Rung lắc xuất hiện, dòng tiền tìm đến cổ phiếu Midcap và Penny
Định vị thị trường
Sự tương đồng giữa chứng khoán Việt Nam và các thị trường châu Á tiếp tục được duy trì. Với sắc đỏ xuất hiện hàng loạt tại các chỉ số như SHCMP (-0,42%), NIKKEI 225 (-0,31%), KOSPI (-0,65%), SET (-0,54%), TWSE (-0,16%), chỉ số VN-Index cũng giao dịch dưới tham chiếu trong hầu hết thời gian giao dịch. Dù vậy, đà giảm trong phiên cũng chỉ mang tính chất rung lắc bởi tới cuối phiên, các nỗ lực triệt tiêu lại xuất hiện giúp cho chỉ số chỉ giảm 0,44 điểm.
Chất xúc tác
Dòng tiền vận động trên thị trường chứng khoán đã có phiên thứ 5 liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên dù so với phiên hôm qua, khớp lệnh đã giảm 13% xuống 840 triệu đơn vị.
Cơ cấu tham gia vào dòng tiền vẫn cho thấy sự chủ động của nhà đầu tư nội với tỷ trọng 93% trong khi khối ngoại chỉ đóng góp vào giao dịch 2 chiều khoảng 7%.
Cần lưu ý rằng, nhà đầu tư đã đón nhận thông tin Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phấn đấu giảm 1-2% lãi suất cho vay. Điều này cho thấy, Chính phủ vẫn đang rất quyết liệt trong quan điểm duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng bất chấp những trở ngại từ tỷ giá và lãi suất vẫn chưa thực sự thuận lợi.
Các kỳ hạn lãi suất liên ngân hàng như qua đêm cho tới 1 tháng hiện vẫn đang neo từ 4-4,5%. Còn tỷ giá tự do cũng mới chỉ giảm về quanh mức 25.700 VND/USD.
Được biết, trong ngày hôm qua, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ròng 1.341,21 tỷ đồng ra thị trường qua kênh tín phiếu và cầm cố. Khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 58.740 tỷ đồng còn khối lượng trên kênh cầm cố giảm xuống mức 6.097,24 tỷ.
Vận động thị trường
Với sắc đỏ của khu vực châu Á xuất hiện đồng loạt, thị trường Việt Nam đã thể hiện sự khó khăn trong các nỗ lực tăng điểm từ ngay phiên sáng. Các nhịp kéo lên đều nhanh chóng bị triệt tiêu và sang đến phiên chiều, chỉ số đã có thời điểm bị kéo xuống mức thấp nhất là 1.267 điểm.
Chỉ có một số mã cá biệt như TCM, HPX, NHA, CCL, NAF có những vận động trái ngược với thị trường trong giai đoạn phiên sáng. Và hầu hết, các mã này đều có những thông tin riêng giúp tránh được tác động của thị trường. Điển hình như TCM với số liệu kinh doanh 4 tháng đầu năm. Công ty đã ghi nhận doanh thu khoảng 51,7 triệu USD (hơn 1.315 tỷ đồng) và lãi sau thuế trên 3,4 triệu USD (khoảng 87 tỷ đồng), lần lượt tăng 8% và 36% so với cùng kỳ 2023.
Dù vậy, từ mức thấp nhất phiên là 1.267 điểm, VN-Index lại cho thấy có lực đỡ điểm số khá quyết liệt. Một số cổ phiếu lớn như FPT (+2,3%), VRE (+1,3%), MBB (+0,64%), BID (+0,81%) đã có động thái vùng lên từ sau 14h20 và tham gia cùng với BCM (+2,2%) để triệt tiêu đi gần hết áp lực giảm.
Chỉ số VN-Index chỉ giảm 0,44 điểm, xuống 1.277,14 điểm. Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 23.993 tỷ đồng, tương đương 972 triệu đơn vị.
Nhịp kéo lại cuối phiên cũng giúp cho các cổ phiếu Midcap và Penny có thêm nhiều mã tích cực hơn so với phiên sáng. Các mã CTD (+3,11%), DCM (+5,29%), DPM (+2,28%), HDG (+3,04%), TCH (+4,47%), HHS (+2,96%), CMG (+4,24%), MSH (+3,54%) thể hiện sức bật khá tốt. 2 chỉ số đại diện cho nhóm Midcap và Penny trên HOSE là VNMID (+0,32%), VNSML (+0,81%) đều tăng điểm.
Trên HNX, các cổ phiếu BVS (+6%), MBS (+2,5%), PVC (+2,5%), DTD (+10%) cũng có phản ứng nhạy trong đó MBS lại lập kỷ lục giá mới với việc đóng cửa tại 32.800 đồng/cổ phiếu.
Còn với UPCoM, ABB (+12,3%), VEA (+3,4%), AAH (+6,3%), VGT (+2,6%) là những mã khả quan nhất. Hiệu ứng ưu tiên cho các cổ phiếu Midcap và Penny đã giúp cho 2 chỉ số cùng đi ngược lại so với VN-Index. HNX-Index đã tăng 0,3% còn UPCoM-Index tăng 0,99%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 4.700 tỷ đồng.