Tại Quốc hội, quan chức Mỹ nêu vụ Trung Quốc xâm phạm bãi Tư Chính
Vì sao các nước châu Âu ngày càng gia tăng hiện diện ở Biển Đông? Trung Quốc chỉ trích chiến hạm Mỹ áp sát Hoàng Sa Cảnh báo mạng lưới UAV Trung Quốc giăng khắp Biển Đông |
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ David Stilwell phụ trách Vụ các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. Ảnh: Yonhap |
Đe dọa bằng vũ lực
Trong bài phát biểu đầu tiên trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ngày 18/9 (rạng sáng 19/9 theo giờ Hà Nội), từ khi nhậm chức Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á hồi tháng 6 vừa qua, ông David Stilwell đã đưa ra chỉ trích đanh thép nhằm vào những hành động sai trái của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắt đầu bài phát biểu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, ông Stilwell tập trung nói về tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương “mở và tự do” và nhắc đến tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra tại Thượng đỉnh Đông Á ở Thái Lan, chỉ trích sự bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông, và hối thúc các nước ASEAN cũng như Trung Quốc tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử thiết thực phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Tiếp theo, ông Stilwell dẫn chứng về hành động vô lý của Trung Quốc kể từ đầu tháng 7, các tàu của nước này đã tiến hành nhiều cuộc khảo sát hàng hải gần bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam, với sự hộ tống của lực lượng cảnh sát biển và dân quân biển có vũ trang. Đồng thời với các hành động bất hợp pháp liên tiếp và sự quân sự hóa các thực thể tranh chấp trên Biển Đông, Trung Quốc đã và đang đe dọa các quốc gia ASEAN (trong đó có Việt Nam) tránh xa các nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt trên biển.
Tàu Hải Dương 8 (bên phải) và tàu hộ tống của Trung Quốc đã có hoạt động xâm phạm vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông. |
Thao túng bằng kinh tế Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, về mặt kinh tế, Chính phủ Trung Quốc sử dụng một loạt chính sách không phù hợp với thương mại tự do và công bằng, bao gồm hạn chế tiếp cận thị trường; thao túng tiền tệ; đánh cắp tài sản trí tuệ... Thông qua các sáng kiến như Một vành đai, Một con đường, Bắc Kinh đã đổ hàng trăm tỷ USD vào các quốc gia đang phát triển dưới dạng các khoản vay để xây dựng cơ sở hạ tầng mơ hồ, dẫn đến các vấn đề như gánh nặng nần không bền vững và hủy hoại môi trường; và thường trở thành lợi thế Bắc Kinh có sử dụng để can thiệp vào các quyết định chính trị chủ quyền của các nước này. Ông Stilwell chỉ ra, Mỹ hoan nghênh cạnh tranh kinh tế công bằng và cởi mở với Trung Quốc, và hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và các quốc gia khác phải tuân thủ các thông lệ quốc tế như minh bạch, cho vay có trách nhiệm và các biện pháp hướng tới môi trường bền vững. Nhưng khi Trung Quốc hành động theo cách làm suy yếu các nguyên tắc này, Mỹ buộc phải phản ứng. Trợ lý Ngoại trưởng cũng đề cập tới các vấn đề nóng như tình hình Hong Kong, Đài Loan… nhấn mạnh quân đội Bắc Kinh vẫn tiếp tục hiện đại hóa với tốc độ chóng mặt. Các cuộc tập trận của nước này trong khu vực ngày càng phức tạp và rõ ràng không chỉ nhằm ngăn chặn những nỗ lực của Mỹ để duy trì sự hiện diện trong khu vực, mà còn báo hiệu cho các quốc gia khác rằng họ đang bị đe dọa trực tiếp. “Hành vi của Bắc Kinh đang mâu thuẫn với những tuyên bố công khai của chính họ về sự trỗi dậy hòa bình.” |
'Mỹ cần hành động nhiều hơn'
Cũng tại phiên điều trần về chính sách của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ tổ chức, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa James Risch trong bài phát biểu của mình, cũng cho rằng Mỹ phải hành động, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc gây hấn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.
Trong toàn văn bài phát biểu được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố, ông nhấn mạnh, khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương – là ‘nhà’ của ba nền kinh tế lớn nhất thế giới và năm trong số bảy đồng minh hiệp ước của Mỹ - rất quan trọng đối với Mỹ ngay cả khi Trung Quốc không phải là một nhân tố trong đó. “Chính phủ Mỹ quan tâm đáng kể trong việc xây dựng các liên minh, quan hệ đối tác và các kết nối đã phát triển giữa Mỹ và khu vực trong hơn hai trăm năm.”
Xem thêm: Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống hạm thế hệ mới
Ông lấy tiểu bang Idaho – quê nhà của mình – làm ví dụ cho mối quan hệ lâu dài và sâu sắc giữa Mỹ với khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. Theo ông, giá trị xuất khẩu của Idaho sang châu Á là 2,1 tỷ USD vào năm 2018 - hơn 80% hàng xuất khẩu của bang này được bán trực tiếp cho các nước trong khu vực. Nhiều quốc gia trong khu vực này có các khoản đầu tư kinh tế sâu rộng và lâu dài ở Idaho.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của hải quân Mỹ vừa thách thức yêu sách đường cơ sở của Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: Hải quân Mỹ |
"Người dân Idaho cũng quen thuộc với một số thách thức đặt ra ở khu vực này. Một ví dụ tôi nêu ra thường là tập đoàn sản xuất chip Micron, có trụ sở tại Boise, tiểu bang Idaho. Tài sản trí tuệ của họ đã bị đánh cắp bởi một công ty Trung Quốc, sau đó công nghệ đó đã được cấp bằng sáng chế ở Trung Quốc và công ty này đã quay lại kiện Micron. Ví dụ này nói lên tầm quan trọng của việc Mỹ duy trì ràng buộc kinh tế với khu vực. Điều bắt buộc là chúng ta phải làm để đảm bảo thị trường mở, thực hành giao dịch công bằng và quan trọng nhất, tuân thủ luật pháp."
"Với tất cả những điều đó, chúng tôi cần hỗ trợ củng cố các mối quan hệ đồng minh và phát triển quan hệ đối tác trên mọi mặt trận…Có rất nhiều lĩnh vực cần phải có sự hợp tác đó. Chúng ta phải tập trung vào việc bảo vệ cộng đồng toàn cầu, đặc biệt về hành vi gây hấn của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam,” Thượng nghị sĩ James Risch nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình.
Xe chở tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-26 trong một lễ duyệt binh ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters |
Liên tiếp vi phạm chủ quyền Việt Nam
Tàu khảo sát Hải Dương 8 lần đầu tiên vào khu vực hồi đầu tháng 7 với sự hộ tống của hai tàu hải cảnh Trung Quốc. Trong đó, có một tàu nặng 12.000 tấn là một trong những tàu tuần duyên lớn nhất châu Á.
Tuyên bố hôm 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông.
Ngày 7/8, tàu Hải Dương 8 rời Bãi Tư Chính sau hơn một tháng căng thẳng. Đến ngày 13/8, tàu này và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định: Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc "tiếp tục vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".
Những hoạt động vi phạm của nhóm tàu Hải Dương 8 nói trên, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, đã "ảnh hưởng tiêu cực đối với quan hệ hữu nghị giữa hai nước, với hoà bình, an ninh, ổn định ở Biển Đông và ở khu vực".
Chính vì thế, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam - bà Lê Thị Thu Hằng tuyên bố ngày 12/9./.