Tâm điểm chứng khoán: Rung lắc hay đảo chiều?
Mong manh giữa ranh giới đảo chiều và rung lắc
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
Từ đầu tuần giao dịch trước, quan điểm của tôi về thị trường đã chuyển theo hướng thận trọng. Một lý do ít được nhà đầu tư để ý là lạm phát tăng trở lại. Giá của một số hàng hóa như giá khí, kim loại, nông sản đã tăng, qua đó có thể dẫn đến số liệu lạm phát tăng trở lại trong tháng 5.
Cùng với đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư vẫn còn lo ngại về việc FED tiếp tục neo lãi suất cao thay vì sớm có động thái cắt giảm lãi suất.
Yếu tố kém tích cực này sẽ khiến cho đồng USD đang có dấu hiệu tăng trở lại từ đó tạo ra áp lực tỷ giá. Dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có động thái bơm ròng và Chính phủ muốn hạ lãi suất cho vay 1-2% thì khó khăn trong việc điều hành chính sách tiền tệ vẫn đang hiện hữu.
Tất nhiên, kịch bản tích cực là FED có thể có 1 lần giảm lãi suất vẫn còn do mục tiêu lạm phát 2% là tương đối bất khả thi. Có thể sẽ có sự thỏa hiệp trong quan điểm điều hành của FED: có thể chấp nhận lạm phát cao để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo tôi, nhà đầu tư chưa cần quá lo lắng về rủi ro NHNN có thể tăng lãi suất cơ bản ở thời điểm này. Có thể lãi suất liên ngân hàng đang trở nên nóng hơn, đánh tín hiệu về căng thẳng thanh khoản. Tuy nhiên, kinh tế vẫn còn hồi phục khá chậm và nhu cầu tín dụng chưa tăng trưởng mạnh trở lại.
Có thể, lãi suất sẽ tăng vào giai đoạn cuối năm với nhu cầu tín dụng tốt hơn. Cùng với đó, Luật Đất đai sửa đổi cũng sẽ đi vào thực tiễn, hỗ trợ thêm cho tín dụng.
Với quan điểm thận trọng, tôi cho rằng nhà đầu tư ngắn hạn nên giảm bớt tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về quanh 40-50%. Nếu chỉ số VN-Index không giữ được mốc trên 1.250, nên quản trị rủi ro bằng việc hạ hết tỷ trọng.
Nhìn chung, nhịp giảm mạnh của thị trường trong phiên cuối tuần qua cần được đánh giá kỹ hơn. Có thể, biến động của thị trường là tín hiệu cảnh báo hơn là một sự rung lắc thông thường.
Rủi ro ngắn hạn gia tăng
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT
Rủi ro ngắn hạn đang tăng lên khi thị trường đón nhận những thông tin không mong đợi cả trong nước và quốc tế. Cụ thể, những số liệu vĩ mô Mỹ được công bố tuần qua như PMI dịch vụ, PMI sản xuất, số đơn trợ cấp thất nghiệp cao hơn dự báo cho thấy triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ.
Điều này làm dấy lên lo ngại về việc Fed sẽ tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất điều hành. Kỳ vọng về việc FED giảm lãi suất điều hành trong cuộc họp tháng 9 đã giảm về 51%, so với mức 68% của tuần trước đó. Diễn biến này kéo theo phiên điều chỉnh mạnh của các chỉ số chứng khoán Mỹ trong ngày thứ 5.
Trong nước, bất chấp những nỗ lực can thiệp của NHNN, áp lực tỷ giá vẫn chưa hạ nhiệt. Theo một số nguồn tin, NHNN đã phải bán ra 3,5 tỷ USD để bình ổn thị trường, cộng với việc đấu thầu vàng miếng đã hút một lượng thanh khoản khá lớn khỏi thị trường. Điều này khiến thanh khoản trên hệ thống không còn dư thừa như trước và lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã vượt ngưỡng 5%. Trong phiên 22 và 23 tháng 5, đã có một số ngân hàng thương mại tìm đến kênh hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước với khối lượng trúng thầu trên kênh cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) liên tục ở mức cao. Đi kèm với đó, NHNN cũng tăng lãi suất OMO lên mức 4,5%/năm, tăng thêm 25 điểm cơ bản so với trước.
