Phá đỉnh 2 năm, cổ phiếu PLX đã có sự "lột xác" hoàn toàn
Cổ phiếu "lột xác" sau gần 2 năm bị thị trường lãng quên
Phiên giao dịch 23/5 đã ghi nhận nỗ lực bứt phá đầy ấn tượng của cổ phiếu PLX với việc tăng kịch trần lên 40.300 đồng/cổ phiếu cùng dư mua tại giá trần gần 3 triệu cổ phiếu. Đây là nhịp tăng mới nhất sau khi cổ phiếu đã có gần 2 tuần hấp thụ lại lực bán chốt lời của nhà đầu tư đã kịp bắt đáy PLX trong giai đoạn cuối tháng 4/2024.
Điểm mấu chốt là PLX đã đóng cửa cao nhất trong vòng 2 năm trở lại. Từ tháng 6/2022, PLX đã có nhiều giai đoạn ngụp lặn dưới đường MA200. Kể cả trong giai đoạn đã lấy lại xu hướng tăng dài hạn, cổ phiếu cũng tỏ ra khá bất lực trong việc chinh phục vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu nên được nhiều nhà đầu tư đánh giá cổ phiếu yếu dù nằm trong VN30.
PLX có nỗ lực bứt phá mạnh mẽ sau 2 năm bị xem là cổ phiếu yếu trong nhóm VN30. |
Với lần bứt phá ấn tượng khỏi vùng giá 40.000 đồng/cổ phiếu (đồng thời là ngưỡng Fibonacci 50%), PLX đã cho thấy một sự "lột xác" về vận động giá. Đà tăng giá của PLX có thể sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới và cổ phiếu sẽ hướng tới kháng cự tại ngưỡng Fibonacci 61,8%, tương ứng với mốc 44.720 đồng/cổ phiếu.
Nếu kịch bản này xảy ra, nhà đầu tư sẽ có cơ hội gia tăng lợi nhuận với PLX bởi tính đến hết phiên giao dịch 3/5, PLX đã tăng trưởng 21,4%, vượt xa mức tăng của VN-Index (+13,37%). Trước đó, trong cả năm 2023, thành tích của PLX chỉ đạt 10,75%, kém hơn so VN-Index (+12,2%).
Lợi nhuận được dự báo vượt xa thói quen đặt kế hoạch thận trọng
Quý đầu năm 2024, kết quả kinh doanh của PLX đã gây ấn tượng mạnh với lợi nhuận trước thuế (LNTT) tăng 72% so với cùng kỳ và 70% so với quý trước, đạt 1,44 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch LNTT năm 2024.
Đáng chú ý nhất là lợi nhuận gộp tăng đáng kể 31,2% so với cùng kỳ lên mức cao kỷ lục là 4,67 nghìn tỷ đồng, nhờ mảng xăng dầu chiếm 72% tổng lợi nhuận trước thuế trong quý.
Được biết, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng nhẹ 2% so với mức nền tương đối cao trong quý I/2023, đồng thời tăng 2,4% so với quý trước. Sản lượng tiêu thụ bán lẻ tăng 1,8% so với cùng kỳ và 3% so với quý trước đạt 8 triệu tấn, tương đương 69% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Tuy nhiên, lợi nhuận của mảng xăng dầu tăng 260% so với cùng kỳ đạt 1,06 nghìn tỷ đồng nhờ giá xăng dầu tăng khoảng 9% trong quý, giúp công ty hưởng lợi nhờ hàng tồn kho giá rẻ và chu kỳ điều chỉnh giá rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày kể từ cuối năm 2023. Công ty cũng đã tiến hành hoàn nhập 34 tỷ đồng trích lập dự phòng tồn kho.
Ngược lại, lợi nhuận từ tất cả các mảng hoạt động khác đều tăng trưởng âm bình quân 12% do chi phí đầu vào và tỷ giá tăng.
SSI Research dự báo LNTT năm 2024 là 4,4 nghìn tỷ đồng (+11,7%) vượt xa kế hoạch Công ty đặt ra. Cụ thể, PLX đặt kế hoạch LNTT thận trọng ở mức 2,9 nghìn tỷ đồng, giảm 29%. Tuy nhiên, SSI cũng chỉ ra rằng kết quả kinh doanh thực tế của PLX thường cao hơn kế hoạch trong 9 năm qua ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cũng theo SSI, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước có thể đạt 10,76 triệu tấn (+4,1% so với cùng kỳ) và sản lượng tiêu thụ nội địa là 2,63 triệu tấn (+4%). Trong ngắn hạn, việc giá dầu điều chỉnh trong thời gian vừa qua có thể gây áp lực lên biên lợi nhuận của công ty trong quý II, do chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngắn hơn dẫn đến biên lợi nhuận của PLX tương quan chặt chẽ hơn với giá dầu.
Năm 2025, SSI dự báo LNTT sẽ tăng 6% đạt 4,67 nghìn tỷ đồng với kỳ vọng sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 4%.