Tản mạn chuyện hổ năm Dần
Theo lịch can – chi, hổ là đại biểu của địa chi Dần (thứ ba) trong 12 địa chi, tượng trưng cho sức mạnh, là một trong Tứ Thánh thú cai quản hướng Tây, với đầy đủ tính nguyên hợp của nhiều tín ngưỡng khác nhau (tốt - xấu, thiện - ác, chính – tà) và có sức mạnh trấn áp tuyệt đối, đầy uy quyền đối với các thế lực đối lập.
Hình tượng hổ thường gắn với biểu tượng thần thánh, vua chúa; là đại biểu của công bằng, đạo lý và sự che chở, bảo hộ. Hổ là chúa tể của rừng núi, có vai trò thống trị trong giới động vật nên được người dân nhiều quốc gia phương Đông thần thánh hóa, thờ phụng như phúc thần bảo hộ sinh linh, chủ trì công bằng, đạo lý.
Tranh Xích Hổ - thuộc dòng tranh Hàng Trống. |
Ở nhiều nước phương Đông, nói đến hổ trước hết là nói đến sức mạnh trấn áp và bảo hộ, là bộ phận cấu thành của nhà nước. Nội các triều đình phong kiến ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản… thường được tổ chức theo nguyên tắc “hai ban văn võ”. Ban văn thuộc Thanh Long (bên trái, phía đông), ban võ thuộc Bạch Hổ (bên phải, phía Tây). Các quan được phân chia theo hai ban và trong tất cả các buổi thiết triều (giao ban) đều theo Thanh Long – Bạch Hổ mà bố trí.
Ban văn phụ trách các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, ngoại giao… Ban võ chuyên trách về an ninh, luật pháp, quốc phòng. Hai ban văn võ (long hổ) còn là đại biểu của âm dương, ngũ hành hài hòa trong tổ chức nhà nước.
Bạch Hổ là đại biểu của quân đội hùng mạnh, ngăn chặn kẻ thù bảo vệ đất nước, duy trì trị an, cai quản tù ngục, trấn áp sự tàn bạo để bảo vệ dân chúng. Do đó, tất cả các danh xưng có chữ hổ trước hết đều liên quan đến sức mạnh, quân đội, thuộc về quân sự: Hổ trướng, bạch hổ đường (nơi điều binh), phương bạch hổ (hướng Tây), hổ phù (biểu tượng của tướng), hổ bôn (đội quân dũng mãnh, cánh quân bên phải), nanh vuốt hổ, hổ quyền (võ hổ).
Ở những nơi thờ tự, đền miếu, trang trí vật dụng, nhà ở, mồ mả… nếu có hình tượng hổ thì hầu hết đều thể hiện là nơi chủ trì công đạo, tinh thần võ đức hoặc nghề nghiệp, chức vụ liên quan đến ban võ.
Đối với nhiều bộ tộc, hổ được thờ phụng với tư cách là thần khai tổ, tảo trừ các loài yêu ma, quỷ quái và mang lại những điều tốt lành, may mắn. Hình thức thờ phụng loài hổ hết sức đa dạng, tùy theo tập quán văn hóa của các cộng đồng, đặc trưng thiên nhiên mang tính vùng miền.
Phần lớn những bộ tộc thờ linh vật (Totem giáo) đều thờ hổ như tổ tiên của dân tộc họ, một số bộ tộc khác thờ hổ như thánh thiêng trong các nghi lễ thần bí. Tuy nhiên, đại bộ phận các dân tộc đều thờ hổ trong không gian sinh hoạt tôn giáo – tín ngưỡng như đình, đền, miếu, chùa; đặt tượng trước cửa, treo tranh, điêu khắc trên các bức phù điêu, bình phong, vật trang trí… thậm chí đeo nanh vuốt, răng hổ như bùa hộ mệnh.
Ở nước ta các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian đã tìm thấy hơn một nghìn câu tục ngữ, ca dao liên quan đến hổ. Hình tượng hổ có trên mặt của nhiều trống đồng Đông Sơn cách nay 2.500 – 3.000 năm lịch sử.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đến nay ở hầu hết các địa phương trong cả nước đều có các hoạt động văn hóa, tâm linh liên quan đến hổ. Hình tượng hổ được thể hiện trong hầu hết các loại hình văn hóa – nghệ thuật, các công trình kiến trúc, nhất là kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng.