Những thông tin trên đã có tác động ngay lập tức tới diễn biến thị trường chứng khoán khi đây là kênh “nhạy cảm” với lãi suất. Trước những dấu hiệu rủi ro đang xuất hiện, điều cần thiết đối với nhà đầu tư là cần đánh giá lại trạng thái danh mục đầu tư hiện tại, nên đặt ưu tiên quản trị rủi ro lên hàng đầu.
Theo đó, đối với những nhà giao dịch (trading ngắn hạn) đang sử dụng đòn bẩy (margin) hoặc đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để giảm trạng thái, hạ bớt tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.
Đối với những nhà đầu tư dài hạn, có thể tiếp tục nắm giữ những cổ phiếu chưa đạt giá mục tiêu, tuy vậy chưa nên vội vàng mua vào mà cần kiên nhẫn quan sát cung cầu, diễn biến thị trường trong những phiên tới, chờ đợi các điểm mua hấp dẫn hơn để giải ngân. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của VN-Index là vùng 1.250 điểm và ngưỡng hỗ trợ xa hơn là vùng quanh 1.220 điểm.
Từ trái qua: ông Nguyễn Thế Minh, ông Đinh Quang Hinh, ông Bùi Nguyên Khoa. |
Khó để xác nhận xu hướng trong ngắn hạn
Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô - Thị trường Chứng khoán BIDV (BSC)
Chứng khoán tăng nhiều tuần liên tiếp nhưng thiếu yếu tố cơ bản, bền vững. Khi thiếu vắng thông tin tích cực hỗ trợ, tỷ giá lại “căng” hơn, cộng thêm yếu tố tin đồn…, áp lực bán chủ động càng mạnh.
Dù nhà đầu tư đã quen dần với thông tin tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước cũng là lên tiếng khẳng định, cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, đủ dư địa để điều hành linh hoạt, phù hợp.
Nhưng không thể phủ nhận tỷ giá vẫn đang là yếu tố “đè nặng” lên tâm lý thị trường. Rõ nhất, khối ngoại rút ròng liên tiếp và đã bán mạnh hơn trong tuần qua.
Giảm áp lực tỷ giá, trông chờ vào việc hạ lãi suất từ Fed, nhưng khả năng cao đến tháng 9 tới và khoảng thời gian còn khá dài.
Bối cảnh quốc tế như vậy, còn trong nước, nửa đầu tháng 5, lại nhập siêu hơn 2,6 tỉ USD. Việc nhập siêu trong bối cảnh tỉ giá hiện nay càng thêm áp lực về cung ngoại tệ.
Khi không có yếu tố cơ bản, để thị trường đồng thuận vượt qua vùng ngưỡng cản mạnh như 1.300, cần hai yếu tố còn lại như: dòng tiền và tâm lý. Hiện nay có vẻ thị trường đang thiếu cả 3.
Tuần qua, dòng tiền đã tốt hơn, thanh khoản cải thiện nhưng chủ yếu rơi vào các phiên giảm điểm, bán chủ động tăng. Còn lại các phiên điểm số tăng, thanh khoản đi lên từ từ.
Thực tế những áp lực thị trường tiền tệ vẫn còn đó. Điều này khiến tâm lý thận trọng trở nên thường trực và áp lực điều chỉnh sẽ dâng lên khi tiến về vùng ngưỡng cản mạnh. Khó để xác nhận xu hướng trong ngắn hạn, vì tín hiệu chưa rõ ràng, vẫn cần phải theo dõi thêm.
Tuy nhiên, tôi nghiêng về kịch bản sẽ khó điều chỉnh sâu hơn, về vùng hỗ trợ 1.250 rồi tăng tăng tích lũy trở lại. Sẽ khó xuất hiện những thông tin quá xấu tạo đà rơi sâu hơn.
Nhưng để tăng lên bền vững, cũng khó xảy ra khi kinh tế chưa phục hồi rõ nét, lãi suất nhích dần lên, KRX “bật vô âm tín”, thị trường chưa nâng hạng…
Về xu hướng dòng tiền, cơ bản tiền nhà đầu tư trong nước vẫn khỏe. Dù lãi suất đang nhích dần lên, nhưng mức 5% bình quân cho kỳ hạn 12 tháng vẫn là rất thấp. Nhưng như đã đề cập trên, do thiếu các yếu tố bền vững, cộng thêm đeo đẳng nỗi lo tỉ giá, dòng tiền tăng trong nghi ngờ.