liên tiếp, buộc Công ty Phan Thị thanh toán 15 triệu đồng chi phí dịch vụ luật sư mà ông Linh phải thuê để bảo vệ quyền tác quyền của mình bị xâm phạm.
Trông người mà ngẫm đến ta
Vi phạm bản quyền trong lĩnh vực giải trí diễn ra tràn lan mỗi ngày với những hình thức ngày càng tinh vi, đa dạng. Câu chuyện này đã được đem ra bàn bạc, thảo luận tại nhiều hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của các đơn vị sản xuất, phân phối, chuyên gia trong nước và quốc tế.
Liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ và hợp tác quốc tế của Việt Nam trong lĩnh vực này, từng có một cuộc hội thảo về bản quyền giữa Việt Nam và Hàn Quốc, các đại biểu đã đề cập đến nhiều nội dung quan trọng như: Cuộc chiến chống lại vi phạm bản quyền trên môi trường 5.0 (Việt Nam giờ 4.0); Thực trạng Nhật Bản đang bị xâm hại nghiêm trọng bản quyền tác phẩm; Các vụ kiện chống lại vi phạm bản quyền điển hình của các nước; Phương thức xử lý và hướng hỗ trợ giữa các tổ chức quyền với nhau để đóng góp lên Chính phủ từng nước khi có hoạch định chính sách về bản quyền.
Theo thống kê tài chính trong lĩnh vực bản quyền năm 2017 thì KOMCA (Hàn Quốc) có doanh thu nửa đầu năm tài chính 2017 là 67 triệu USD; JASRAC (Nhật Bản) là 464.1 triệu USD; MCT (Thái Lan) là 935.533 USD và VCPMC (Việt Nam) tính đến tháng 10/2017 là 56 tỉ đồng (xấp xỉ 2 triệu USD).
Nhìn vào số tiền tác quyền của các nước mà Việt Nam có ký kết hợp tác cho thấy, số tiền tác quyền của Việt Nam là quá ít so với nhu cầu sử dụng, quảng bá và phát hành các tác phẩm âm nhạc trong nước và ra quốc tế.
Câu chuyện bản quyền ở Thái Lan năm 2018 là lời cảnh tỉnh cho những cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm âm nhạc dưới mọi hình thức trái phép.
Theo đó, ngày 11/3/2018 Tòa án Thái Lan đã ra lệnh bắt ca sĩ nhạc rock nổi tiếng của nước này là Num Kala vì sử dụng nhạc phẩm của người khác không xin phép. Ca sĩ Num Kala, tên thật là Naphasin Saeng Suwan (38 tuổi), đã bị một công ty phụ trách bản quyền âm nhạc Thái Lan tố cáo vì sử dụng một số bài hát nằm trong quyền quản lý tác phẩm của công ty này.
Sự việc xảy ra vào đầu năm 2017 khi Num Kala mở show nhạc quy mô nhỏ tại quán bar của mình trong thành phố Pattaya và sử dụng bài "Yam" hát trong show này. Công ty phụ trách bản quyền nhạc phẩm cũng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng Num Kala vẫn tiếp tục sử dụng trái phép. Công ty đã kiện ra tòa yêu cầu bắt giam Num Kala, đồng thời bồi thường cho tác giả. Tòa án Thái Lan đã chấp thuận đơn kiện và ra lệnh bắt giữ Num Kala. Với tội vi phạm bản quyền âm nhạc, Num Kala đã phải đối mặt với mức án từ 4 - 6 năm tù và khoản bồi thường từ 100.000 - 800.000 baht (70 - 560 triệu đồng).
Num Kala bị tòa ra lệnh bắt giam vì vi phạm tác quyền âm nhạc. |
"Số tiền bồi thường tuy không lớn nhưng số năm tù là đáng suy nghĩ với những ai cố tình vi phạm bản quyền. Luật pháp nghiêm minh và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là ở chỗ này"- Một khán giả Việt Nam chia sẻ về vụ việc của nghệ sĩ Thái Lan.
Từ câu chuyện bản quyền của nước ngoài, có thể thấy vấn đề này ở Việt Nam hiện nay, về mặt cơ sở pháp lý dù đã có quy định trong nhiều bộ luật khác nhau nhưng còn tồn tại những kẽ hở nhất định và các hình thức xử phạt chưa đủ sức răn đe. Hầu hết các sự việc đều dừng lại ở mức xử phạt hành chính, chưa có vụ việc nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, sai phạm này nối tiếp sai phạm kia và ngày một gia tăng.
Sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ và thực tế luật chưa song hành cùng nhau. Rõ ràng, công nghệ đang đi trước một bước và dù ai cũng nhận thấy hành lang pháp lý cần phải thay đổi nhưng vẫn chưa thay đổi kịp thời. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến vi phạm bản quyền trở thành căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa ở nước ta.
Vi phạm bản quyền tranh in lên áo dài: Của chùa hay hàng chợ? Càng lúc càng nhiều hoạ sĩ phát hiện bị xâm phạm bản quyền tác phẩm nghệ thuật, đem in lên áo dài bán tràn lan ... |
VTV bán bản quyền chương trình Táo quân 2017 Sáng 1/3/2017, trong buổi họp báo ra mắt ứng dụng xem phim trả phí có tên IFlix, đại diện truyền thông của đơn vị này ... |
VTV từ chối giải quyết trực tiếp vụ vi phạm bản quyền với tác giả Đài Truyền hình Việt Nam đã gửi văn bản trả lời tới ông Bùi Minh Tuấn - người đã khiếu nại VTV vi phạm bản ... |
Gia đình nhạc sĩ Văn Cao sẽ tặng bản quyền Quốc ca cho Quốc hội Nhạc sĩ Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao, ngày 1/2 khẳng định, gia đình ông sẽ tặng bản quyền tác phẩm “Tiến quân ... |
Dừng thu phí bản quyền ca khúc “Tiến quân ca” Ngày 25/8, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã có công văn gửi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc ... |