Tập quán thờ hổ ở nước ta phổ biến không kém so với thờ rồng (Thìn) – một địa chi có sức mạnh sánh ngang hổ và cùng hổ tạo thành hai trụ cột của một quốc gia hay một đối tượng cụ thể nào đó cần được phù giúp, bảo hộ.
Không riêng ở miền núi (địa bàn của hổ), nhiều địa phương miền biển như Phú Yên, Bình Thuận, Khánh Hòa… cũng có đền thờ và tập quán thờ hổ. Hình tượng hổ phổ biến nhất ở các không gian sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc hình thành và phát triển dòng tranh thờ Hàng Trống (Hà Nội) khoảng 400 năm trước và những bức tranh tam hổ, ngũ hổ trong dòng tranh dân gian Đông Hồ (Bắc Ninh) là minh chứng rõ ràng nhất về tập quán thờ hổ.
Hổ đi vào ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, ngụ ngôn, thơ ca… như một mảng đề tài rộng lớn, hấp dẫn và mang màu sắc huyền bí. Tranh ngũ hổ của dòng tranh thờ Hàng Trống đến ngày nay vẫn còn là một bí ẩn tâm linh lớn, với nhiều quan điểm lý giải khác nhau trong giới nghiên cứu.
Đối với các nhà phong thủy thì tranh ngũ hổ Hàng Trống là sự kết tinh cao độ của quan niệm âm dương – ngũ hành, quy luật chu chuyển của nó cũng hoàn toàn chính xác và dễ minh thị. Tuy nhiên, đối với các nhà nghiên cứu văn hóa – nghệ thuật thì vẫn nhiều “tồn nghi”.
Song song với hệ thống kiến trúc thờ tự là hoạt động lễ bái, cầu đảo nhằm đạt được sự bảo hộ của thần hổ. Đầu xuân dán tranh hổ hai bên cổng (cửa), treo tranh hổ trong nhà, đặt tượng hổ trước cửa… với niềm tin hình tượng hổ giúp khu trừ ma quỷ, mang lại điều tốt lành cho gia đình. Đương nhiên, gắn liền với các hoạt động này là hàng loạt yêu cầu, tiêu chí, nghi thức về bút vẽ, giấy vẽ và người vẽ tranh; phương pháp làm bùa, chú, cách bài trí như bùa hộ thể, bùa ngải, lễ Ông (hổ), phương hướng, thời gian, tuổi chủ nhà treo (dán) tranh…
Quan niệm dân gian Việt Nam cũng như một số cộng đồng cư dân vùng Đông Á, Bắc Á, Nam Á và Đông Nam Á, có hình hổ trấn giữ trước cửa thì tà ma không dám xâm nhập, hình tượng hổ trở thành phổ biến trong nghệ thuật dân gian Việt Nam, trở thành “thần tướng giữ đền” và được khách thập phương kính ngưỡng, tế bái; đền miếu có hình hổ, tượng hổ nhằm ngăn chặn các hành vi ngỗ ngược của những kẻ vô đạo, buộc người ta không dám suy nghĩ xấu xa, tham ác và phải ngay ngắn trang phục, thái độ trước khi vào đền, miếu.
Gắn với võ đạo nên trong quan niệm truyền thống của người Việt hình tượng hổ còn là sự biểu hiện của tiết nghĩa. Trong các câu chuyện ngụ ngôn, các sự tích, tinh thần đó được nhân cách hóa rất cụ thể: hổ trả ơn, hổ nuôi con người, hổ cứu giúp người diệt ác thú, hổ dạy võ cho người, hổ chủ trì sự công bằng… Điển hình như truyện Tống Trân - Cúc Hoa, Thoại Khanh - Châu Tuấn, Ngôi đền giữa biển…
Quan niệm văn hóa – tín ngưỡng về hổ là một trong những biểu hiện tinh thần thượng võ của dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử. Khát vọng công lý, tiêu diệt cái ác, xả thân vì nghĩa là cội nguồn của sức mạnh để chúng ta xây dựng và bảo vệ tổ quốc, là một trong nững nét đặc sắc truyền thống văn hóa Việt.