TS. Vũ Thu Hương: "Rèn đạo đức cho con quan trọng hơn việc học năng khiếu"
Quỳ không chết, con hư mới chết! Nếu có ngày con bạn hâm mộ Khá Bảnh Sự hâm mộ lệch chuẩn |
Kỳ nghỉ hè bắt đầu cũng là lúc phụ huynh tìm các lớp học năng khiếu cho con. Tại các thành phố lớn, khái niệm học năng khiếu không phải điều gì quá xa lạ. Việc trẻ 5-6 tuổi học vẽ, học đàn piano hay một bộ môn nghệ thuật nào đó không còn là xu hướng mà trở thành một thông lệ. Đó cũng là hoạt động hợp lý vì sau một năm học vất vả, mệt nhọc, trẻ được tham gia hoạt động khác, thoải mái và tự do hơn. Tuy nhiên làm thế nào để việc học năng khiếu đạt hiệu quả, nên cho con học năng khiếu vào thời điểm nào, thì chắc hẳn nhiều bố mẹ chưa rõ. Những tư vấn của TS. Vũ Thu Hương (Đại học Sư Phạm Hà Nội) sau đây sẽ giúp phụ huynh đưa ra được quyết định đúng đắn trong chuyện cho con học năng khiếu vào dịp hè.
TS. Vũ Thu Hương. |
- Bên cạnh những lợi ích của việc học năng khiếu, phụ huynh cần cân nhắc những điểm tiêu cực gì thưa TS. Vũ Thu Hương?
Lợi ích thì có rất nhiều và chúng ta cũng đã biết. Ngoài các hoạt động học tập văn hóa, trẻ cần biết thêm nhiều về nghệ thuật và cuộc sống. Các lớp năng khiếu sẽ là một kênh quan trọng đưa các con đến với nghệ thuật.
Tuy nhiên, điều này có thể tạo điều kiện cho bệnh thành tích phát triển. Các bố mẹ khi cho con tham gia các lớp năng khiếu cũng sẽ dễ rơi vào tình trạng ham hố giải thưởng và bắt ép con tập luyện đêm ngày. Khi đó cuộc dạo chơi nghệ thuật của các cháu sẽ biến thành nỗi ám ảnh kinh hoàng. Có không ít trẻ đã gục khóc trên các phím đàn, hoặc trầm cảm vì nỗi ám ảnh mang tên năng khiếu.
Ngoài ra, những thành tích từ hoạt động năng khiếu đôi khi cũng là lý do để trẻ gặp các vấn đề về tính cách. Nghĩ mình giỏi giang, xuất chúng, trẻ sẽ dễ rơi vào trạng thái chủ quan, coi thường tất cả, vênh váo, ghê gớm, bắt nạt bố mẹ, đòi hỏi và ăn vạ khi bố mẹ không đáp ứng.
Đã có rất nhiều cháu ra điều kiện với cha mẹ nếu không sẽ không tham gia các giải đấu hoặc không tập luyện nữa.
- Là người không ủng hộ việc cho trẻ học chữ sớm, vậy việc cho trẻ học năng khiếu sớm theo chị có nên không?
Đây là việc bình thường và nó sẽ có ích lợi nếu chúng ta thực hiện vừa độ và theo đúng tâm sinh lý trẻ. Với trẻ quá bé thì việc tập luyện sẽ là áp lực. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn quá mới tập thì hiệu quả sẽ kém hơn. Vì thế, việc tập luyện nên tiến hành cùng lúc với tuổi đi học. Các con sẽ được làm quen dần với những môn năng khiếu đúng lúc các con vừa cảm nhận được trách nhiệm của cá nhân mình.
"Rèn đạo đức vẫn là mục tiêu quan trọng nhất trong giáo dục trẻ". (Ảnh minh họa.) |
- Với chị, trong quá trình nuôi dạy con, điều gì quan trọng hơn cả việc học năng khiếu?
Tôi cho rằng đó là trách nhiệm của bản thân và sự kiên trì. Tuổi nhỏ là lúc các con phải học vô cùng nhiều thứ từ chữ nghĩa, văn hóa, tập luyện thể thao, năng khiếu đến kĩ năng và đủ thứ khác. Nếu các con không có trách nhiệm và kiên trì, mọi việc khó có thể hoàn thành. Rèn tính cách và đạo đức cho con vẫn là mục tiêu cao nhất trong giáo dục trẻ.
- Chị có cho con mình theo học bộ môn năng khiếu cụ thể nào không?
Con tôi đã lớn. Ngày con nhỏ, tôi cho con thử mọi thứ và cuối cùng, con chọn piano là món năng khiếu để theo đuổi đến cùng. Khi con xin nghỉ học năng khiếu hát, tôi đã nói: đó là cơ hội duy nhất. Nếu con nghỉ, mẹ sẽ không bao giờ cho con quay lại học nữa. Con tôi đồng ý.
