Tin tức pháp luật nóng nhất trong ngày: Điều tra vụ 19 sổ đỏ "biến mất bí ẩn" tại quận Sơn Trà
Tin tức pháp luật nóng nhất sáng 27/8: Đã bắt được đối tượng bắn gục đôi nam nữ trên phố Thái Nguyên |
Tin tức pháp luật nóng nhất trong ngày: Nữ giám đốc xinh đẹp giết người tình trẻ vì đòi chia tay |
Điều tra vụ 19 sổ đỏ 'biến mất' tại quận Sơn Trà
Trung tâm hành chính quận Sơn Trà – nơi 19 bản chính GCNQSDĐ “biến mất". Ảnh: Công an Đà Nẵng |
Liên quan đến vụ nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) quận Sơn Trà tự ý “cho mượn” 22 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), chiều 27/8, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cho biết Sở này đã lập Đoàn Thanh tra (do giám đốc Sở Tô Văn Hùng làm Trưởng đoàn); thanh tra toàn diện các hoạt động tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ đai quận Sơn Trà.
Trước đó, vào ngày 26/8, Sở TN&MT Đà Nẵng nhận được báo cáo (số 249/BCVPĐKĐĐ) của Văn phòng ĐKĐĐ Đà Nẵng (địa chỉ tại số 24 đường Hồ Nguyên Trừng, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu) về việc bà Dương Thị Ngọc Anh (41 tuổi, nhân viên Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà) tự ý giao 22 sổ đỏ trong hồ sơ của công dân nộp tại Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Sơn Trà (không phải 19 sổ đỏ như thông tin ban đầu) cho bà Đào Thị Như Lệ (41 tuổi).
Cùng với việc khẩn cấp lập Đoàn Thanh tra, Sở TN&MT Đà Nẵng cũng có văn bản gửi Công an TP này, đề nghị điều tra, thu hồi 22 sổ đỏ của công dân bị chiếm giữ bất hợp pháp.
Như tin đã đưa, chiều 27/8, đại diện lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) TP Đà Nẵng cho biết, cơ quan này đã nhận báo của Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà về vụ việc nhân viên chi nhánh này tự lý lấy hàng chục sổ đỏ trong kho, đem cho mượn! Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng nên cùng với chỉ đạo Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà thực hiện các biện pháp hành chính đối với cán bộ, viên chức sai phạm; Văn phòng ĐKĐĐ Đà Nẵng cũng yêu cầu chuyển hồ sơ sang Công an.
Theo báo cáo của Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà gửi UBND quận và Văn phòng ĐKĐĐ Đà Nẵng: Trong quá trình kiểm tra định kỳ xử lý thủ tục hành chính về đất đai; cơ quan này phát hiện 19 hồ sơ gốc quá hạn (6 hồ sơ đất đai đã được công dân thực hiện nghĩa vụ thuế), tuy nhiên 19 bộ hồ sơ nói trên đều thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Bà Dương Thị Ngọc Anh, nhân viên Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà bước đầu thừa nhận, tự ý lấy 19 sổ đỏ trong kho cho bà Đào Thị Như Lệ mượn từ 1 tháng trước để bà này chứng minh điều kiện kinh doanh với đối tác và ngân hàng.
Thời gian hoàn trả sổ đỏ được bà Lệ Cam kết chậm nhất là 10 ngày nhưng đến ngày 18/8, khi bà Dương Thị Ngọc Anh phát hiện 19 sổ đỏ cho mượn được cò đất đăng tải rao bán trên mạng; gọi điện, nhắn tin cho bà Lệ thì không nhận được hồi âm. Bà Đào Thị Như Lệ cũng vắng mặt tại trụ sở doanh nghiệp của bà này từ chiều 14/8.
Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ quận Sơn Trà đã đình chỉ công tác đối với bà Dương Thị Ngọc Anh vào ngày 20/8.
