Tấn công ngoại tuyến ở Việt Nam cao thứ 2 Đông Nam Á
Quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất là Indonesia (19,6 triệu vụ), Việt Nam (17,8 triệu vụ) và Thái Lan (5,8 triệu vụ). Số liệu ghi nhận tại Malaysia là 3,8 triệu vụ, tại Philippines là 1,6 triệu vụ và ở Singapore là 330 nghìn vụ.
Đây là số lượng chương trình độc hại được xác định trên máy tính người dùng hoặc các thiết bị lưu trữ (ổ đĩa flash, thẻ nhớ máy ảnh, điện thoại hoặc các loại ổ cứng di động), hoặc các chương trình xâm nhập vào máy tính theo hình thức không mở (chương trình cài đặt phức tạp, tệp mã hóa...).
Năm qua ghi nhận sự giảm tốc trong số lượng mối đe dọa ngoại tuyến nhắm đến các doanh nghiệp trong khu vực, dù con số này vẫn nhiều hơn mối đe dọa trực tuyến.
Thống kê số lượng vụ tấn công ngoại tuyến ở 6 quốc gia Đông Nam Á. Ảnh: Kaspersky |
Mối đe doạ ngoại tuyến giảm mạnh tại 6 quốc gia Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam) từ năm 2020 với 92,2 triệu vụ xuống 69,4 triệu vụ (năm 2021) và 49 triệu vụ (năm 2020). 2 quốc gia phải đối mặt với vấn nạn này nhiều nhất là Indonesia và Việt Nam, chiếm đến hơn 75% tổng số lượng mối đe doạ của cả khu vực.
Trong khi đó, Singapore là quốc gia có số lượng cuộc tấn công ngoại tuyến ít nhất với chỉ gần 330 nghìn vụ trong năm 2022, giảm nhẹ so với năm 2021 (350 nghìn vụ).
Yeo Siang Tiong, Tổng Giám đốc Kaspersky Đông Nam Á đưa ra cảnh báo: “Đỉnh điểm của đại dịch năm 2020, Kaspersky ngăn chặn 92 triệu sự cố ngoại tuyến. Con số này giảm còn 69 triệu vào năm 2021 và tiếp tục giảm vào năm ngoái với 49 triệu sự cố.
Dù xu hướng giảm, các doanh nghiệp vẫn nên cảnh giác vì USB và ổ đĩa di động được “vũ khí hóa” vẫn có thể là nguồn phát tán phần mềm độc hại hiệu quả có thể xâm phạm mạng, máy chủ và thậm chí cả phần cứng máy tính”.
Bảo vệ chống lại các cuộc tấn công ngoại tuyến cần giải pháp chống virus có khả năng xử lý các đối tượng bị lây nhiễm, cần tường lửa, chức năng chống rootkit và kiểm soát các thiết bị di động.
Trong trường hợp USB giả mạo hoặc ổ đĩa di động lây nhiễm hệ thống, các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp nên có sự phòng thủ toàn diện để trang bị, thông báo và hướng dẫn đội ngũ công nghệ thông tin trong cuộc chiến chống lại các cuộc tấn công mạng có mục tiêu và tinh vi nhất.