Thỉnh vong mà chữa khỏi ung thư thì nên trao giải Nobel!
"Thỉnh vong, oan gia trái chủ", bà Yến bị phạt 5 triệu đồng Chưa có hình thức kỉ luật bác sĩ 'khuyên' bệnh nhân lên chùa Ba Vàng điều trị Nhiều trang thông tin của chùa Ba Vàng đã dừng hoạt động |
Xung quanh vụ việc chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) thỉnh oan gia trái chủ để chữa bệnh, chúng tôi đã phỏng vấn TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam để có những góc nhìn rõ hơn về vấn đề này.
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam. (Ảnh: Huyền Trần). |
‘Bác sỹ khuyên thỉnh vong chữa bệnh đang nhầm lẫn vai trò của mình!’
- Chào ông, ở vị trí là lãnh đạo của cơ quan ứng dụng y học vào chữa bệnh cho con người, ông có những đánh giá như thế nào về phát ngôn của bác sỹ Nguyễn Hồng Phong, cán bộ của Bệnh viện Bạch Mai khuyên người dân nên thỉnh vong để chữa bệnh?
Không chỉ tôi mà các cán bộ ngành y khác cũng đều không đồng ý về cách trả lời này của bác sỹ Phong. Bởi chữa bệnh cho con người là một khoa học dựa trên các bằng chứng.
Bác sỹ là những cán bộ y tế được đào tạo rất bài bản về y học và điều trị bệnh nhân theo những phác đồ cụ thể. Bác sỹ phải áp dụng điều này vào thực tế chứ không thể hướng bệnh nhân lên chùa để chữa bệnh theo các hình thức điều trị tâm linh thiếu cơ sở khoa học.
- Người dân thường có thể tin vào việc chữa bệnh bằng cúng bái, tế lễ. Nhưng bác sỹ Phong lại được đào tạo bài bản, là ‘sản phẩm’ của trường y. Vậy tại sao bác sỹ này lại có tư tưởng như vậy?
Đây là một sai lầm mang tính cá nhân. Chúng ta đều thấy phần lớn các bác sỹ là những người duy vật, có tư duy khoa học và tận tâm với người bệnh.
Tôi chưa có dịp gặp Bác sỹ Phong, tuy nhiên theo các đánh giá của các đồng nghiệp thì anh ấy được là một bác sỹ tận tâm với công việc và người bệnh. Trong cuộc sống, anh ấy vừa là một bác sỹ, đồng thời cũng là một phật tử, có niềm tin vào tôn giáo của mình.
Tín ngưỡng là niềm tin cá nhân, pháp luật công nhận và bảo vệ quyền đó của mỗi người, tuy nhiên khi đưa ra lời khuyên cho bệnh nhân khi điều trị thì cần phải đứng trên quan điểm và vị trí của một người bác sỹ.
Có thể anh Phong ở thời điểm đó đã ‘tạm quên’ mình cũng là một bác sỹ, đưa ra lời khuyên của một phật tử. Nhưng rõ ràng, người bệnh sẽ hiểu đây là lời khuyên của bác sỹ và tin rằng, bác sỹ khuyên lên chùa chữa bệnh thì chứng tỏ là y học hiện đại cũng ‘bó tay’.
Chúng ta phải hiểu rằng, những phát ngôn của chúng ta không chỉ là phát ngôn cá nhân. Anh Phong có phát ngôn cá nhân thật, nhưng khi khoác tấm áo blu vào thì chúng ta đã đại diện cho chính nghề nghiệp của chúng ta. Vì vậy lúc đó bệnh nhân sẽ nghĩ chúng ta phát ngôn với bệnh nhân không phải là câu chuyện của phật tử nói mà sẽ nói bác sỹ khuyên tôi như vậy.
Vụ việc này không chỉ là bài học cho bác sỹ Phong mà còn đối với tất cả cán bộ y tế.
Bác sỹ Nguyễn Hồng Phong đã công khai xin lỗi về phát ngôn của mình trong buổi tiếp xúc báo chí ngày 25/3 do ban giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tổ chức. (Ảnh: Huyền Trần). |
- Hiện tại, bệnh viện Bạch Mai chưa đưa bác sỹ Phong ra Hội đồng kỉ luật. Theo ông, với những phát ngôn của bác sỹ này, nên có hình thức kỉ luật như thế nào để ngăn chặn trường hợp tương tự?
Bản thân bác sỹ Phong cần phải biết rút kinh nghiệm từ vụ việc này. Bác sỹ cũng đã xin lỗi công khai tất cả mọi người và chịu hoàn toàn trách nhiệm cá nhân. Bởi vậy, dư luận cũng nên có cái nhìn thông cảm nhất định và nên dừng mọi chuyện ở đây.
Theo tôi, bệnh viện Bạch Mai có thể xem xét đưa ra phương án như khiển trách, phân tích các sai lầm trong phát ngôn, trong tư vấn cho người bệnh và để bác sỹ rút kinh nghiệm. Quá trình điều tra sau này nếu thấy vụ việc có sự trục lợi cá nhân thì khi ấy mới có những phương án xử lý kỉ luật khác.
Thỉnh vong chữa bệnh, người dân đang mất niềm tin vào ngành y tế?
- Nhiều người xì xụp khấn bái, đổ hàng trăm, thậm chí hàng tỉ đồng để lên chùa với niềm tin rằng sẽ hết bệnh. Vậy đã có bằng chứng nào khẳng định chữa bệnh bằng cách này hiệu quả chưa, thưa ông?
