Tâm điểm chứng khoán: Mốc 1.300 điểm và sự phân tán của dòng tiền
"Hiện tượng dòng tiền tìm đến các mã Midcap và UPCoM chỉ xảy ra trong ngắn hạn"
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân CTCK Yuanta Việt Nam
Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index tăng điểm nhưng thực tế vẫn trong vận động đi ngang, chưa bứt phá khỏi vùng cản mạnh 1.290-1.295. Trong nhiều phiên, chỉ số đã cố gắng tiệm cận nhưng đều chưa vượt qua được.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc dòng tiền lớn chưa thực sự quay trở lại trong khi nhà đầu tư cũng phân tán sự chú ý sang nhóm cổ phiếu Midcap và các cổ phiếu trên UPCoM. Dù vậy, các cổ phiếu Midcap hay UPCoM đều không phải nhóm dẫn dắt thị trường.
Ngoài ra, hành vi bán ròng vẫn còn, cũng là một yếu tố khiến thị trường vẫn chưa hết lo ngại.
Theo quan điểm của tôi, động cơ bán ròng của khối ngoại chưa thay đổi, chủ yếu do chịu áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, với các sự kiện đáng chú ý tuần vừa qua như ECB, NHTW Canada bắt đầu giảm lãi suất nên nhiều khả năng FED cũng không nằm ngoài xu hướng, dù có thể chỉ là 1 đợt cắt giảm lãi suất. Do đó, kỳ vọng chênh lệch lãi suất giảm vẫn còn trong thời gian tới. Qua đó, giúp đồng USD hạ nhiệt dẫn đến khối ngoại quay lại mua ròng hoặc ít nhất giảm bán ròng.
Thứ hai, khẩu vị của nhà đầu tư với các cổ phiếu Midcap và UPCoM thực tế đã từng xảy ra trong quá khứ. Có những kỳ vọng giúp cho các cổ phiếu này hút được tiền như thoái vốn, chuyển sàn mới và tất nhiên không loại trừ cả yếu tích cực của cơ bản.
Dù vậy, chỉ nên được xem là hiện tượng ngắn hạn bởi nhà đầu tư chủ yếu muốn có sự tối ưu trong khoảng thời gian ngắn khi UPCoM có biên độ giao dịch lớn. Dòng tiền vẫn sẽ sớm phải tìm cách quay lại với HOSE và Bluechips. Đặc biệt, trong trường hợp khối ngoại có chiều hướng giảm bán ròng một cách rõ ràng.
Thứ ba, câu chuyện dòng tiền lớn chưa quay lại do rủi ro FED không giảm lãi suất cũng như nhiều bất ổn địa chính trị. Tuy nhiên, rủi ro đang giảm dần và xu hướng tăng cũng quay trở lại trên nhiều TTCK khác. Tôi kỳ vọng dòng tiền lớn sẽ quay lại và sàn HOSE vẫn là nơi sẽ hút tiền chủ yếu.
Dự báo của tôi trong tuần mới, thị trường sẽ tích cực. Tuy nhiên, có thể sẽ có sự phân hóa khá lớn khi các cổ phiếu Midcap và UPCoM có thể bị chốt lời sau khi đã đem lại thành quả tích cực cho một bộ phận nhà đầu tư.
Cùng với đó, dòng tiền cũng tìm cách quay lại với các cổ phiếu vốn hóa lớn, nhóm Chứng khoán, Bất động sản, Tiêu dùng do tăng chưa đáng kể. Vì vậy, cần tìm kiếm cơ hội ở những nhóm này và hạn chế mua mới thậm chí giảm tỷ trọng với các cổ phiếu Midcap và UPCoM.
VN-Index vẫn đứng trước cơ hội lớn để vượt mốc 1.300 điểm và hướng đến 1.400 điểm trong năm nay. Việc giữ được trên 1.300 điểm hay không sẽ là câu chuyện khác, phụ thuộc vào bối cảnh vĩ mô quý IV năm nay. Nhìn chung, thị trường vẫn sẽ tích cực cho đến quý III/2024.
Từ trái qua ông Nguyễn Thế Minh, ông Nguyễn Thành Trung, ông Đinh Quang Hinh. |
"Không quá lo ngại về điều chỉnh sâu"
Ông Nguyễn Thành Trung - Giám đốc tư vấn đầu tư Chứng khoán Thành Công
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần qua xấp xỉ 1 tỷ USD (hơn 25.000 tỷ đồng). Dòng tiền sẽ là yếu tố hỗ trợ để thị trường vượt qua mốc quan trọng. Khi mức trung bình 20 phiên dao động khoảng 20.000 – 25.000 tỷ đồng, chúng tôi cho rằng xu hướng sẽ ở mức tương đối bền vững.
