Trang bị kỹ năng để nông dân sản xuất nhỏ ở ĐBSCL vững vàng trước biến đổi khí hậu
Khu vực ĐBSCL, mái nhà của khoảng 19 triệu dân cư, chiếm khoảng 21% dân số Việt Nam, là nơi cung cấp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu và hơn 60% sản lượng thủy sản của cả nước.
Đầu năm 2020, khu vực này hứng chịu một đợt hạn hán và xâm nhập mặn tồi tệ nhất trong lịch sử, vượt qua cả đợt hạn do El-Nino gây ra vào năm 2016. Theo số liệu quan trắc, tại khu vực cách cửa sông khoảng 68km vào đất liền, độ mặn đạt khoảng 4‰, vượt quá ngưỡng cho phép canh tác của hầu hết các giống lúa. Nhiều tỉnh thành đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt, còn người nông dân “nuốt nước mắt” đứng nhìn những cánh đồng của mình chết dần chết mòn.
Đầu năm 2020, ĐBSCL hứng chịu một đợt hạn hán và xâm nhập mặn tồi tệ nhất trong lịch sử. (Ảnh: Oxfam Việt Nam)
Để giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt, dự án Tăng cường Bình đẳng giới và Đầu tư kinh doanh Nông nghiệp có Trách nhiệm ở Đông Nam Á (GRAISEA) đã được triển khai trên địa bàn năm tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm: An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Dự án tập trung rất nhiều vào xây dựng khả năng chống chịu và phục hồi cho các hộ sản xuất nhỏ. Tuân theo các tiêu chuẩn và thực hành sản xuất bền vững (như SRP, ASC, và tiêu chuẩn Hữu cơ), người nông dân được đào tạo để sử dụng ít nguyên liệu đầu vào hơn nhưng đem lại lợi nhuận cao hơn. Giảm bớt sự lệ thuộc vào nguyên liệu giúp tăng sức chống chịu dài hạn của nông dân trước tình trạng biến đổi khí hậu. Nông dân cũng được làm quen và thích nghi với các điều kiện canh tác khắc nghiệt như khan hiếm nước và tài nguyên.
Một trong những can thiệp chính của GRAISEA là tiến hành lập kế hoạch Đánh giá rủi ro và tính dễ bị tổn thương cùng hợp tác xã và doanh nghiệp. Hoạt động này không chỉ nâng cao nhận thức cho họ về những biến động của khí hậu, mà còn giúp những hộ sản xuất nhỏ xây dựng các kịch bản rủi ro và kế hoạch ứng phó. Cụ thể, nông dân sẽ lấy đợt hạn hán lịch sử năm 2015 – 2016 làm mốc để xác định những thửa ruộng và vuông tôm có khả năng bị ảnh hưởng, từ đó điều chỉnh việc gieo trồng và thả tôm. Năm 2020, người nuôi tôm ở Cà Mau chỉ thả 38% lượng tôm giống so với năm ngoái. Tiết chế nguyên liệu đầu vào, giảm thiểu hết mức rủi ro và hạn chế tối đa thiệt hại.
Người nuôi tôm thâm canh cũng chuyển đổi một số ao nuôi của mình sang hình thức quảng canh tạm thời. Mặc dù doanh thu chỉ bằng 30% so với một mùa thâm canh bội thu, các ao nuôi quảng canh không cần đầu tư nhiều mà vẫn tạo ra nguồn thu cho người nông dân, khi chẳng may những ao nuôi thâm canh gặp rủi ro.
Bên cạnh đó, thông qua dự án, nông dân khu vực ĐBSCL đã học cách đa dạng hóa sinh kế và nguồn thu nhập của mình. Đối với những mẻ tôm thu hoạch không đáp ứng chất lượng để xuất khẩu, họ sẽ làm tôm khô hoặc bánh phồng tôm. Kể cả khi thị trường đang ổn định, các hộ vẫn nuôi thả thêm cua để đề phòng bất trắc. Trong những mô hình thành công điển hình, một số loài tôm được nuôi thả đồng thời, phục vụ cả thị trường trong nước và quốc tế.
GRAISEA đã tư vấn và hỗ trợ người sản xuất nhỏ thực hiện các sáng kiến kinh doanh nhằm đa dạng hóa sinh kế và bán thêm các mặt hàng giá trị gia tăng. Dự án cũng ủng hộ các sáng kiến do phụ nữ lãnh đạo, vừa nâng cao vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng, vừa là cơ hội để họ trang trải thu nhập cho gia đình.
Ngoài ra, GRAISEA hưởng ứng việc thành lập quỹ dự phòng rủi ro với sự đóng góp chung từ các Hợp tác xã và doanh nghiệp đối tác. Quỹ tiến hành hỗ trợ những người sản xuất nhỏ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do khủng hoảng, chủ yếu là phụ nữ đơn thân hoặc những gia đình có phụ nữ là trụ cột kinh tế. Những hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính sẽ giúp họ phục hồi nhanh hơn khi nền kinh tế bước vào giai đoạn bình thường mới.
Đầu năm 2020, ĐBSCL hứng chịu một đợt hạn hán và xâm nhập mặn tồi tệ nhất trong lịch sử. (Ảnh: Oxfam Việt Nam)
Trải qua 5 năm triển khai (2018 – 2023), thông qua những hoạt đông thiết thực, dự án đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân sản xuất nhỏ trên địa bàn các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Nhờ có dự án, 4.468 người sản xuất nhỏ (với hơn 55% phụ nữ) có thu nhập và vị thế tốt hơn trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. 58 Hợp tác xã sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và quản trị…
Thông qua dự án có thể thấy việc khuyến khích các mô hình sản xuất linh hoạt và đa dạng có thể giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó là giúp người nông dân chủ động và linh hoạt hơn trong việc đa dạng hóa sinh kế và nguồn thu nhập của mình.