Thời kỳ 3000 – 1500 năm trước CN đã phát triển nền y học sơ khai. Ở thời điểm đó bệnh tật và tai họa đều được gán cho các tác nhân siêu nhiên như: thần thánh, ma quỷ. Việc chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị bệnh trong thời kỳ này đều cần đến ma thuật, cúng kiến, cầu khẩn.
Trong vài nghìn năm qua, y học đã có những bước tiến dài trong điều trị bệnh. Từ giai đoạn y học kinh nghiệm, y học thực nghiệm và ngày nay là y học hiện đại với nền tảng là y học chứng cứ và y học cá thể hóa.
Y học ngày nay đã chữa thành công nhiều căn bệnh mà trước đây “chịu chết”. Người dân đã biết, khi bị đau ruột thừa thì sẽ đến bệnh viện ngay để phẫu thuật chứ không phải đi cầu cúng, bởi chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong.
Bà Phạm Thị Yến rao giảng với người dân đến chùa Ba Vàng rằng có thể chữa bệnh bằng thỉnh oan gia trái chủ. |
Vấn đề y học tâm linh cũng đã từng nhiều lần được các nhà khoa học đưa ra tranh luận về tính hiệu quả hay không. Cho đến nay các phương pháp điều trị tâm linh chưa được chứng minh hiệu quả thông qua các bằng chứng khoa học.
Chúng tôi nhấn mạnh là không có bằng chứng nào trong việc áp dụng các phương pháp điều trị phản khoa học, mang tính mê tín dị đoan có thể điều trị được các bệnh nan y. Nếu chữa được bằng thỉnh vong thì “vong” ấy, “thầy” ấy đã được trao giải Nobel y học thế giới rồi.
Tuy nhiên chúng ta cũng ghi nhận các tác dụng của Tâm lý điều trị mà trong đó các bác sỹ, người thân, bạn bè, những người có uy tín với bệnh nhân (trong đó có tôn giáo) có thể có vai trò trong việc hỗ trợ quá trình điều trị của bác sỹ.
Ví dụ như người bị bệnh nan y nếu nhận được sự động viên, chia sẻ từ bác sỹ, người thân, hoặc từ lòng tin đối với tôn giáo mà họ tín ngưỡng thì sẽ có những hiểu biết về bệnh, không hoảng loạn và hiệu quả điều trị bệnh cũng sẽ tốt hơn.
Những hỗ trợ từ niềm tin vào tôn giáo sẽ giúp bệnh nhân ổn định tinh thần, để người bệnh thấy rằng cuộc đời phía trước không phải chỉ một màu u ám. Điều này góp phần hỗ trợ vào điều trị các bệnh, đặc biệt là các bệnh tâm thần kinh.
- Thiếu hiểu biết, mê tín dị đoan có phải là nguyên nhân chính dẫn đến việc người bệnh tìm đến việc điều trị bằng phương pháp tâm linh?
Người bệnh thường có tâm lí: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Bởi vậy, nhiều người vừa đến bệnh viện, đồng thời cũng tìm đến phương pháp tâm linh. Điều này do hai nguyên nhân:
Thứ nhất, sự hiểu biết của người dân về vấn đề sức khỏe cũng chưa nhiều, giáo dục, truyền thông về phòng và điều trị bệnh cũng chưa đầy đủ và ít các nguồn thông tin đáng tin cậy.
Thứ hai, ranh giới giữa tín ngưỡng và mê tín rất gần nhau và làm cho con người đôi khi đi chệch. Chính sự thiếu hiểu biết cộng với sự tác động và tuyên truyền sai trái từ những người trục lợi có thể đẩy người bệnh vào việc bị lợi dụng từ những người giả danh tôn giáo, giả danh bác sỹ cứu người.
'Anh Phong có phát ngôn cá nhân thật, nhưng khi khoác áo bờ lu vào thì chúng ta đã là một đại diện cho ngành rồi. Lúc đấy, chúng ta phát ngôn với bệnh nhân không phải là câu chuyện của phật tử Phong nói. Người ta sẽ nói là bác sĩ Phong khuyên tôi như thế', TS Trương Hồng Sơn chia sẻ. |
- Thay vì đến bệnh viện chữa bệnh, nhiều người tìm đến thế giới tâm linh để chữa bệnh. Liệu có phải người dân đang không còn đặt hi vọng vào ngành y tế hiện đại không, thưa ông?
Chúng tôi không nghĩ như vậy.
Ngành y tế Việt Nam rõ ràng đã có những tiến bộ rất đáng kể trong thời gian qua và đó là một sự thực cần ghi nhận. Nhiều phương pháp điều trị hiện đại, tiên tiến đã được cập nhật và chất lượng điều trị y tế ở nước ta là cao hơn so với các nước có cùng thu thập.
Về lòng tin của người dân thì chúng ta nên nhìn từ nhiều phía, sự quan tâm của người dân đến vấn đề sức khỏe là rất chính đáng. Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, chúng tôi khuyến nghị người dân nên chọn lọc kênh thông tin về sức khỏe uy tín, từ những cơ sở y tế uy tín và người phát ngôn đáng tin cậy. Tránh những thông tin mang tính đồn đoán, không có cơ sở khoa học.
Từ những vụ việc như sinh con thuận tự nhiên, từ chối tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em đã để lại những hậu quả nặng nề. Tôi cho rằng người dân khi đọc thông tin hãy cố gắng lựa chọn những thông tin đúng đắn và nghe những lời khuyên từ những cán bộ y tế.
Các bác sỹ là những người chịu trách nhiệm chính trong quá trình điều trị, họ luôn luôn đưa ra các giải pháp tốt nhất cho bệnh nhân. Không có bác sỹ nào muốn làm hại bệnh nhân và chúng ta hãy tin tưởng vào những người được giao phó sứ mạng cao cả này.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!