Tin tức trong ngày 1/3 mới nhất: Nhân viên gác chắn cứu tàu hỏa khỏi tai nạn, TP.HCM muốn lập bệnh viện dã chiến gần sân bay Tân Sơn Nhất, loạt chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3.
Nhân viên gác chắn cứu tàu khỏi tai nạn
|
Nhân viên Dương Văn Kiên ngăn cho đoàn tàu AH 1 dừng lại. (Ảnh: Cắt từ clip) |
Khoảng hơn 10h ngày 29/2, nhân viên đường sắt Dương Văn Kiên gác chắn tại km 273 + 620 thuộc cung đường sắt chợ Sy (huyện Diễn Châu, Nghệ An) đang thao tác đóng chắn để đón đoàn tàu hàng AH 1 chạy hướng bắc - nam.
Cùng lúc đó, chiếc ôtô tải đầu kéo mang biển số Nghệ An do tài xế Phạm Đình Tuân (31 tuổi, trú huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) điều khiển vượt qua, bất ngờ mắc kẹt trên đường ngang.
Lo sợ tàu đâm ngang ôtô tải sẽ gây tai nạn nghiêm trọng, anh Kiên nhanh trí chạy lên đường sắt hướng đoàn tàu đang lao tới để ra tín hiệu. Lái tàu đã kịp phanh dừng cách vị trí xe mắc kẹt khoảng 70 mét.
Ông Cao Tiến Hùng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên (MTV) Quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh cho hay anh Dương Văn Kiên là nhân viên gác chắn của công ty từng nhiều lần được tuyên dương vì có hành động dũng cảm trong việc cứu đường sắt và các đoàn tàu.
TP.HCM muốn lập bệnh viện dã chiến gần sân bay Tân Sơn Nhất
Tại buổi họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều 29/2, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đã đề nghị Bộ Tư lệnh TP.HCM phối hợp với Quân khu 7 và Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lập bệnh viện dã chiến gần sân bay.
Ông Phong cho rằng bệnh viện dã chiến này sẽ giúp TP.HCM chủ động hơn trong việc đón và kiểm dịch y tế đối với hành khách nhập cảnh trong dịch Covid-19.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết việc tiếp nhận và bàn giao người di chuyển từ vùng có dịch Covid-19 từ khâu làm thủ tục đến kiểm tra, cách ly y tế tốn nhiều giờ. Trong thời gian chờ các địa phương khác tới tiếp nhận người dân, TP.HCM cần một vị trí để người nhập cảnh lưu trú.
"Chúng ta không thể để họ lang thang trong sân bay. Sau khi xây dựng xong, người nhập cảnh sẽ được đưa về bệnh viện dã chiến trong lúc chờ địa phương tiếp nhận hoặc làm các bước kiểm dịch, giám sát", ông Nguyễn Thành Phong nói.
Nhiều chính sách có hiệu lực từ tháng 3
|
Hộ chiếu của công dân Việt Nam ghi thông tin Quốc tịch. (Ảnh: Phương Sơn/ VNE) |
Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng,thanh tra giao thông nhận tiền của người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc; người muốn giữ hai quốc tịch phải đủ 5 điều kiện... là chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 3.
Người bán dâm hoàn lương được vay 20 triệu đồng
Có hiệu lực từ 1/3, quyết định 02/2020 của Thủ tướng tiếp tục việc thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... tại 15 tỉnh, thành phố (Đắk Lắk; Hải Phòng; Thanh Hóa; TP HCM, Nghệ An, Điện Biên, Hà Nội, Bạc Liêu, Sơn La...) đến hết 31/12.
Theo quy định này, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy... được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo; lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.
Người có hai quốc tịch phải đủ 5 điều kiện
Nghị định 16/2020 quy định chi tiết một số điều và thi hành Luật Quốc tịch có hiệu lực từ 20/3, quy định người xin nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải thôi quốc tịch nước ngoài cần hội tụ đủ 5 điều kiện.
Đầu tiên là có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; người xin nhập quốc tịch phải có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc và việc nhập quốc tịch đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Việt Nam.
Ngoài ra, việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước ngoài liên quan; việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng; không sử dụng quốc tịch nước ngoài để gây phương hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân; xâm hại an ninh, lợi ích quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Thanh tra giao thông nhận tiền của người vi phạm sẽ bị buộc thôi việc
Nghị định 19/2020 có hiệu lực từ ngày 31/3 quy định về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, lần đầu tiên đưa ra các mức kỷ luật cụ thể với vi phạm của cán bộ, công chức.
Theo đó, nghị định này quy định hình thức buộc thôi việc với cán bộ, công chức có thẩm quyền đưa ra quyết định xử phạt hành chính (như thanh tra gia thông, quản lý thị trường)... khi vi phạm các hành vi: Giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính, hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính; chống đối, cản trở người làm nhiệm vụ kiểm tra, đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra, đoàn kiểm tra, gây khó khăn cho hoạt động kiểm tra;
Cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử lý vi phạm hành chính... cũng bị buộc thôi việc.
Tin tức trong ngày 29/2 mới nhất: Giám đốc BV gom khẩu trang bán nói 'chỉ muốn làm từ thiện' Tin tức trong ngày 29/2 mới nhất có những tin đáng chú ý như: Giám đốc bệnh viện gom khẩu trang bán nói 'chỉ muốn làm ... |
Tin tức trong ngày 28/2 mới nhất: 'Nghiên cứu phương án cách ly khu phố khi có dịch' Tin tức trong ngày 28/2 mới nhất có những tin đáng chú ý như: "Nghiên cứu phương án cách ly khu phố khi có dịch"; ... |
Tin tức trong ngày 27/2 mới nhất: Các chuyến bay từ vùng dịch của Hàn Quốc sẽ hạ cánh tại Vân Đồn, Phù Cát và Cần Thơ Tin tức trong ngày 27/2 mới nhất có những tin đáng chú ý như các chuyến bay từ vùng dịch của Hàn Quốc sẽ hạ ... |