Tết Độc lập trong lòng người dân Hà Nội
72 năm trước, sau khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám, đúng vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử Bác Hồ đã long trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về nước Việt Nam độc lập.
Thời khắc cảm nhận niềm hạnh phúc thiêng liêng khi đất nước bước sang trang sử mới đã khắc sâu trong tim những người dân vừa thoát khỏi kiếp lầm than, nô lệ và ngày 2/9 đã trở thành ngày Tết - Tết Độc lập của lớp lớp những thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau.
Hình ảnh quý giá trong ngày Bác Hồ đọc tuyên ngôn độc lập
Những nhân chứng vinh dự tham gia, chứng kiến ngày Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay đều đã tuổi cao, sức yếu. Dù vậy, khi nhắc tới khoảnh khắc thiêng liêng đó, ai cũng trào dâng niềm hạnh phúc với những ký ức còn vẹn nguyên.
Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam kể: Sau khi Bác đọc tuyên ngôn độc lập, ông và hàng trăm nghìn người dân đã đồng loạt giơ tay tuyên thệ xin thề “Không đi lính cho Pháp”, “Giữ nền độc lập chủ quyền đất nước”.
Lời thề đó khắc sau trong trái tim ông để bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này: “Sau khi ban tổ chức đọc xong lời thề thì hàng nửa triệu người giơ tay xin thề vang trời. Tôi cũng giơ tay xin thề nhưng nước mắt trào ra. Nhìn xung quanh các bạn tôi đều lau nước mắt hết. Sau này ngẫm ra mới biết đó là niềm hạnh phúc vô biên vì trước đây mấy ngày đương là người dân mất nước nô lệ, là vong quốc nô mà hôm nay đã là công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập".
Đại tá Nguyễn Trọng Hàm, Nguyên phó tham mưu trưởng quân khu Thủ đô, khi đó là tự vệ thành Hà Nội cho biết: chỉ người nào đã trải qua thời nô lệ như ông và những người đồng trang lứa mới cảm nhận hết niềm vui vỡ òa trong ngày trở thành con dân của đất nước độc lập: “Ấn tượng là sau 3 lần sống dưới các chế độ, bây giờ nền độc lập đến chứa các thành quả nối tiếp thành quả thấy nó vĩ đại quá. Tết độc lập năm đó, ra đường không những riêng tôi thấy không khí đối với mọi người thấy nhau là vẫy chào, một không khí chan hòa đoàn kết”.
Ngõ nhỏ quận Hoàn Kiếm, nhà nhà treo cờ ngày Quốc khánh
Còn đối với đa số người dân Thủ đô, hơn cả ý nghĩa là một ngày lễ, ngày Quốc khánh bao giờ cũng là ngày đặc biệt. Đặc biệt không chỉ vì cờ, hoa, biểu ngữ rực rỡ và các điểm văn hóa, văn nghệ diễn ra trên từng tuyến phố, mà ngay ở trong lòng người dân, ngày mùng 2/9 đã thực sự trở thành ngày Tết.
Chị Trần Thị Tuyết, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Tết độc lập năm nay nhà tôi làm cơm, thắp hương, tập trung gia đình, ông, bà, bố mẹ, con cháu sum họp. Sau đó cho các cháu về lăng viếng Bác. Rồi đến khu vui chơi giải trí, đến các điểm văn hóa, văn nghệ. Nói chung là ý nghĩa”.
Với những giá trị độc lập, tự do, hạnh phúc mà cả dân tộc đã đổ máu xương gìn giữ, ngày Tết Độc lập sẽ mãi là niềm tự hào, là lý tưởng của các thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo VOV