Khi con đòi quay trở lại, tôi đã thực hiện đúng lời tuyên bố, không đồng ý cho con quay lại. Con đã khóc rất nhiều nhưng không lay chuyển được mẹ. Từ đó con học đàn piano rất trách nhiệm và kiên trì vì sợ mẹ cắt nốt món năng khiếu đó.
Rõ ràng cuối cùng mục đích lớn nhất của tôi vẫn là rèn cho con cách sống và làm việc trách nhiệm, kiên trì. Và tôi đã thành công.
- Vậy việc rèn tính cách, đạo đức cho trẻ từ những điều căn bản nhất, phụ huynh nên bắt đầu từ đâu?
Hàng ngày tôi làm việc, tiếp xúc với rất nhiều học sinh và nhận ra việc trẻ chưa biết cách ứng xử theo chuẩn mực xảy ra khá thường xuyên. Ví dụ như nói trống không với người lớn, ngang nhiên đi qua trước mặt người khác hoặc tự tiện sử dụng đồ của người khác mà không xin phép. Có những điều căn bản mà bố mẹ nên dạy con đó là.
1. Nói đủ chủ vị. Tôi từng tiếp xúc với những bạn lớn, đã 15–17 tuổi nhưng nói chuyện trống không với người lớn, thái độ khệnh khạng, lời lẽ cộc lốc, không kính ngữ, còn cao giọng. Gặp trường hợp đó, tôi nói ngay: “Con kém bác đến hơn 30 tuổi mà bác vẫn nói chuyện đủ chủ vị với con, còn con thì sao?”
2. Ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Có bao giờ bố mẹ quan sát nếp ăn của con mình và thấy giật mình chưa. Cứ quan sát mà xem, sẽ thấy một tỉ lệ không nhỏ các bạn vào mâm là trút cả đĩa vào bát mình, còn tranh giành đồ ăn với nhau.
3. Không đi trước mặt người khác. Đây cũng là điều bố mẹ cần rèn cho trẻ ngay từ bé. Có lần tôi đến một nhà chơi. Nhà có một bạn học lớp 3 và một bạn học lớp 5. Cũng có thể gọi là lớn. Tôi cùng bố mẹ hai bạn đó ngồi uống nước nói chuyện trên sàn nhà. Vậy mà hai bạn đó thản nhiên đuổi nhau chạy qua trước mặt người lớn, đạp cả lên mấy cốc nước làm đổ lênh láng. Tôi nghĩ nhiều người cũng từng gặp cảnh tương tự.
4. Vào mâm phải mời cơm. Ở trường chắc chắn các con được dạy mời cơm trong giờ ăn bán trú. Vậy sao tỉ lệ trẻ không mời cơm vẫn cao đến thế? Bố mẹ nên chú ý dạy con từ những điều nhỏ nhặt. Việc này cũng khá đơn giản nếu bố mẹ luôn làm gương cho trẻ.
5. Đi nhẹ, nói khẽ. Đi đứng không chen lấn xô đẩy. Cứ chỗ nào lách được là lách, xô đổ người khác để đi, phong cách này có lẽ các bố mẹ đã quá quen. Ngồi chềnh ềnh giữa lối đi, bày đồ đạc khắp nơi, có lẽ cũng là điều các bố mẹ gặp ở từ người lớn đến trẻ nhỏ tại Việt Nam.
6. Không lấy đồ của người khác. Các bố mẹ có mắng phạt con khi con thản nhiên lấy đồ của bố mẹ không hay các bạn coi thế là bình thường.
Trung bình 1 năm, tôi trợ giúp các mẹ xử trí vụ con ăn trộm lên đến 20 - 30 bạn. Cũng có nhà chỉ đánh cho con 1 trận rồi thôi. Nếu đồ dùng từng người trong gia đình không được tôn trọng, không động vào đồ nếu không hỏi trước, thì việc con lấy trộm đồ chỉ là việc nay mai.
Đừng nghĩ con mình còn nhỏ không biết gì. Vì con không biết mới cần phải dạy. Dạy sớm con sẽ biết sớm.
- Xin cảm ơn tiến sỹ!
Xem thêm:
7 dấu hiệu con bạn có thể bị rối loạn tâm thần trong tương lai Trang BrightSide chỉ ra 7 dấu hiệu phát hiện sớm con bạn có thể là người rối loạn nhân cách (rối loạn tâm thần) trong ... |
10 vấn đề trái khoáy trong cách nuôi dạy trẻ ở Việt Nam Nuôi con như nuôi heo, dạy con như dạy thú, coi con cái là trang sức của bố mẹ là những vấn đề trái khoáy ... |
"Nếu con thi không đỗ thì cũng không sao đâu" Nếu chẳng may con thi không đỗ, thì chắc chắn tôi sẽ không sao đâu. Và con tôi chắc chắn cũng không sao đâu. |