“Nữ quái” làm giả sổ đỏ chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng
Bị cáo Trương Thị Thanh Thùy tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27-8. Ảnh: SGGP |
Ngày 27-8, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa bị cáo Trương Thị Thanh Thùy (sinh năm 1979, ở Đống Đa, Hà Nội) ra xét xử về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.
Sau một ngày xét xử và nghị án, căn cứ vào toàn bộ hồ sơ vụ án, các tình tiết liên quan cũng như diễn biến tại phiên tòa, hội đồng xét xử sơ thẩm Tòa án Nhân dân TP Hà Nội quyết định tuyên phạt bị cáo Trương Thị Thanh Thùy 12 năm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh này, nữ bị cáo này phải chấp hành là 15 năm tù.
Theo hồ sơ vụ án, khoảng đầu năm 2018, Trương Thị Thanh Thùy quen biết với anh Vũ Việt Dũng (ở Hà Nội) và có hỏi vay tiền của anh Dũng. Do số tiền vay không lớn, Thùy chỉ đặt cọc sổ hộ khẩu và giấy tờ xe máy cho anh Dũng.
Đến tháng 9-2018, Thùy nói với anh Dũng mình có 2 mảnh đất tại thị xã Sơn Tây, muốn bán cho anh Dũng. Anh Dũng đồng ý mua. Thùy đã đưa anh Dũng lên thị xã Sơn Tây để xem đất và được Thùy khẳng định 2 thửa đất bán cho anh Dũng là tài sản của mình.
Theo đó, ngày 6-9-2018, hai bên đã ký Hợp đồng đặt cọc và giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho anh Dũng tại Văn phòng công chứng Trần Toán. Giá chuyển nhượng là 1 tỷ đồng, thời gian thực hiện chuyển nhượng là 6 tháng, anh Dũng phải đặt cọc trước 500 triệu đồng. Sau đó, anh Dũng và Thùy tiếp tục ký hợp đồng chuyển nhượng một mảnh đất khác với giá 1 tỷ đồng, đặt cọc trước 500 triệu đồng.
Đến hạn không thấy Thùy thực hiện theo cam kết, ngày 8-7-2019, anh Dũng làm đơn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an TP Hà Nội tố cáo Trương Thị Thanh Thùy có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình.
Qua điều tra, cơ quan chức năng xác định, do muốn vay tiền nhưng không có tài sản để thế chấp nên Thùy đã nghĩ ra cách làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả (sổ đỏ) làm tài sản thế chấp ký hợp đồng đặt cọc để vay tiền.
Để thực hiện việc làm giả sổ đỏ, Thùy đã tìm hiểu trên mạng và liên hệ được người có tên là Tín (không rõ lai lịch, địa chỉ).
Từ năm 2017 đến tháng 9-2018, Thùy đã nhờ Tín làm giả 4 sổ đỏ, mỗi sổ đỏ giả có giá 15 triệu đồng. Sau khi nhận các sổ đỏ giả, Thùy đã sử dụng để ký Hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho anh Dũng và nhiều người khác tại văn phòng công chứng Trần Toán (thôn Hòa Lạc, Bình Yên, Thạch Thất, Hà Nội).
Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền Thùy chiếm đoạt của các bị hại là 740 triệu đồng.
Nguyên Chủ tịch Quỹ Tín dụng giả chữ ký, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng
Công an thi hành lệnh bắt tạm giam Trần Kim Lợi. Ảnh: Công an Trà Vinh |
Ngày 27-8, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Trà Vinh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Trần Kim Lợi (68 tuổi; ngụ khóm 3, thị trấn Cầu Quan, huyện Tiểu Cần) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo kết quả điều tra ban đầu, từ năm 2011-2012, Lợi là Chủ tịch HĐQT Quỹ Tín dụng nhân dân thị trấn Cầu Quan. Lợi dụng sự tin tưởng của ban điều hành quỹ tín dụng, Lợi tự ý sử dụng tên người khác ghi vào hợp đồng vay vốn, tự ý lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người khác, giả chữ ký người vay, lập khống 11 hợp đồng tín dụng, chiếm đoạt hơn 5 tỉ đồng. Số tiền chiếm đoạt, ông Lợi sử dụng vào mục đích cá nhân và sau đó, Lợi xin nghỉ việc.