Tôi không dự báo về điểm số. Với nhà đầu tư, tôi nghĩ điểm quan trọng vẫn là câu hỏi “giai đoạn này đã đầu tư được chưa?”. Hiện định giá thị trường P/E ở mức 14 lần, không quá nóng.
Ngoại trừ các sự kiện bất ngờ như “thiên nga đen”, về mặt thanh khoản và định giá như hiện nay, tôi cho rằng giai đoạn này có thể đầu tư và không đến mức quá lo ngại với các đợt điều chỉnh sâu.
Bất động sản chưa phục hồi, tiền gửi lãi suất dù đã nhích lên nhưng vẫn ở mức rất thấp, giá vàng lên xuống thất thường và chứng khoán dường như vẫn được lựa chọn. Nhìn vào con số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 5 củng cố luận điểm này.
Dù vậy, dòng tiền đã và đang phân hóa mạnh. Có 3 xu hướng khá rõ thời gian qua. Thứ nhất, trong khi nhiều cổ phiếu doanh nghiệp tốt đã vượt đỉnh thời đại, thì dòng tiền sẽ dịch chuyển, tìm cơ hội ở nhóm khác. So sánh giá hiện tại với đỉnh cũ năm 2022, nhiều cổ phiếu penny đã giảm giá rất sâu, 40-50% so với đỉnh. Ngoài ra, có những cổ phiếu lớn nhưng lâu rồi không tăng như SAB, VNM… cũng được dòng tiền tìm đến. Một số cổ phiếu penny nhưng nội tại doanh nghiệp đang có sự phục hồi, thay đổi với triển vọng tốt hơn. Cũng có xu hướng săn cổ phiếu Upcom, cổ phiếu nào chưa tăng giá thì được nhắm đến.
Mặc dù thị trường phân hoá như vậy nhưng thường sẽ đi ngang, không tăng sốc hay giảm mạnh.
"Rủi ro hạ nhiệt, nhà đầu tư xem xét giải ngân trở lại"
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT
Sau một tuần giao dịch giằng co, thị trường bắt đầu đón nhận một số thông tin hỗ trợ. Trong ngày 31/5, Mỹ đã công bố dữ liệu mới nhất về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của FED. Theo đó, PCE lõi trong tháng 4 tăng 0,2% so với tháng 3, đánh dấu mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 12/2023 và phù hợp với ước tính của Dow Jones.
So với cùng kỳ năm trước, PCE lõi tăng 2,8%, thấp hơn đôi chút so với dự báo là 2,9%. Chỉ số CPE toàn phần trong tháng 4 tăng mức 2,7% so với cùng kỳ năm trước và 0,3% so với một tháng trước, đều khớp với dự báo. Như vậy, cả chỉ số CPI và PCE trong tháng 4 đều cho thấy hướng đi tích cực hơn của lạm phát tại Mỹ sau khi các chỉ số này cao hơn dự báo trong quý đầu tiên của năm nay.
Sau diễn biến trên, chỉ số DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ điều chỉnh giảm, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực đối với tỷ giá tiền đồng. Trong nước cũng chứng kiến một số diễn biến tích cực trên thị trường vàng và tiền tệ.
Cụ thể, sau khi tăng nóng thời gian gần đây, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã có xu hướng hạ nhiệt sau động thái hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước. Lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng quay đầu giảm. Giá vàng trong nước cũng hạ nhiệt sau thông tin 4 Ngân hàng Thương mại Cổ phần quốc doanh sẽ bán vàng bình ổn giá kể từ ngày 3/6.
Những diễn biến này được kỳ vọng sẽ cải thiện tâm lý của nhà đầu tư trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, chỉ số VN-Index cũng đã tiến gần tới vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm và khó lùi sâu dưới ngưỡng này. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét giải ngân trở lại trong tuần giao dịch tới, ưu tiên các cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ cứng hoặc các cổ phiếu thuộc nhóm ngành đang có câu chuyện hỗ trợ như bán lẻ, bất động sản, điện và xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản).
Tâm điểm chứng khoán: Thị trường có xuất hiện "giải chấp chéo" để nhà đầu tư bắt đáy? Liệu thị trường có xảy ra tình trạng giải chấp chéo? Các chuyên gia đã chia sẻ các quan điểm cho tuần giao dịch trước kỳ nghỉ lễ dài ngày. |
Tâm điểm chứng khoán: Kỳ vọng có thể chinh phục vùng đỉnh 1.300 điểm Các chuyên gia có sự đồng thuận trong quan điểm tích cực về xu hướng thị trường sau khi VN-Index đã tăng 4 tuần liên tiếp. Kịch bản VN-Index chinh phục vùng 1.300 điểm hoàn toàn có thể xảy ra. |