Tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú ở Việt Nam tương đương với Singapore
Ung thư vú không còn lá ác mộng với nữ giới
Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” của GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương và các cộng sự mở ra một cánh cửa tươi mới cho bệnh nhân ung thư vú.
Nhờ ứng dụng nhiều kĩ thuật mới trong chẩn đoán, điều trị, tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đạt 75%, ngang với Singapore.
Ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lên công bố công trình đạt Nhất giải Y dược năm nay cho cụm công trình khoa học “Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh ung thư vú” của tác giả GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K., Viện trưởng Viện ung thư Quốc gia và cộng sự.
Ung thư vú là căn bệnh ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Theo thống kê, mỗi năm ở nước ta có 164.671 số ca mắc mới ung thư, trong đó ung thư vú là 15.229 ca (chiếm tỷ lệ 9,2%).
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cùng ông Phan Xuân Dũng trao giải Nhất, lĩnh vực Y Dược cho các tác giả tối 20/11. Ảnh Công Lý.
"Trình độ, tay nghề của bác sĩ Việt Nam nói chung, trong lĩnh vực điều trị ung thư nói riêng ngày càng được khẳng định, thể hiện ở tỉ lệ chữa khỏi bệnh ung thư ngày càng tăng lên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng áp dụng các máy móc, trang thiết bị, thuốc men ngang tầm các nước. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng vào tay nghề điều trị của bác sĩ trong nước", GS Thuấn chia sẻ.
Đề tài “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú” do GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đức, PGS.TS Bùi Diệu, PGS.TS Tạ Văn Tờ, TS Nguyễn Văn Định, TS Lê Thanh Đức, TS Lê Hồng Quang, TS Phùng Thị Huyền, TS Đỗ Doãn Thuận, BS Đặng Thế Căn, BS Tô Anh Dũng, PGS.TS Trần Thanh Hương, Ths Nguyễn Hoài Nga và cộng sự thực hiện.
Tại Việt Nam, ung thư vú là loại ung thư phổ biến hàng đầu ở nữ giới với tỷ lệ mắc mới chuẩn hóa theo tuổi (ASR) vào năm 2013 là 24,4/100.000 dân (ước tính của GLOBOCAN năm 2018 là 26,4/100.000 dân).
Sàng lọc quan trọng hàng đầu trong phòng chống ung thư vú
Chia sẻ về công trình, GS Thuấn cho biết: Bình thường nếu không có biện pháp điều trị đích, không có phương pháp chẩn đoán gene, tỉ lệ sống thêm của người bệnh có gene dương tính dưới 50%. Nhưng nay, các kĩ thuật mới này đã "lội ngược dòng" một cách ngoạn mục, với tỉ lệ chữa khỏi ung thư vú tại Bệnh viện K là 75%, tương đương như tại Singapore.
Ngoài việc điều trị nâng cao tỷ lệ chữa khỏi và giảm tỷ lệ tử vong, cụm công trình cũng chỉ ra rằng chất lượng cuộc sống của bệnh nhân ung thư vú cũng cần phải được quan tâm, thậm chí kể từ khi chẩn đoán bệnh.
Để nâng cao chất lượng sống và khả năng tái hòa nhập cộng đồng cho người bệnh, đề tài cũng xây dựng phác đồ hóa chất bổ trợ trước kết hợp với chỉ định phẫu thuật bảo tồn cùng với các phương pháp phẫu thuật tạo hình mới với thời gian tiến hành ngắn, khá an toàn, ít tai biến, và mang lại tính thẩm mỹ cao và đa số bệnh nhân hài lòng với kết quả điều trị…
GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc BV K Trung ương. Ảnh H.H.
GS Thuấn cũng thông tin thêm, xu hướng mắc bệnh ung thư vú ngày một gia tăng, ví dụ năm 2000, thống kê khi đó 100.000 phụ nữ mới có khoảng 18 người mới mắc thì đến năm 2010 con số này đã lên tới 30 người, tức là đã tăng lên gần gấp đôi sau 10 năm.
Đặc biệt bệnh ung thư vú ở nước ta ghi nhận ngày càng trẻ hoá. Tại Bệnh viện K Trung ương đã điều trị cho không ít những cô gái chỉ ở tuổi 20, 21 đã bị ung thư vú. Cái khó nhất là chưa thể xác định được nguyên nhân trẻ hoá độ tuổi mắc bệnh. Ước tính đến năm 2020, chỉ tính riêng ung thư vú thì số trường hợp mới mắc lên khoảng 23.000 ca.
Theo GS Thuấn, với ung thư vú nếu phát hiện ở giai đoạn sớm tỉ lệ chữa khỏi đến 95%. Tuy nhiên tại Việt Nam, vẫn có đến 50% bệnh nhân ung thư vú đến viện ở giai đoạn muộn.
Trong khi đó, việc tầm soát, sàng lọc có ý nghĩa vô cùng quan trọng với phát hiện sớm ung thư vú. Trong giai đoạn 2008-2010, qua sàng lọc 70.980 phụ nữ tại 7 tỉnh/thành phố, tỷ lệ phát hiện ung thư vú qua sàng lọc là 59,2/100.000 phụ nữ là khá cao, cho thấy hiệu quả khi triển khai các chương trình này tại cộng đồng.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, phụ nữ nên hình thành thói quen tự khám ngực đều đặn mỗi tháng một lần, tốt nhất khám sau kỳ kinh nguyệt và tiếp tục kiểm tra đều đặn cả sau khi mãn kinh. Nếu khi tự khám sờ thấy khối u hay phát hiện sự thay đổi của vú, nên đến bác sĩ để kiểm tra. Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên nên khám sàng lọc, siêu âm vú, nếu nghi ngờ ác tính sẽ chụp nhũ ảnh.
V.H (t/h)