Từ hình phạt sám hối với ĐĐ. Thích Trúc Thái Minh, thế nào là sám hối trong đạo Phật?
Đại đức Thích Trúc Thái Minh. |
Hình phạt sám hối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh
Về sự việc chùa Ba Vàng tổ chức thỉnh vong, giải nghiệp để thu tiền gây xôn xao, bức xúc dư luận, chiều 26/3, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra thông báo và quyết định đối với Đại đức Thích Trúc Thái Minh.
Theo kết luận của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại đức Thích Trúc Thái Minh và chùa Ba Vàng đã vi phạm Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, làm tổn thương đến thanh danh Giáo hội, đến Tăng đoàn.
Do đó, Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ngay lập tức ra quyết định tạm đình chỉ tất cả các chức vụ trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong khi chờ Hội nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ra quyết định cách chức theo đúng quy trình quy định tại Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI.
Ngoài ra, Đại đức Thích Trúc Thái Minh phải sám hối Đại Tăng. Vậy sám hối trong đạo Phật có ý nghĩa như thế nào?
Sám hối là gì?
Trong tiếng Phạn, “sám” gọi là “Samma”, dịch theo tiếng Tàu là “Hối quả”. Trong Kinh Pháp Bảo Đàn nói: “Sám giả Sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối Kỳ hậu quá”, nghĩa là: “Sám là ăn năn lỗi trước, còn Hối là chừa bỏ lỗi sau”. Nếu dùng một chữ Sám hay một chữ Hối không thì chưa đủ ý nghĩa, nên các Tổ xưa ghép hai chữ lại thành danh từ “Sám hối”, dịch theo tiếng Việt là “ăn năn chừa lỗi”.
Như vậy, sám hối hiểu đơn giản là xin lỗi, nhưng hàm ý sâu xa hơn. Sám hối trong đạo Phật đúng nghĩa là ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm trong quá khứ, tìm ra nguyên nhân để sửa chữa lỗi lầm đó và nguyện sẽ không bao giờ tái phạm. Nếu đã biết lỗi nhưng sau này vẫn làm điều ác, thì ý nghĩa của sám hối đã mất đi.
Trong đạo Phật, có cách để tẩy trừ những tội lỗi, gọi là sám hối. (Ảnh: Typesofreligion) |
Tại sao phải sám hối?
Đức Phật dạy: “Tất cả chúng sanh trong sáu cõi (Trời, Thần, Người, Ngạ quỷ, Súc sinh, Địa ngục) không loài nào hoàn toàn trong sạch, không giống nào dứt hết tội lỗi”.
Người ta thường nói “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”; vậy thì ở trong bụi tất phải lấm bụi. Cõi đời là cõi trần, thì làm sao trong sạch được.
Trong Kinh Lăng Nghiêm, đức Phổ Hiền Bồ Tát nói: “Nếu tội lỗi của chúng sanh có hình tướng, tất cả hư không cũng không chứa hết”; tội lỗi gây ra bởi chúng sanh từ vô thủy đến nay biết bao nhiêu, kể sao cho xiết.
Con người với lòng “tham-sân-si” thường có xu hướng trở nên xấu đi. Lòng tham, sự đố kỵ, tính nhỏ nhen, ích kỷ khởi nguồn từ suy nghĩ, lan ra thành hành động, và khi ấy con người dễ có những hành vi tội lỗi. Con người muốn được trong sạch, thảnh thơi, muốn trút bỏ mọi tội lỗi, ắt sẽ tìm cách tẩy trừ cho hết bụi bặm. Trong đạo Phật, có cách để tẩy trừ những tội lỗi, gọi là sám hối.
Ý nghĩa sám hối trong đạo Phật
Đức Phật nói “Ý dẫn đầu các pháp” nên “Tội từ tâm sanh, tội từ tâm diệt”. Câu này có thể hiểu là ý thức quyết định hành động, những tội lỗi đều do thân, khẩu, ý gây tạo.
Xét về tội lỗi của con người, đạo Phật có cách nhìn xa hơn là những tội nghiệp gây tạo thường không phải từ đời này mà nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ. Nên con người luôn mãi luân hồi trong sanh tử để trả lại những tội nghiệp đã tạo lấy theo quy luật nhân quả. Do đó, là một người có đạo đức nói chung và là người phật Tử hiểu đạo nói riêng, sám hối là điều tất nhiên phải thực hiện.
Trong Phật giáo, chỉ có sám hối mới dứt trừ được tội lỗi, do sự cải ác, tùng thiện làm cốt yếu. (Ảnh: Chuaadida) |
Sám hối mang lại lợi ích gì?
Trong Phật giáo, chỉ có sám hối mới dứt trừ được tội lỗi, do sự cải ác, tùng thiện làm cốt yếu.
Phật giáo cho rằng nếu thực hành đúng đắn và tôn nghiêm các pháp sám hối sẽ đem lại những lợi ích sau:
- Làm phát triển lòng thành thật.
- Trau dồi đức tính cương quyết trong diệt trừ tính xấu.
- Dứt được tội, sanh phước.
- Mau thắng đến chỗ giải thoát an vui.
Như vậy nhờ pháp sám hối của Ðạo Phật, con người có thể cải hóa lòng mình tốt đẹp hơn, có thể làm cho đời sống cá nhân được hạnh phúc, và đời sống xã hội được hòa bình, an lạc.
Sám hối có xóa được hết tội?
Đạo Phật cho rằng sám hối đúng pháp sẽ hết nghiệp nhân xấu và sẽ làm tiêu và nhẹ nghiệp quả xấu rất nhiều. Nghĩa là khi nhận rõ được các lỗi lầm đã tạo ra nhờ trí tuệ Phật pháp soi rọi mà nguyện từ bỏ việc ác mãi mãi thì từ đây tội lỗi không còn bị chồng chất lên nữa và những tội lỗi xưa nhờ đó mà nó được nhẹ bớt.
XEM THÊM
Nhiều trang thông tin của chùa Ba Vàng đã dừng hoạt động Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chùa Ba Vàng dừng các website của chùa như: chuabavang.com.vn; thaythichtructhaiminh.com và phamthiyen.com ... |
Thượng toạ Thích Thanh Quyết: Trụ trì chùa Ba Vàng mới tu nên thể hiện theo kiểu "nhảy cóc" "Thật ra tính thầy Thái Minh lạ, thầy xuất gia muộn, học hành Phật pháp chưa có gì bài bản..., thể hiện theo kiểu nhảy ... |
Chùa Ba Vàng 'không thông báo dừng gọi vong' "Thời điểm này chúng tôi đang nghe ngóng, chờ kết luận của cơ quan quản lý, không có chuyện thông báo ngừng thỉnh oan gia ... |