Đến tháng 6-2020, ban điều hành quỹ tín dụng phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên tố giác đến công an.
Phát hiện đường dây chuyên làm giấy tờ giả xuyên quốc gia
Công an thu nhiều giấy tờ, biển số xe giả tại nhà các đối tượng. Ảnh: Người Lao Động |
Ngày 27-8, Cục cảnh sát hình sự (CO2), Bộ Công an cho biết đang tạm giữ 18 đối tượng nằm trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe quy mô lớn tại TP HCM và Đồng Nai. Cầm đầu đường dây này là Nguyễn Trọng Dương (30 tuổi, quê Nghệ An), Trần Đức Toàn (30 tuổi) và Nguyễn Thanh Phong (44 tuổi).
Theo C02, sau 5 tháng theo dõi, các trinh sát phát hiện một đường dây chuyên làm giấy tờ giả tại TP HCM đi tiêu thụ khắp các tỉnh thành. Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Ban chuyên án do Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục cảnh sát hình sự làm trưởng ban lên kế hoạch triệt phá.
Chiều 26-8, C02 phối hợp với Phân Viện khoa học hình sự tại TP HCM, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 và các phòng nghiệp vụ liên quan đồng loạt khám xét 8 địa điểm tại TP HCM và Đồng Nai; bắt quả tang các đối tượng trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe, bằng cấp các loại.
Mở rộng điều tra, C02 xác định Dương thiết lập đường dây, lôi kéo đồng bọn đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động. Dương lấy các loại phôi giả từ Phạm Văn Phi. Riêng Toàn và Phong sau thời gian làm chung với Dương thì tách ra làm ăn riêng.
Đường dây này hoạt động rất tinh vi khi không nhận các đơn đặt hàng trực tiếp mà thông qua những "đại lý" đều là đàn em của Dương. Những "đại lý" này sẽ quảng cáo thông tin trên mạng xã hội với nội dung chuyên làm giấy tờ, biển số xe giả… rồi gom đơn hàng đưa cho Dương trực tiếp làm rồi bán lại cho khách để kiếm lời.
Với nhu cầu khách đặt hàng ngày càng nhiều, Dương mở xưởng, đầu tư nhiều máy móc hiện đại, cam kết làm các loại giấy tờ với độ giống gần như 100%.
Riêng Toàn và Phong đặt hàng trực tiếp qua mạng, giấy tờ nào khó thì chuyển cho Dương làm. Đáng nói, dù là "ông trùm" nhưng Dương, Toàn và Phong ít khi xuất hiện tại xưởng mà từ xa điều hành đường dây. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng giấy tờ giả khiến những công nhân làm trong xưởng không biết tên thật "ông chủ" mình là ai.
Băng nhóm này rất tinh vi khi thường xuyên vận chuyển hàng thông qua xe ôm công nghệ, mỗi lần nhận hàng tại mỗi địa điểm khác nhau. Nếu khách ở các tỉnh khác, bọn chúng sẽ đóng gói hàng hóa rồi chuyển qua đường bưu điện.
Để tránh bị phát hiện, bọn chúng thường thuê địa điểm sản xuất trong thời gian ngắn rồi chuyển đi nơi khác. Các đối tượng còn kết thân, mua chuộc hàng xóm sống cạnh nhà xưởng chỉ để thông báo khi phát hiện có người lạ mặt.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai bán các giấy tờ có giá từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Đối với các giấy tờ như bằng cấp chứng chỉ, giấy tờ xe thì bán theo bộ. Mỗi bộ giấy tờ xe bao gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…có giá khoảng 10 triệu đồng.