Tết Độc lập trong đời sống của đồng bào Vân Kiều
Người Việt trên thế giới mừng Tết độc lập 2/9 |
Sôi động lễ hội đua thuyền Tết độc lập trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Bản Ka Tăng có 226 hộ với 1.165 nhân khẩu, trong đó, người Vân Kiều chiếm trên 80%. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, bản nhỏ nơi thị trấn biên giới này đã có nhiều khởi sắc theo sự phát triển chung của toàn xã hội. Năm nào cũng vậy, sau ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám thành công, người dân ở bản Ka Tăng từ già đến trẻ đều ngóng chờ ngày Tết Độc lập. Bà con chỉnh trang nhà cửa, vệ sinh đường bản, treo cờ Tổ quốc và mua cho con trẻ quần, áo mới để mặc trong ngày Tết Độc lập.
Từng kinh qua 2 cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc nên già Vỗ Lô (năm nay đã 93 tuổi) là người hiểu rõ nhất sự đổi thay của quê hương, của đồng bào dân tộc Vân Kiều từ khi có Đảng, có Bác Hồ dẫn đường, chỉ lối và người dân tộc Vân Kiều được mang họ Bác Hồ. Già Vỗ Lô bồi hồi nhớ lại: “Năm 1946, tôi nghe người lớn kể là có một đoàn cán bộ do Bác Hồ cử từ ngoài Bắc vào thăm hỏi đồng bào 2 dân tộc Pa Kô, Vân Kiều ở mặt trận phía Tây Trị Thiên, mang theo nhiều bức hình của Bác tặng các bản, áo lụa tặng những người già và truyền đạt chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, không để cho kẻ thù phân hóa lợi dụng.
Để thể hiện quyết tâm một lòng theo Đảng và Bác Hồ của đồng bào, ngày 26-6-1946, được sự tổ chức của Mặt trận Liên Việt, các già làng của nhiều bản trên dãy núi Trường Sơn đã tự nguyện tụ họp, tổ chức lễ đâm trâu với lời thề: “Người Vân Kiều, Pa Kô mãi mãi đi theo Đảng, theo Bác Hồ và thống nhất quyết định lấy họ Bác Hồ làm họ chung cho cả 2 dân tộc Vân Kiều, Pa Kô”. Khi giặc đến xâm chiếm bản làng, nhiều thanh niên không kể là nam hay nữ người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều đã tham gia kháng chiến, xung phong vào bộ đội hoặc gùi hàng hóa, lương thực, đạn dược cho bộ đội đánh giặc. Ngày ấy, dù có phải nhịn đói, ăn củ sắn, củ mài, măng rừng thay cơm, ăn tro tranh thay muối nhưng gạo và muối của bộ đội trên lưng người Vân Kiều gùi đến kho trong hang núi không thiếu một cân.
“Chiến tranh kết thúc, dẫu đã được sống trong niềm vui tự do độc lập, song cuộc sống của người Vân Kiều ở bản Ka Tăng mình vẫn còn khó khăn, đất rừng rộng nhưng bom, đạn còn lại nhiều quá nên người dân sợ không dám làm rẫy. Mỗi khi mùa giáp hạt đến, nhà ai cũng thiếu ăn, lũ trẻ con nghỉ học hết nên đã khổ lại càng khổ hơn. Bây giờ thì khác hẳn rồi, bản Ka Tăng không còn thiếu ăn nữa. Từ khi cửa khẩu Lao Bảo nâng cấp mở rộng, bà con bản mình được về ở trong khu tái định cư, được Nhà nước xây nhà, làm nhiều công trình cho dân nên cuộc sống đã đổi thay rất nhiều” - Già Vỗ Lô chia sẻ.
Trong những năm qua, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước về chủ trương, chính sách hỗ trợ cho vùng cao, biên giới nên người Vân Kiều ở bản Ka Tăng đã có sự đổi thay đáng kể. Người dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, phấn đấu vươn lên, tham gia phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 43 hộ trên tổng số 226 hộ, hằng năm có từ 9 - 10 hộ thoát nghèo, điều đáng mừng là không có hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh chỉ chiếm 0,08%. Nhiều con em của bản đã có đủ trình độ để tham gia công tác vào các cấp ủy Đảng và chính quyền. Ngày càng có nhiều người theo học ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học... để rồi quay trở lại địa phương công tác góp sức xây dựng bản làng, xây dựng quê hương.
Trưởng bản Hồ Văn Pổ cho biết: “Tết Độc lập năm nay, bản chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, chương trình nhưng do dịch Covid-19 đang lây lan nên cấp ủy và Ban cán sự bản đã bàn bạc và thống nhất với già làng là không tổ chức vui Tết Độc lập như những năm trước mà chỉ từng nhà làm mâm cơm để thắp hương lên bàn thờ của Bác Hồ và hạn chế tụ tập đông người”.
Với người dân tộc Vân Kiều ở bản Ka Tăng, việc tổ chức vui Tết Độc lập không chỉ thể hiện nét văn hóa theo cách riêng, sự nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà chính là cách làm thiết thực nhất để chào mừng ngày Quốc khánh của đất nước.
Bà Võ Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo, phụ trách lĩnh vực văn hóa-xã hội cho biết: “Hằng năm, cứ đến dịp Quốc khánh 2-9, chính quyền địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo cùng bà con ở bản Ka Tăng tổ chức các hoạt động vui chơi đón Tết Độc lập. Đây là nét đẹp văn hóa cần giữ gìn và phát huy để người dân Vân Kiều nơi vùng cao biên giới tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ công ơn Bác Hồ, ơn Đảng và Nhà nước, giáo dục thế hệ trẻ về tình yêu quê hương và có trách nhiệm xây dựng quê hương. Năm nay, do dịch bệnh Covid-19 nên mọi hoạt động không được tổ chức sôi nổi như các năm trước, nhưng bà con dân bản vẫn luôn tràn đầy niềm vui, niềm tin tưởng vào Đảng, Nhà nước trước sự vươn mình phát triển của quê hương”.
Mỗi năm, vào ngày Tết Độc lập, tiếng cồng, tiếng chiêng được cất lên từ nhà sinh hoạt cộng đồng của bản Ka Tăng lại vang vọng khắp núi rừng biên cương như niềm vui, hạnh phúc và niềm tin, tự hào của người Vân Kiều trước bao sự đổi thay phát triển không ngừng của quê hương mình.
Nguyễn Thành Phú
Đồng bào các dân tộc Lai Châu vui Tết Độc lập
Quốc khánh 2/9 đối với đồng bào vùng cao là ngày đặc biệt mà họ gọi là ngày Tết Độc lập. Hàng năm cứ đến ... |
Hàng ngàn người dân đổ về Công viên Đầm Sen xem pháo hoa mừng Tết Độc Lập
Tối 2/9, hàng ngàn người dân đã đổ về khu vực Công viên Đầm Sen (quận 11, TP. HCM) để xem màn bắn pháo hoa ... |
Tết Độc lập trong lòng người dân Hà Nội
Đối với đa số người dân Thủ đô, hơn cả ý nghĩa là một ngày lễ, ngày Quốc khánh bao giờ cũng là ngày đặc ... |