Taliban vừa công bố nội các, phe kháng chiến cũng khẳng định sẽ thành lập chính phủ song song
Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan hôm 7/9 đã công bố một chính phủ lâm thời gồm 33 thành viên do Mullah Muhammad Hassan Akhund lãnh đạo.
Thế nhưng, ở diễn biến khác, trong tuyên bố của mình, Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRFA) đã nhắc lại cuộc kháng chiến chống lại Taliban và nói thêm rằng Taliban là một mối đe dọa đối với khu vực và thế giới.
“Mặt trận kháng chiến sẽ thành lập một chính phủ chuyển tiếp dân chủ và hợp pháp được xây dựng dựa trên lá phiếu của người dân và được cộng đồng quốc tế chấp nhận”, tuyên bố của NRFA nêu rõ.
NRFA cũng đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), các quốc gia thành viên trung tâm của châu Á và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) ngừng hợp tác với Taliban.
Ahmad Masoud, lãnh đạo Mặt trận kháng chiến quốc gia Afghanistan (NRFA) ở tỉnh Panjshir. Nguồn: Khaama Press |
Nhà ngoại giao Afghanistan Salahudin Rabbani cũng đã phản ứng với nội các vừa được công bố của Taliban và nói rằng, Chính phủ này "không tồn tại được lâu và sẽ sụp đổ vì họ đã độc chiếm quyền lực".
Được biết, 24 ngày sau khi chiếm được thủ đô Kabul và lật đổ Chính phủ thân phương Tây, lực lượng Taliban đã công bố danh sách Chính phủ lâm thời mới tại Afghanistan.
Theo danh sách chính thức, Mullah Mohammad Hasan Akhund, người đứng đầu ‘Rehbari Shura’- bộ phận ra quyết định đầy quyền lực của Taliban sẽ là Thủ tướng của chính phủ lâm thời mới tại Afghanistan. Còn phó thủ lĩnh và là người đồng sáng lập Taliban Abdul Ghani Baradar sẽ là quyền phó thủ tướng.
Sirajuddin Haqqani - lãnh đạo của Mạng lưới Haqqani – một nhánh của Taliban được giao chức Bộ trưởng Nội vụ. Mullah Yaqoob, một trong các phó thủ lĩnh của lực lượng này kể từ năm 2016 và là con trai của nhà sáng lập Taliban Mullah Omar, sẽ nhận trọng trách đứng đầu bộ Quốc phòng. Vị trí Bộ trưởng Ngoại giao thuộc về Amir Khan Muttaqi.
Như vậy, trái với các tuyên bố ban đầu về việc xây dựng một chính phủ rộng rãi, đa thành phần, nội các mới của Afghanistan không xuất hiện bất cứ nhân tố ngoài Taliban nào. Đây là một chỉ dấu cho thấy lực lượng Hồi giáo vũ trang này không chấp nhận các áp lực trong nước và quốc tế đòi phải thành lập một chế độ đa thành phần và bao trùm.