Vắc xin chữa ung thư của Nhật chưa được chứng nhận an toàn và hiệu quả
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý (Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản) đã trao đổi thông tin về loại vắc xin Hasumi đang gây xôn xao vì lời giới thiệu là vắc xin chữa ung thư của Nhật và có thể chữa được mọi loại bệnh ung thư.
Vắc xin Hasumi. |
Vắc xin vừa phòng ngừa, vừa… chữa được ung thư
Theo giới thiệu, loại vắc xin tự thân này chính là vắc xin được chế tạo từ tế bào ung thư của người bệnh. Nếu đồng ý điều trị bằng phương pháp này, người bệnh chỉ cần phẫu thuật sau đó giữ lại 1 phần khối u bằng ngón tay rồi gửi sang Nhật Bản để bào chế vắc xin.
Bảng giá vắc xin Hasumi cho từng gói tiêm ung thư. |
Sau khi bào chế xong, loại vắc xin chống ung thư này sẽ được tiêm trực tiếp cho người bệnh qua 3 liệu trình. Phương pháp này được xem là rất tốt cho bệnh nhân ung thư gan và ung thư não.
Chi phí cho một lần điều trị bằng phương pháp này tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh ung thư. Ví dụ như ung thư giai đoạn 1 chi phí điều trị và điều chế vắc xin khoảng 500 triệu đồng chưa kể chi phí đi lại, ăn ở cho bệnh nhân.
Đến giai đoạn 2 của bệnh chi phí lên 700 triệu đồng, giai đoạn 3 chi phí là 900 triệu đồng, giai đoạn 4 chi phí là 1,5 tỷ đồng. Với mức chi phí này, phương pháp được xem như một cách cứu vãn cho nhiều người bệnh ung thư.
Vắc xin Hasumi được quảng cáo rầm rộ trên facebook với khả năng có thể phòng ngừa và chữa ung thư. |
Ngoài loại có khả năng điều trị ung thư, vắc xin Hasumi còn có loại phòng ngừa ung thư và ngừa ung thư tái phát.
Một bộ vắc xin ngừa ung thư tổng hợp (dành cho tất cả các loại bệnh ung thư) gồm 6 ống. Mỗi lần tiêm cách nhau 5 ngày. Một bộ vắc xin này có giá 36 triệu đồng và sử dụng trong vòng 1 tháng.
Ngoài ra, đối với những khách hàng có nhu cầu hoặc chỉ định tiêm thêm các loại vắc xin ngừa ung thư đặc trị do có chỉ dấu ung thư cao hoặc tiền sử gia đình có người bị ung thư sẽ sử dụng thêm gói liệu trình gồm 6 ống vắc xin có giá 18 triệu đồng.
Đối với khách hàng tiêm vắc xin ngừa ung thư tái phát sẽ sử dụng loại vắc xin tự thân trích xuất và nuôi cấy từ nước tiểu. Khách hàng phải sang Nhật để thực hiện lấy mẫu thử ước tiểu dành cho việc nuôi cấy vắc xin tự thân. Liệu trình thực hiện 72 lần tương đương 72 ống vắc xin tự thân. Giá của gói vắc xin này là 180 triệu đồng.
Vắc xin chữa ung thư Nhật chưa được công nhận về độ an toàn và hiệu quả
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, hiện đang công tác tại Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản đã có những chia sẻ xung quanh việc nhiều người Việt đang đổ xô tìm mua loại vắc xin Hasumi này.
Theo ông, tại Nhật, việc điều trị ung thư nằm ngoài hệ thống bảo hiểm, đồng thời cũng chưa được PMDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc Nhật Bản) chứng nhận về độ an toàn và hiệu quả.
Bác sĩ Phạm Nguyên Quý, Khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Đại học Kyoto, Nhật Bản cho biết vắc xin Hasumi hiện vẫn chưa được chứng nhận về hiệu quả chữa ung thư ở Nhật Bản. |
Bác sĩ Quý cũng chia sẻ, ở Nhật Bản các bác sĩ thường chỉ khuyến khích bệnh nhân điều trị thuốc nằm trong phạm vi bảo hiểm bởi những hiệu quả chắc chắn và cao nhất (không phải 100% nhưng là cao nhất đã được chứng minh) với số tiền mà bệnh nhân trả là thấp nhất ở thời điểm hiện tại.
Khái niệm “điều trị tốt” ở Nhật cũng đồng nghĩa với việc “điều trị được bảo hiểm chi trả”. Khi những thuốc được bảo hiểm chi trả có nghĩa là thuốc điều trị đó đã có đầy đủ số liệu chứng minh hiệu quả thực sự trên nhóm bệnh nhân cụ thể (vượt qua giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng).
Ông khuyên người bệnh và người nhà bệnh nhân nên bình tĩnh và tỉnh táo, có sự tìm hiểu kĩ càng và tư vấn từ người có chuyên môn khi quyết định sử dụng bất cứ loại thuốc hay vắc xin nào.
“Vắc xin ung thư như lời giới thiệu là có thật và chúng cũng đã được nghiên cứu lâm sàng ở một vài tình huống cụ thể (như ngăn tái phát ung thư gan sau mổ), nhưng số liệu ở tình huống cụ thể đó là chưa đủ độ tin cậy, và cũng không áp dụng ra các loại ung thư khác hay ở tình huống khác”, bác sĩ Quý cho biết.
Ngoài ra, với những bệnh nhân tìm đọc được tài liệu tiếng Anh thì nên vào các website chính thống của các Hiệp hội ung thư của Mỹ và Châu Âu, xem hướng dẫn điều trị có ghi phương pháp đó không, bảo hiểm ở nước ngoài có trả cho phương pháp đó không.